Những đôi dép khuyết tật

Thật ra, gọi như thế là khiên cưỡng, vì tôi chưa tìm ra từ nào phù hợp. Ít ai dùng từ 'khuyết tật' cho các đồ vật.

Hai du khách nữ Hàn Quốc tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm.

Dép do con người làm ra, dùng để bảo vệ đôi chân, sau này có thêm giày. Xã hội ngày càng phát triển, dép cũng không ngừng được cải tiến cả về chất liệu lẫn mẫu mã. Và không chỉ để phục vụ cho việc đi lại, dép đã trở thành một mặt hàng thời trang, là một phần tất yếu của cuộc sống. Nếu giày để mang đi làm ở công sở hay tham dự các dịp lễ lạt quan trọng thì dép được nhiều người mang đi ra chợ hay tha thẩn dạo chơi phố xá xung quanh nhà... Ở quê, dép “chinh chiến” khắp các đường làng, nơi ruộng đồng, nương rẫy.

Dép đi hư rồi thì bỏ. Chẳng thấy ai lại tự làm xấu dép của mình. Vậy mà vào các nhà nghỉ hay khách sạn bình dân ở Việt Nam, người ta thấy có những đôi dép không bình thường được dành cho khách lưu trú sử dụng. Có đôi bị cắt cụt phần đầu. Có đôi bị thẻo một góc hay bị xẻ ở giữa. Có đôi bị sơn đen sơn đỏ một phần để đánh dấu. Khách người nước ngoài thắc mắc, tôi thường cười trả lời lấp liếm: “Thời trang dép độc”!?

Nhưng có khách đã hỏi thẳng chủ nhân của nhà nghỉ và suýt té ngửa vì câu trả lời rất thật: “Làm vậy để khách khỏi mang nhầm về nhà hoặc bị lấy cắp”. Khách truy vấn: “Chẳng lẽ vùng này trộm cắp vậy sao? Đến đôi dép xoàng mà cũng ăn cắp à?”. Đâu chỉ vậy, có khách cho rằng mình bị xúc phạm nên đòi tìm nhà nghỉ khác. Khốn nỗi, về tới mấy thị trấn vùng quê thì đâu dễ tìm ra khách sạn tươm tất.

Cá nhân tôi cũng thấy việc này thật là... kỳ cục! Nếu chủ nhà nghỉ sợ mất cắp kiểu đó thì tất cả đồ dùng trong nhà nghỉ cũng bị bắt phải khuyết tật, hà cớ gì chỉ riêng mấy đôi dép? Tôi không tin khách đi du lịch hay đi công tác lại chăm bẳm ăn cắp dép. Có rất nhiều cách lịch sự để nhắc khéo với khách sao lại đi chọn cách bạc đãi những đôi dép kiểu đó? Mấy đôi dép khuyết tật ấy còn hơn cả những lời mắng xéo dành cho khách. Mà cho dù có vài phần trăm khách lấy cắp dép thì cũng không thể nghi ngờ tất cả. Theo tôi, làm dịch vụ mà lúc nào cũng nghi ngờ khách thì nên bỏ nghề. Mình không tin khách thì làm sao khách tin mình? Suy cho cùng, những đôi dép khuyết tật là nạn nhân của những cái đầu khuyết tật trong cái thân thể bình thường mà tinh thần thì bệnh hoạn.

Cũng liên quan đến “thủ tục” lưu trú ở Việt Nam, có mấy người bạn doanh nhân nước ngoài từng nói với tôi, như mỉa mai: “Tôi đi gần khắp thế giới, chẳng có khách sạn nước nào bắt từng khách phải nộp hộ chiếu hoặc chứng minh thư như Việt Nam cả”. Khi tôi giải thích là vì lý do an ninh và an toàn cho khách, họ liền phản ứng: “Không lẽ công tác an ninh ở Việt Nam kém nhất thế giới?”. Tôi định chống chế là do quy định phải như vậy nhưng lại sợ họ kết luận là “Luật pháp Việt Nam kỳ cục nhất thế giới” nên đành chọn giải pháp “im lặng là vàng”, vì càng chống chế, càng dở hơi.

(*) Lửa Việt Tours

Nguyễn Văn Mỹ (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279587/nhung-doi-dep-khuyet-tat-.html