Những đòi hỏi cấp bách trong phòng, chống thiên tai

Trước những diễn biến thời tiết ngày càng trái quy luật, cực đoan, để tăng mức độ chủ động ứng phó, ngày 18-6-2018 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về phòng, chống thiên tai. Mục tiêu đặt ra cho năm 2025 là giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020. Sẽ cần phải có chương trình hành động cụ thể thế nào để những con số trên được hiện thực hóa?

Cần thay đổi cách “ứng xử” với thiên tai theo hướng từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Trong ảnh: Người dân xã Sơn Lương (huyện Văn Chấn, Yên Bái) cùng nhau khắc phục hậu quả sau trận lũ quét. Ảnh: Phạm Trường

Những bất cập chưa được giải quyết

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BÐKH) diễn biến ngày càng phức tạp theo xu hướng gia tăng, nhanh hơn cả chúng ta dự tính, kể cả gia tăng thiệt hại về người và của… Những bất cập trong phòng, chống thiên tai ngày một lộ rõ, nhưng lại chưa được nhận diện và giải quyết rốt ráo. Vậy nên, điều đầu tiên và tiên quyết để thực hiện Nghị quyết 76 phải là, nhìn thẳng vào những bất cập trong công tác phòng, chống thiên tai hiện nay để từ đó xây dựng những giải pháp đúng trọng tâm.

Theo các chuyên gia của Chương trình BÐKH và Phát triển - Trường đại học Việt Nhật (Ðại học Quốc gia Hà Nội), sở dĩ chúng ta vẫn chưa theo kịp trước diễn biến của thiên tai, thời tiết cực đoan là bởi nguồn nhân lực và phương tiện tại chỗ ở nhiều địa phương còn hạn chế, trong khi thiên tai có xu hướng xảy ra ngày càng cực đoan hơn trước kia. Bên cạnh đó, thiên tai cũng bắt đầu xuất hiện ở những địa phương mà trước đây chưa, hoặc ít xảy ra, chính vì vậy kinh nghiệm ứng phó với thiên tai nơi đó chưa được tích lũy.

Chẳng hạn như các khu vực đô thị đang trở thành đối tượng chịu tác động lớn từ thiên tai. Thực tế cho thấy, do mật độ dân cư đông, thành phần đa dạng, tính gắn kết cộng đồng không cao, sự thay đổi liên tục của địa hình địa mạo và người dân đô thị đa số nhập cư từ nơi khác đến nên tâm lý chung vừa chủ quan vừa thiếu các kinh nghiệm phòng, chống thiên tai.

Một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến thời tiết cực đoan, chúng ta chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để sự can thiệp cao của con người vào thiên nhiên. Bày tỏ mối lo ngại này, bà Nguyễn Thị Yến, Cố vấn BÐKH và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thuộc Tổ chức Care International Việt Nam nói: Trong quá trình phát triển, đô thị hóa, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các dòng sông, làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này xảy ra ở nhiều con sông trên cả nước.

Ðiểm đáng lưu ý, cũng tương tự như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam phải đối diện thực tế, trong khi ngân sách còn eo hẹp nhưng nhu cầu chi cho phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai lại ngày một tăng, mức chi chưa tương ứng với sự gia tăng, tính về cả tần suất và mức độ của các loại hình thời tiết bất thường.

Ở khu vực đô thị và các tỉnh có tần suất thiên tai xảy ra ít, khi thiên tai cực đoan ập đến thì người dân hoàn toàn bị động. Ảnh: Như Ý

Tập trung cho tăng trưởng xanh

Nhiều chuyên gia về môi trường đều thống nhất quan điểm, điểm mấu chốt để nâng cao năng lực thích ứng với BÐKH và phòng tránh thiên tai là cần phải tập trung cho công tác quy hoạch theo hướng bảo đảm tính liên vùng, liên ngành và được lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của mỗi địa phương. Cần tính toán đến các yếu tố không chắc chắn của khí hậu trong công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm bảo đảm chống chịu được với các ngưỡng thiên tai lịch sử trong quá khứ, đồng thời xây dựng các kịch bản ứng phó với thiên tai và thời tiết cực đoan. Nói một cách hình ảnh, tiêu chí xanh phải xuất hiện trong bất cứ bài toán tăng trưởng hay quy hoạch nào.

