Những đồi cây tiền tỷ từ tình đất, công người ở huyện miền núi Hà Tĩnh

Từ một vùng quê miền núi đói nghèo, lạc hậu, giờ đây, nhờ các vườn cam, đồi chanh... mà bức tranh NTM ở Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã trở nên tươi tắn và giàu sức sống.

Tiếp sức bằng nhiều cơ chế, chính sách...

Theo khảo sát, trong tổng số 64.615 ha đất tự nhiên của toàn huyện có tới hơn 80% là vườn đồi, rừng, đất lâm nghiệp. Hầu hết các vùng đất đồi đều rất phù hợp cho việc phát triển cây ăn quả có múi.

Thiên nhiên ưu ái, người dân siêng năng, giàu kinh nghiệm, lại được hưởng lợi nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nên đến bất cứ nơi đâu ở Vũ Quang cũng thấy những đồi cam quả trĩu cảnh trên những vườn đồi cho thu nhập tiền tỷ.

Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Xác định rõ tiềm năng, lợi thế, huyện Vũ Quang sớm có chủ trương tập trung phát triển cây ăn quả, nhất là cây có múi. Ngoài triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện ban hành các cơ chế, chính sách riêng để tạo thêm nguồn lực thực hiện.

Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, động viên, định hướng và có những chính sách, nguồn vốn để hỗ trợ đoàn viên, hội viên, Nhân dân có thêm nguồn lực trồng cây ăn quả. Trong những năm gần đây, người dân Vũ Quang đã được hỗ trợ trên 45 tỷ đồng từ các cơ chế, chính sách của huyện và tỉnh để làm kinh tế vườn đồi”.

Được quan tâm, bảo vệ nên những gốc cam đầu dòng của gia đình ông Lê Quang Vượng (xã Đức Bồng) có ý nghĩa lớn trong cải thiện nguồn giống để phát triển những đồi cam chất lượng, mang thương hiệu Vũ Quang.

Các cơ chế, nguồn lực đã tạo “đòn bẩy” để người dân có vốn đầu tư, hỗ trợ cây giống, mua sắm máy móc phục vụ tưới tiêu, được đi tham quan, học tập các mô hình, tiếp cận KHKT mới. Ngoài ra, để phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, Vũ Quang đã huy động hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng các chợ nông sản, hoàn thiện hệ thống đường giao thông, làm đường điện…

Quê mạnh, dân giàu nhờ cây ăn quả…

Sau 4 năm trồng, người dân TĐC vùng Khe Ná - Chi Lời (xã Thọ Điền) đã có những đồi cam cho quả, hứa hẹn những vụ mùa bội thu để nâng cao thu nhập và có cuộc sống thêm phần sung túc

Những khu vườn đồi trù phú đang đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển KT-XH ở Vũ Quang. Tất cả 10 xã, thị trấn trong huyện đều có nguồn thu từ cam. Điển hình là các xã: Đức Lĩnh thu khoảng 180 tỷ đồng/năm, Thọ Điền khoảng 100 tỷ đồng/năm, Đức Hương trên 91 tỷ đồng/năm,

Hương Minh khoảng 48 tỷ đồng/năm. Nguồn thu nhập lớn từ những vườn cây ăn quả không chỉ giúp các địa phương có thêm nguồn lực phát triển KT - XH mà còn góp phần quan trọng để ổn định sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,7% (năm 2015) xuống còn 6,23% (năm 2020).

Cùng với cây cam, chanh thì trong những năm gần đây, nhiều người dân say mê làm vườn đồi đã tìm tòi các giống bưởi, quýt, chanh leo trồng thử nghiệm và đã bén duyên trên đất đồi Vũ Quang (Ảnh: Những gốc bưởi cho quả năm thứ 3 của gia đình ông Nguyễn Văn Bính ở xã Ân Phú).

Ông Bùi Khắc Bằng - Chủ tịch UBND huyện thông tin: “Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, Vũ Quang tập trung chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cây ăn quả và hiện đã đạt 3.700 ha, tăng 1.370 ha so với cách đây 5 năm.

Các khu vườn đồi này mỗi năm mang về nguồn thu trên 415 tỷ đồng, chiếm gần 42% giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn lực lớn để phát triển KT-XH, giữ vững QPAN, đảm bảo an sinh xã hội. Hiện nay, Vũ Quang đã xây dựng được 1.825 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, riêng nhiệm kỳ 2015 - 2020 xây dựng được 775 mô hình”.

Ngoài cây ăn quả có múi thì cây ổi, thanh long, mít.... cũng xuất hiện ngày một nhiều trên núi đồi Vũ Quang, góp phần tăng nguồn thu nhập, ổn định sinh kế cho người làm vườn (cây Ổi Lê Đài Loan được xem là cây trồng chiến lược, phù hợp với tình hình sản xuất của bà con vùng TĐC Hói Trung, xã Quang Thọ).

“Để tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế vườn đồi, thời gian tới, Vũ Quang tập trung đầu tư thâm canh, đẩy mạnh ứng dụng KHKT, tăng cường liên doanh, liên kết, đưa các giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả hiện có, đồng nhất chất lượng, phát huy hiệu quả thương hiệu, mở rộng thị trường.

Chú trọng hình thành các vùng cây ăn quả tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hình thành thêm các sản phẩm OCOP; phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 1.490 ha cam đạt chuẩnVietGAP, 20 sản phẩm 3 sao OCOP cấp tỉnh trở lên, có thêm hơn 750 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 300 triệu - 1 tỷ đồng/năm” - Chủ tịch UBND huyện Bùi Khắc Bằng chia sẻ thêm.

T.P

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/nhung-doi-cay-tien-ty-tu-tinh-dat-cong-nguoi-o-huyen-mien-nui-ha-tinh/194997.htm