Những đổi thay trong lòng Thành phố

Hà Nội đang vươn mình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Trong những năm qua công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, đóng vai trò quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần xây dựng bộ mặt nội đô ngày càng khang trang, hiện đại.

Hà Nội từng ngày đổi khác

Cùng với quá trình đô thị hóa, trong những năm qua, Hà Nội đã có nhiều thay đổi mạnh về diện mạo đô thị. Chỉ cách đây khoảng 5 năm, người dân Hà Nội khó có thể hình dung diện mạo đô thị, nền kinh tế, diện mạo của Thủ đô lại có sự thay đổi nhanh đến như vậy.

Sự “thay da, đổi thịt” ấy đến từ công tác xây dựng, phát triển không gian đô thị và đã có những thành công bước đầu. Theo đó, bên cạnh những bước tiến đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, Hà Nội còn phát triển nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới hiện đại, tạo lập môi trường đô thị với điều kiện sống mới, văn minh, hiện đại…

Hà Nội từng bước thay đổi diện mạo ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Minh Phương

Hà Nội từng bước thay đổi diện mạo ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Minh Phương

Thong thả dạo bộ quanh khu vực hồ Gươm, ông Nguyễn Văn Thanh (72 tuổi, phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Ông sinh ra và lớn lên tại Thủ đô, được chứng kiến Hà Nội đổi thay từng ngày, từ lúc khu vực nội thành còn khiêm tốn, giờ đây được mở rộng với nhiều tuyến phố to đẹp, những khu đô thị, cao ốc được xây dựng khang trang, hiện đại. Ðời sống người dân không ngừng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Hà Nội ngày càng năng động hơn trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, bộ mặt đô thị Hà Nội thay đổi thực sự nhanh chóng, to đẹp, khang trang hơn, không kém gì với các thành phố hàng đầu trong khu vực”, ông Thanh cho biết.

Nhiều người nhìn nhận, sự đổi khác đến từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Đặc biệt, sau 5 năm triển khai Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020” đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, 6/9 chỉ tiêu của chương trình đề ra đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành. Cụ thể gồm các chỉ tiêu: Chương trình trồng 1 triệu cây xanh; hạ ngầm, sắp xếp các đường dây đi nổi; tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch 100%; tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn ở khu vực đô thị là 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 99%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý 100%.

Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội xác định danh mục hàng chục dự án, công trình trọng điểm. Đến nay 10 dự án đã hoàn thành, 2 dự án hoàn thành giai đoạn 1, 9 dự án đã khởi công và đang thi công xây dựng, một số dự án và hạng mục đang chuẩn bị thực hiện. Việc tập trung huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư đối với các dự án trọng điểm giao thông góp phần nâng diện tích đất đô thị dành cho giao thông tăng nhanh. Vận tải hành khách công cộng được quan tâm đầu tư, mở rộng góp phần nâng cao năng lực vận tải hệ thống giao thông, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Các công trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo thứ tự ưu tiên, tính cấp thiết; tăng cường thu hút đa dạng hóa nguồn lực đầu tư góp phần nâng cao chất lượng, mức độ dịch vụ đô thị.

Nhiều công trình giao thông, công trình cầu vượt quan trọng đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng như: Đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái; Vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy; Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng phần mặt đất và trên cao; Vành đai 3 phần mặt đất và trên cao đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long; cải tạo, mở rộng tuyến đường đê từ An Dương- Khách sạn Thắng Lợi; cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm: Cổ Linh – đầu cầu Vĩnh Tuy; Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái; Trung tâm quận Long Biên; Bắc Hồng; An Dương – Thanh Niên; Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Quốc Việt…

Trong 5 năm qua, Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả việc thu hút đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở mới. Thành phố đã chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thu hút hiệu quả đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở mới với nhiều khu đô thị đã và đang xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại như: An Khánh, Mỹ Đình, Văn Quán, Mỗ Lao, VinCity Sportia, Việt Hưng, VinHome River Side, Linh Đàm, Ciputra... Đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với một số dự án đang triển khai: Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, Khu thành phố thông minh…

Việc chủ động, sáng tạo phát triển loại hình nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng; lập quy hoạch, đề ra các giải pháp cơ chế đặc thù trong công tác cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ; tập trung thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tốt. Đến nay, trên 1.000 tòa nhà chung cư cao tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, 100% hệ thống hạ tầng tại các khu đô thị mới được ngầm hóa. Bên cạnh đó, tình trạng úng ngập đã cơ bản được giải quyết, giảm thiểu mức độ bị úng ngập và thời gian úng ngập. Hệ thống hồ tiếp tục được cải tạo, tình trạng ô nhiễm nước hồ được giải quyết triệt để...

