Những 'đốm than hồng' giữ hồn văn hóa nơi cực Bắc Hà Giang

Mắt đăm đắm vào từng điệu múa trống của các thành viên Đội văn nghệ bản Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang), còn đôi tay tài hoa của ông Lù Dỉ Điến thì điều khiển cặp dùi gỗ thoăn thoắt, gõ vào cặp trống đồng đực-cái, tạo ra những thanh âm chắc nịch trầm bổng ngân vang giữa đại ngàn. Như một 'đốm than hồng' giữa vùng đất trời cực Bắc, ông Điến đang ngày đêm lặng lẽ góp phần giữ hồn văn hóa của người Lô Lô, trong nhịp sống đầy màu sắc ở vùng cao nguyên đá.

Dưới sự dẫn dắt của nghệ nhân cao tuổi thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ), đồng bào Dao thường xuyên tổ chức trình diễn lễ cấp sắc để phục vụ du khách. Ảnh: Thái Bình

Vốn quý văn hóa cần phải gìn giữ

Háo hức được xem Đội văn nghệ của người Lô Lô vùng cực Bắc biểu diễn, nên khi tiếng trống đồng đầu tiên vừa vang lên, từ trẻ em, người già ở địa phương đến các tốp khách du lịch đang có mặt ở nhà văn hóa bản Lô Lô Chải đều vỗ tay khích lệ. Như được tiếp thêm năng lượng, các thành viên của đội múa càng hăng say thả hồn mình vào tiếng trống thiêng, người sau bước nối tiếp người trước, tạo thành một vòng tròn lúc loãng rộng, khi thu hẹp trong ánh chiều tà vùng cao biên giới.

Với người Lô Lô, trống đồng là biểu tượng linh thiêng của con người gắn với sự sinh sôi nảy nở giữa sự giao hòa của hai thế giới âm-dương, cho nên, trong các lễ hội, họ luôn cho trống đực và trống cái - với những đặc điểm khác nhau rõ nét tương tự như sự khác biệt giữa người nam và người nữ trong cuộc sống đời thường - cùng hiện diện ở mỗi sự kiện văn hóa, tâm linh của cộng đồng.

Nhiều năm nay, ông Điến cùng Trưởng thôn Vàng Dỉ Gai thường xuyên "lãnh đạo đội văn nghệ" (nguyên văn lời ông Điến) biểu diễn phục vụ khách du lịch đến thăm vùng đất địa đầu Lũng Cú cũng như thực hiện các chuyến giao lưu trong các lễ hội văn hóa tại các địa phương trong và ngoài tỉnh Hà Giang. Cứ mỗi khi màn trình diễn múa trống đồng của Đội văn nghệ bản Lô Lô Chải "trình làng", người xem lại thực sự bị cuốn hút. Thông qua thanh âm của cặp trống đực-cái ngân dài từ vách núi, lan tỏa vào đại ngàn, như "kết nối" mối giao cảm giữa con người với thần núi, thần suối, thần rừng, vừa huyền bí, kỳ ảo cùng những điệu dân vũ mê đắm của người Lô Lô.

"Ngày xưa, ở vùng biên ải Lũng Cú, vua Quang Trung đã cho đặt trống đồng để mỗi canh giờ được quân lính gióng lên ba hồi ầm vang khẳng định chủ quyền của quốc gia. Sống ở miền tận cùng biên giới phía Bắc, người Lô Lô đã cảm nhận được chiều sâu của những tiếng trống thiêng ấy, biến nó thành văn hóa của dân tộc mình. Bây giờ, những người còn nhớ được nét văn hóa quý giá đó, hiểu sâu về nó phải có trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đó là vốn quý văn hóa của người Lô Lô cần phải gìn giữ" - ông Lù Dỉ Điến chia sẻ trong sự tự hào khôn tả.

"Tiếp lửa" cho văn hóa truyền thống

Trưởng thôn Lô Lô Chải, ông Vàng Dỉ Gai, được đánh giá là một trong những nhân vật tiêu biểu có công góp phần giữ hồn văn hóa Lô Lô trong nhịp sống đầy màu sắc ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Chính nhờ những "đốm than hồng" như ông Gai mà bản sắc văn hóa của dân tộc Lô Lô nói riêng, các dân tộc anh em khác cùng sống trên cao nguyên Đồng Văn nói chung luôn được tiếp lửa, giữ gìn.