Bàn về giải pháp trước mắt, GS, TSKH Trương Quang Học, Viện Tài nguyên môi trường (Ðại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Chúng ta cần ứng phó với các tác động cực đoan của BÐKH bằng ưu tiên các biện pháp “không hối tiếc hay ít hối tiếc”: Chẳng hạn như, cần tổ chức thực hiện tốt công tác dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, làm sao càng cụ thể cho các địa phương, càng ngắn hạn càng tốt, bởi nó giúp cho công tác điều hành ứng phó của chính quyền và thích ứng với BÐKH của người dân được kịp thời, chính xác. Ðối với một mũi nhọn của phát triển kinh tế như nông nghiệp, nhất định phải chuyển đổi sớm sang nông nghiệp thông minh, thích ứng với BÐKH. Hệ thống sinh kế chống chịu BÐKH và bền vững cho từng lĩnh vực, từng vùng, miền… cần sớm được xây dựng và thiết kế xuống đến tận người nông dân.

Về lâu dài, GS, TSKH Trương Quang Học phân tích: Trước hết là cần thay đổi tư duy theo định hướng “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về BÐKH”. Muốn vậy, phải có cái nhìn tổng thể, lâu dài, theo cách tiếp cận liên ngành, liên vùng, liên cấp, tôn trọng những quy luật của tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên dựa trên hệ sinh thái. Phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rừng, đặc biệt trong Chương trình REDD+ cùng với chống mất rừng và phục hồi lại rừng, nhất là các rừng phòng hộ ven biển, như rừng ngập mặn và rừng phi lao ven biển, và rừng đầu nguồn, để giảm nhẹ thiên tai, tăng bể hấp thu và bể chứa các-bon, tăng nguồn vốn tự nhiên và cũng là để phát triển sinh kế bền vững cho người dân. Thường xuyên nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một giải pháp cần coi trọng nữa, đó là ưu tiên xây dựng sớm ở nhiều địa phương những mô hình xã an toàn với thiên tai lồng ghép trong xây dựng nông thôn mới (hiện đang được thí điểm tại sáu địa phương). Xa hơn, là xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thích ứng với BÐKH cấp huyện, kết hợp với chương trình nông thôn mới. Như cách mà Trung tâm Phát triển cộng đồng sinh thái (ECODE) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã triển khai hỗ trợ cho ba huyện ven biển là Tiền Hải (Thái Bình), Giao Thủy (Nam Ðịnh) và Cát Hải (Hải Phòng) xây dựng thành công kế hoạch hành động thích ứng với BÐKH cấp huyện trong năm 2017. Hiện nay bắt đầu thực hiện ở Cát Hải. Chương trình “cấp huyện” đầu tiên của Việt Nam này có nhiều lợi thế để triển khai hiệu quả và tích hợp các hoạt động “Phát triển-Thích ứng đa mục tiêu” ở cấp địa phương, vì thực sự “Dân hiểu, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Nếu phát huy được rộng rãi thì mục tiêu 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên cả nước được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai trong Nghị quyết 76 sẽ không quá xa vời.

Ðược biết, bản Dự thảo kế hoạch thích ứng quốc gia về BÐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đang được xây dựng và dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong năm 2019. Như vậy, cùng với Nghị quyết 76 và nhiều chính sách đã được ban hành, Việt Nam có tương đối đầy đủ cơ sở pháp lý, chính sách để hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về BÐKH. Vấn đề còn lại vẫn là ở năng lực thực thi các cấp. Tiếc thay, đó lại vẫn là một vấn đề tương đối khó giải hiện nay.

HIẾU DÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/37273202-nhung-doi-hoi-cap-bach-trong-phong-chong-thien-tai.html