Đặc biệt, những năm gần đây, việc hình thành tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn được người dân đánh giá cao. Bộ mặt đô thị của Thủ đô ngày càng sạch hơn, đẹp hơn, văn minh hơn, trật tự đô thị, trật tự công cộng có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước hướng tới văn minh hiện đại. Ngoài ra, việc Ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/9/2019 quy định về “Thiết kế mẫu hè đường đô thị” làm cơ sở để các quận, huyện, thị xã thực hiện chỉnh trang hè đường thống nhất, đảm bảo mỹ quan đô thị.

Nói về sự phát triển của khu vực nội đô trong 5 năm qua, ông Nguyễn Thanh Tuyến - Bí thư Chi bộ khu dân cư 5B (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) nhìn nhận, việc thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020” đã từng bước thay đổi bộ mặt đô thị.

“Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội từng bước được đồng bộ hiện đại. Hệ thống đèn chiếu sáng đường phố, các đường ngõ, ngách trên toàn địa bàn đã được đầu tư hoàn chỉnh và được quản lý vận hành theo quy định. Việc cải tạo, chỉnh trang đồng bộ hạ tầng kĩ thuật, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, hè phố… có sự phát triển vượt bậc so với nhiều năm trước”, ông Tuyến nhận định.

Hướng đến đô thị “xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại”

Là người gắn bó với nghề Quy hoạch đô thị suốt mấy chục năm, từng là Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm là người chứng kiến từng bước chuyển mình, tường tận sự đổi thay từng chút về diện mạo một Hà Nội từ những ngày khó khăn để trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại như hôm nay. “Tôi cho rằng, Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội thời gian qua đã thực hiện có hiệu quả, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi đột phá chứ không chỉ thay đổi như các nhiệm kì trước. Sự thay đổi được thể hiện rõ nét cả ở khu vực thành thị cũng như ở nông thôn. Đặc biệt, trong khu vực nội đô, định hướng phát triển thông qua các quy hoạch đã được chú trọng và đẩy mạnh”, ông Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, dấu ấn đậm nét nhất cho sự thay đổi của Hà Nội có lẽ ở giai đoạn 2015-2020, thể hiện qua nhiều vấn đề lớn. Hà Nội đã ban hành các quy hoạch và phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên với khoảng hơn 60 các đồ án quy hoạch như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, trong khi các năm trước mỗi năm chỉ độ 15-20 đồ án. Đến đầu năm 2020, Hà Nội cơ bản hoàn thành các loại quy hoạch. Việc hoàn thiện này là một trong những thành tựu lớn, những công cụ, định hướng cơ bản, một minh chứng cho việc Hà Nội đã quyết liệt triển khai quy hoạch.

Trong quá trình phát triển của Hà Nội, những yếu tố tác động đến người dân được chú trọng hơn. Ví dụ, Hà Nội đạt được tỉ lệ bình quân về nhà ở, học sinh đi học rất lớn. Hiện diện tích bình quân về đất ở trên đầu người ở Hà Nội khoảng 27m2/người. Nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, khu ký túc cho sinh viên đã được quan tâm. Đây là mức rất cao so với chỉ tiêu của cả nước. Có thể thấy, Hà Nội rất quan tâm đến đời sống nhân dân.

