Những đổi mới giáo dục nhìn từ kỳ thi THPT quốc gia

5 năm kể từ khi có Nghị quyết 29 của Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, sự chuyển biến tích cực trong các chính sách về giáo dục đã được ban hành, theo hướng chuyển dần từ mục tiêu giáo dục tăng cường kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Nếu lấy điểm nhìn từ kỳ thi THPT quốc gia, mới thấy rõ rằng: Nghị quyết 29 được thể chế hóa bằng những đổi mới trong phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá, đồng thời phương pháp thi này cũng có tác động ngược trở lại quá trình dạy và học.

Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” do ĐHQG Hà Nội chủ trì đã đưa ra những nhận định, đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời nêu một số khuyến nghị với cơ quan quản lý liên quan đến kỳ thi này.

PGS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - đã thay mặt nhóm nghiên cứu chia sẻ về những kết quả của đổi mới kiểm tra, đánh giá, trong đó có kỳ thi THPT quốc gia.

Kết quả nghiên cứu nhận định: Định hướng về thi THPT và tuyển sinh ĐH được nghiên cứu, triển khai bước đầu có hiệu quả. Thi THPT quốc gia có chuyển biến tích cực; theo đó, đánh giá toàn diện, giảm áp lực xã hội, hình thức thi có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

4 năm thi THPT quốc gia đã góp phần tích cực vào quá trình đổi mới thi cử, kiểm tra, đánh giá và tác động thay đổi quá trình dạy, học theo hướng phát triển năng lực. Ảnh P.T

Đề thi THPT quốc gia những năm gần đây quan trọng đánh giá năng lực. Điều này cũng có tác động vào quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá ở các cấp dưới hơn. Đó là duy trì triết lý kiểm tra đánh giá vì sự phát triển năng lực của học sinh. Theo đó: Tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức; kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, nhấn mạnh định tính trong đánh giá quá trình; tạo nhiều cơ hội cho học sinh thể hiện: Tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, đánh giá trình diễn; đa dạng hóa loại hình kiểm tra đánh giá, thúc đẩy đánh giá quá trình thay vì chỉ tập trung vào đánh giá tổng kết.

Cho rằng cần tiếp tục duy trì mô hình thi THPT quốc gia để đảm bảo tính ổn định, phát huy những điểm tích cực, nhóm nghiên cứu của ĐHQG Hà Nội cũng khuyến nghị cần bổ sung, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, câu hỏi tích hợp; hoàn thiện kĩ thuật. Đồng thời, điều chỉnh văn bản hướng dẫn, nhấn mạnh giám sát; phát huy triệt để tính ưu việt của bài thi chuẩn hóa, bảo mật tối đa cho câu hỏi đã chuẩn hóa, sử dụng điểm năng lực.

Đồng thời, nên công khai dạng thức và đề thi trên mạng, học sinh có thể tự đánh giá các năng lực cơ bản; thực hiện xét tốt nghiệp kết hợp giữa điểm tích lũy môn học và đánh giá năng lực cơ bản.

Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa quyền tự chủ tuyển sinh, cụ thể: khuyến khích các trường xây dựng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt liên quan đến ngành đào tạo; nghiên cứu chính sách hoạt động cho các trung tâm khảo thí độc lập dưới sự giám sát của Cục Quản lý chất lượng.

Việc tổ chức kì thi THPT quốc gia vẫn còn một số tiêu cực trong quá trình triển khai, kết quả thi chưa đảm bảo tính ổn định vì thế, PGS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục đề nghị cần bổ sung các giải pháp kỹ thuật để kỳ thi ngày càng hoàn thiện hơn.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết: Nhìn lại 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia bám sát yêu cầu Nghị quyết 29, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức như hiện nay là phù hợp với điều kiện dạy học, kinh tế - xã hội các địa phương, đảm bảo gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh. Vì vậy, nên tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020, tất nhiên là kèm theo điều chỉnh về kĩ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức để làm sao kỳ thi được tổ chức ngày càng nhẹ nhàng, hoàn thiện hơn, độ tin cậy cao hơn.

Thủy Fan

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhung-doi-moi-giao-duc-nhin-tu-ky-thi-thpt-quoc-gia-122633.html