Những đôi tay vàng trong ''làng'' cạo mủ

Tại hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su diễn ra vào cuối tháng 12-2020 tại tỉnh Bình Phước, đoàn Tổng công ty Cao su Đồng Nai (gọi tắt là Tổng công ty) có 5 công nhân dự thi thì có 3 người đạt số điểm tuyệt đối 100, được công nhận Bàn tay vàng; 2 người được trên 98 điểm được công nhận Kiện tướng khai thác mủ.

Lãnh đạo Tổng công ty Cao su Đồng Nai trao giải cho các thí sinh tại hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cấp tổng công ty năm 2020

Lãnh đạo Tổng công ty Cao su Đồng Nai trao giải cho các thí sinh tại hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cấp tổng công ty năm 2020

Họ đều là những công nhân giỏi nghề, có ý chí rèn luyện không ngừng vì mục tiêu sản lượng, thu nhập, vì sự phát phát triển của doanh nghiệp.

Người thợ trẻ giỏi toàn quốc

Trong số 3 Bàn tay vàng khai thác mủ của Đồng Nai năm 2020 có anh Lê Tài, 35 tuổi, Nông trường Cao su Cẩm Mỹ. So với nhiều công nhân khai thác mủ, anh Tài là người trẻ tuổi nghề, thế nhưng, những danh hiệu mà anh đạt được như: Kiện tướng khai thác mủ năm 2016, Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2018, Bàn tay vàng năm 2020… không phải ai cũng có được.

Anh Tài cho biết, gia đình anh có 3 thế hệ gắn bó với cây cao su nên anh không lạ gì công việc cạo mủ. Năm 22 tuổi, anh quyết định theo nghề truyền thống của gia đình. Nhờ được người nhà chỉ, học hỏi kinh nghiệm của những công nhân đi trước nên tay nghề của anh lên nhanh. Không chỉ là thành viên chính trong đội Luyện tay nghề - thi thợ giỏi của nông trường, của Tổng công ty trong nhiều năm, anh Tài còn là “quân sư” đắc lực cho nhiều công nhân mới vào nghề.

Anh Võ Đình Thủy, Nông trường Cao su Cẩm Mỹ, Bàn tay vàng khai thác mủ cao su năm 2020 tại vườn cây

“Cạo mủ cao su là nghề vất vả. Không chỉ đi sớm về trưa, cần cù, khéo léo là đủ, nghề này đòi hỏi phải am hiểu đặc điểm sinh lý của từng giống cây, từ đó có chế độ cạo phù hợp” - anh Tài chia sẻ. Trước mỗi mùa cạo, anh cẩn thận đánh dấu đường cạo cho cả năm. Vào mùa khai thác, anh luôn tranh thủ đi sớm, tận dụng thời điểm cây cho mủ nhiều nhất để cạo, tuân thủ đúng kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng cũng như sản lượng mủ của cây... Nhờ vậy, sản lượng khai thác mủ hằng năm của anh Tài đều vượt từ 5-20% chỉ tiêu kế hoạch.

Năm 2016, anh Tài tham gia hội thi cấp Tổng công ty đoạt giải ba cá nhân, sau đó, được chọn đi thi cấp Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đoạt danh hiệu Kiện tướng. Tại hội thi cấp tập đoàn năm 2018 anh Tài bảo vệ thành công danh hiệu Kiện tướng khai thác mủ. Hội thi cấp tập đoàn năm 2020 mới đây, anh Tài đạt số điểm tuyệt đối 100, được trao tặng danh hiệu Bàn tay vàng. “Đây là thành quả cho sự kiên trì, nỗ lực của tôi trong hơn 10 năm. Tôi hạnh phúc vì điều này”- anh Tài nói.

“Tìm vàng” cho đôi tay

Chị Bồ Thị Như Ngọc, Nông trường Cao su Ông Quế, Bàn tay vàng khai thác mủ cao su năm 2020

Gắn bó với nghề khai thác mủ cao su mới 7 năm nhưng chị Bồ Thị Như Ngọc, Nông trường cao su Ông Quế đã khẳng định được năng lực, kinh nghiệm trong nghề. Danh hiệu Bàn tay vàng khai thác mủ cao su năm 2020 đã minh chứng điều đó.

Nhớ lại quãng thời gian đầu làm việc, chị Ngọc chia sẻ, đó là giai đoạn khó khăn bởi công việc khai thác mủ phải thức dậy rất sớm. Ngày thường thì không sao, những hôm mưa nhiều, đất ướt, đi bộ đã khó, chạy mưa để cứu mủ còn khó hơn.

Học tập những công nhân khác, chị Ngọc làm máng che cho đường cạo, mái che cho chén mủ để hạn chế nước mưa tràn vào. Chị duy trì cạo đúng kỹ thuật ngay cả với vườn cây thanh lý để tạo thói quen không làm ẩu. Nhờ vậy, sản lượng mủ khai thác của chị luôn đạt cao và tăng lên hằng năm, được nông trường khen thưởng.