Ảnh: Minh Phương

Trong 5 năm qua, Hà Nội đã quan tâm, chú trọng đến vấn đề ô nhiễm môi trường hơn. Theo ông, Thành phố đã tăng cường các trạm quan sát để có những giải pháp xử lý kịp thời; vấn đề nước thải, cảnh quan đô thị cũng đã dần được giải quyết, tạo ra cảnh quan xung quanh, ven hồ. Trong nội đô, công tác khai thác, sử dụng đường vỉa hè, kết nối giao thông cũng đã được chú trọng, đẩy mạnh các khu đô thị mới theo hướng hiện đại. “Sự đột phá trong diện mạo được thể hiện cả về không gian kiến trúc, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, đặc biệt tạo ra diện mạo mới xanh - sạch - đẹp - văn minh - hiện đại”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Những năm qua, quá trình đô thị hóa của Hà Nội còn lan tỏa mạnh theo chiều rộng. Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, một trong những đột phá làm thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô, phải kể đến việc khớp nối quy hoạch giao thông của Hà Nội (cũ) với quy hoạch giao thông của Thủ đô sau sáp nhập và các hoạt động từ quy hoạch đến đầu tư kết cấu giao thông Thủ đô với các vùng lân cận. Nhờ đó, những vùng đất ven đô vốn một thời hoang vắng xưa kia đã chuyển mình mạnh mẽ, với hàng trăm các dự án quy hoạch khu đô thị mới, khu nhà ở đã, đang được triển khai như: An Khánh, Văn Quán, Thiên đường Bảo Sơn, Việt Hưng, Mỹ Đình,... Ngày càng nhiều trung tâm thương mại, mua sắm: Vincom (quận Hai Bà Trưng), Aeon Mall (quận Long Biên, quận Hà Đông); Lotte (quận Ba Đình),... hình thành, trở thành các điểm đến thương mại - văn hóa - xã hội, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

“Trong định hướng phát triển, chúng ta đã khẳng định, phải xây dựng một Hà Nội không chỉ xứng tầm là Thủ đô của cả nước, mà còn phải là đô thị có vị trí ở khu vực và trên thế giới. Vậy một đô thị muốn có sức cạnh tranh, muốn phát triển lớn mạnh thì không phải chỉ hòa đồng với các đô thị khác mà còn phải tạo ra được bản sắc riêng. Bản sắc riêng ở đây chính là một Hà Nội xanh, nhưng cái xanh ở đây không chỉ là nông nghiệp, lâm nghiệp mà còn phải thể hiện ở cả các khu bảo tồn, ở cả các khu nội đô cũ”, ông Nghiêm chia sẻ.

Trước đó, để giải quyết các vấn đề quản lý xã hội, tạo lập môi trường sống tốt cho người dân, cùng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26 -7 - 2011), Hà Nội xác định một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng Thủ đô thành đô thị “xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại”. Định hướng phát triển không gian đô thị của Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái và vùng nông thôn được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia. Trong đó, đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, cách thị trấn bằng một hành lang xanh chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, mô hình chùm đô thị đã được áp dụng thành công ở nhiều nước, góp phần phát triển kinh tế, quản lý dân số và bảo tồn di sản. Theo đó, quản lý đô thị tốt là yếu tố quan trọng, là yêu cầu cấp bách, là đột phá với Hà Nội để bảo đảm phát triển bền vững. Bên cạnh những việc phát triển khu đô thị thì Hà Nội cũng đã có những khu đô thị ngang tầm với một số nước hiện đại trên thế giới. Hà Nội đã tạo nên những khu vực mà được người dân cho rằng là đáng sống, thân thiện. Hà Nội có nhiều công trình được khen thưởng về kiến trúc xanh ví dụ như khu đô thị thông minh trên đường Võ Nguyên Giáp, khu đô thị xanh, khu đô thị đáng sống...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cũng đánh giá, Hà Nội hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại trong việc giải quyết các khu chung cư cũ, nhà ở cũ; việc di dời các cơ sở công nghiệp, di dời trụ sở bộ, ngành, các trường đại học còn chậm; quản lý đô thị đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, ùn tắc giao thông chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; giao thông chưa đạt được như kỳ vọng; cấu trúc phương tiện giao thông công cộng đang còn thấp mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều ưu đãi ở một số tuyến đường công cộng…

Ông Nghiêm cho rằng, trong thời gian tới, để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện định hướng xây dựng Thành phố “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại” vẫn cần xem xét kết cấu hạ tầng là một bước đột phá, phải xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ. Phát triển hiện đại nhưng cần toàn diện cả đô thị và nông thôn, để nâng tầm Thủ đô phát triển thành đô thị đặc biệt. Trước mắt tập trung vào giao thông để kết nối với các tỉnh lân cận, kết nối nội đô với ngoại thành. Chú trọng hơn nữa về hiện đại hóa kết cấu hạ tầng. “Để biến định hướng thành hiện thực thì quan trọng nhất là phải thu hút được nguồn lực. Vốn ngân sách Nhà nước thì có hạn, do vậy phải đẩy mạnh việc xã hội hóa để thu hút nguồn lực trong nước, thu hút nguồn lực từ nước ngoài…”, ông Nghiêm nhấn mạnh./.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-doi-thay-trong-long-thanh-pho-114068.html