Về câu chuyện "tiếp lửa cho văn hóa truyền thống", Phó Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, Tạ Quang Tiến chia sẻ, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín cùng các hạt nhân văn hóa-văn nghệ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số địa phương đối với sự nghiệp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là hết sức quan trọng. Trân trọng sự nhiệt huyết của họ trong việc duy trì và phát huy những giá trị độc đáo của dân tộc mình, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để họ góp phần lưu giữ tinh hoa văn hóa, tham gia bảo tồn văn hóa văn nghệ truyền thống trước sự giao thoa mạnh mẽ của văn hóa hiện đại.

"Việc bảo tồn văn hóa tại gốc, tức là bảo tồn từ chính trong cộng đồng mỗi bản, mỗi cộng đồng dân cư cũng đang được các ban, ngành chức năng huyện Đồng Văn hướng đến. Thông qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín cùng các hạt nhân văn hóa-văn nghệ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số địa phương, chính quyền, đoàn thể và cơ quan chức năng có thêm điều kiện tuyên truyền, vận động, giáo dục để bà con các dân tộc thiểu số, nhất là lớp trẻ, ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc mình, từ trang phục, ngôn ngữ riêng, phong tục tập quán cho đến nết ăn, nết ở..." - Phó Bí thư Tạ Quang Tiến cho biết.

Ông Vàng Dỉ Gai (bên trái) đang truyền cảm hứng cho đội văn nghệ Lô Lô Chải bằng những thanh âm của cặp trống đồng đực-cái. Ảnh: Thái Bình

Còn theo ông Sìn Văn Phong, dân tộc Pà Thẻn, ở thôn Mê Bắc (xã Tân Bắc, huyện Quang Bình), dù đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, đi đôi với việc phục dựng các lễ hội, các cơ quan chức năng huyện Quang Bình đã tăng cường công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số anh em trên địa bàn. "Riêng với cộng đồng người Pà Thẻn, trước thực tế các thế hệ con cháu trong tộc người hầu như đã lãng quên các giá trị văn hóa truyền thống của ông cha, xã, huyện đã quan tâm khôi phục lại các lễ hội truyền thống. Với sự giúp sức của người già, nhiều nghi lễ, phong tục chứa đựng hồn cốt của dân tộc Pà Thẻn như lễ hội nhảy lửa, cúng cơm mới đã được "sống lại"..." - ông Sìn Văn Phong nói.

Cũng theo bậc cao tuổi người Pà Thẻn này, nhờ những người tâm huyết là các bậc già làng, trưởng bản, người có uy tín, thế hệ trẻ dân tộc Pà Thẻn ở Quang Bình đã thêm hiểu biết, thêm tự hào và tăng cường ý thức tự giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

"Đánh thức" vai trò tiên phong

Được biết, thời gian gần đây, với sự giúp sức đắc lực của đội ngũ những "đốm than hồng" như các ông Lù Dỉ Điến, Vàng Dỉ Gai, Sìn Văn Phong… tỉnh Hà Giang đã triển khai thành công nhiều đề án điều tra, sưu tầm văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa quý giá, nắm và xử lý thông tin liên quan để có hướng bảo tồn, phát huy. Do có sự hưởng ứng nhiệt tình của người già, trưởng bản, người có uy tín, đặc biệt là các hạt nhân văn hóa-văn nghệ dân tộc thiểu số, tại nhiều sự kiện văn hóa, không chỉ có các điệu dân vũ truyền thống, các tiết mục văn nghệ dân gian, mà còn nhiều nghi thức, giá trị ẩm thực cũng được khéo léo lồng ghép, góp phần thiết thực trong việc duy trì văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

"Việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống là trách nhiệm chung của cộng đồng, nhưng tích cực nhất, hiệu quả nhất vẫn là các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dòng họ. Họ cần được "đánh thức" vai trò tiên phong trong việc thuyết phục, giáo dục lớp trẻ chung tay giữ gìn bản sắc của dân tộc mình..." - Nghệ nhân khèn Mông Vàng Nhìn Mua, ở bản Khó Chớ (xã Vần Chải, huyện Đồng Văn) khẳng định.

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-dom-than-hong-giu-hon-van-hoa-noi-cuc-bac-ha-giang/