Được sự động viên của đồng nghiệp, năm 2018, chị Ngọc mạnh dạn đăng ký tham dự hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cấp đội khi mới vào nghề được 5 năm. Tại hội thi này chị giành thứ hạng cao, được chọn dự thi cấp nông trường, sau đó đại diện cho nông trường tham dự hội thi cấp tổng công ty. Mặc dù chưa đoạt thứ hạng như kỳ vọng nhưng chị Ngọc không nản chí mà vẫn không ngừng nỗ lực quyết “tìm vàng” cho đôi tay.

Ngoài công việc chuyên môn, lúc rảnh, chị Ngọc cùng tổ trưởng và một số anh chị em công nhân có tay nghề khá dạo quanh các lô hướng dẫn kỹ thuật thêm cho công nhân yếu kém, góp phần tạo sự đồng đều giữa các thành viên trong tổ.

Năm 2020, chị Ngọc xuất sắc giành giải nhì hội thi cấp nông trường, giải ba cấp tổng công ty và được chọn là một trong 5 thí sinh đại diện cho đoàn Đồng Nai tham dự hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su tập đoàn. Lần này, chị Ngọc đã không “lỗi hẹn với vàng”, chị cùng 2 thí sinh khác trong đoàn đạt điểm tuyệt đối, lấy được danh hiệu Bàn tay vàng và góp phần vào thành tích giải nhì toàn đoàn cho Tổng công ty.

Ngoài danh hiệu Bàn tay vàng, chị Ngọc còn được nhiều giấy khen, bằng khen của nông trường, tổng công ty. Chị cho rằng đây là thành quả của 2 vợ chồng, bởi chồng đã động viên chị đi thi, cạo giúp phần cây để chị yên tâm luyện tập. “Danh hiệu Bàn tay vàng là thành quả chung của 2 vợ chồng. Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu” - chị Ngọc tâm sự.

Rèn luyện mỗi ngày để tốt hơn

Anh Lê Tài, Bàn tay vàng khai thác mủ cao su năm 2020

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề cạo mủ, trong đó ông ngoại là cán bộ kỹ thuật nên anh Võ Đình Thủy, Nông trường Cao su Cẩm Mỹ ít nhiều hưởng được “gen” của nghề. Nhiều lần anh được đứng trên bục danh dự tại các cuộc thi tay nghề của ngành.

Tâm sự với chúng tôi, anh Thủy chia sẻ, năm 2009 anh xin vào làm công nhân khai thác mủ. Được sự trợ giúp của những người trong gia đình, đặc biệt là ông ngoại nên anh quen việc nhanh. Ngay trong năm đầu tiên, anh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu sản lượng được giao, đạt điểm A về kỹ thuật. “Sản lượng mủ phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của công nhân, nếu cạo đúng giờ, đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho mủ nhiều, chất lượng tốt, ngược lại cây bị suy, sản lượng mủ bị hụt” - anh Thủy nói.

Anh Thủy cho rằng, với công nhân cạo mủ, việc rèn luyện tay nghề mỗi ngày là rất cần thiết, không chỉ vì mục đích đi thi, đoạt giải thưởng mà để cải thiện sản lượng, cải thiện thu nhập cho bản thân. Việc làm này cũng góp phần đảm bảo chất lượng cây, sản lượng mủ cho mùa cạo sau. Bởi vậy anh Thủy tham gia nhóm thanh niên và thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật khai thác mủ cho các công nhân khác trong nông trường, giúp họ cải thiện tay nghề, có thu nhập tốt hơn.

Năm 2017, ngành Cao su Đồng Nai bị thiếu hụt lao động nghiêm trọng do giá bán mủ giảm sâu, công nhân xin nghỉ việc nhiều. Anh Thủy vận động vợ vào nghề, đồng thời trở thành “thầy” dạy kỹ thuật cho vợ. Năm 2020, 2 vợ chồng cùng tham dự hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cấp nông trường, anh đoạt giải nhất, còn vợ được giải ba. Anh Thủy sau đó được chọn đi dự thi cấp tập đoàn và đạt danh hiệu Bàn tay vàng. Với thành tích này, anh được thưởng tổng cộng hơn 40 triệu đồng tiền mặt và một chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm tại Nha Trang.

Gặp anh giữa vườn cao su đang bước vào thời kỳ thay lá, anh Thủy cho hay sẽ cạo khoảng 1 tháng nữa theo kế hoạch của Tổng công ty. Hai vợ chồng sẽ dành khoảng 1 tuần để nghỉ ngơi, sau đó đi hái tiêu mướn trong thời gian chờ mùa cạo mới.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202101/nhung-doi-tay-vang-trong-lang-cao-mu-3041727/