Những doanh nghiệp thắng lớn nhờ thương chiến

Thương chiến Mỹ - Trung đã ảnh hưởng lớn đến dòng thương mại và đầu tư toàn cầu, Việt Nam không là ngoại lệ. Có những doanh nghiệp, những ngành nghề chịu tác động tiêu cực và ngược lại.

Vicostone rộng cửa vào thị trường Mỹ

Năm nay, Công ty cổ phần Vicostone đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 5.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.500 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, Công ty đã đạt gần 4.000 tỷ đồng doanh thu và 1.020 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2019, Vicostone đã hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 68% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm.

Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Nam (DNSE), Vicostone được xếp vào nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tích cực. Ngay từ đầu năm 2019, lãnh đạo Vicostone đã nhận định, các nước sản xuất đá thạch anh sẽ được hưởng lợi khi Mỹ áp thuế mạnh mẽ lên các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Cụ thể, khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra, các sản phẩm đá tấm thạch anh Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá 265,81 - 336,69% và thuế chống trợ cấp 45,32 - 190,99%. Đá tấm thạch anh Trung Quốc hiện có mức giá khoảng 280 USD/m2, cao gấp 3 lần so với lúc chưa bị đánh thuế. Bên cạnh đó, mức thuế nhập khẩu cũng tăng lên 30% từ đầu tháng 10/2019. Mức giá sau khi đánh thuế này cao gấp 2 lần so với sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác sang Mỹ.

Số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) và Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, tính đến quý II/2019, gần như 100% doanh nghiệp đá tấm thạch anh Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu và các loại thuế, bao gồm thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Vicostone tận dụng khoảng trống thị trường tại Mỹ này để tăng doanh số bán ra, DNSE cho hay.

Ngoài ra, theo DNSE, sau khi đá tấm thạch anh Trung Quốc coi như bị loại khỏi thị trường Mỹ, Ấn Độ dần giành lấy thị phần nhờ có giá bán thấp nhất (thấp hơn 30 - 50% về giá) so với các nước còn lại. Tuy nhiên, Ấn Độ đang đối mặt với các vụ kiện với Cambria do bị cáo buộc bán phá giá đá tấm thạch anh tại Mỹ với biên độ phá giá là 323,12%. Vào tháng 6/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đồng ý để điều tra về vụ kiện này và sẽ đưa ra thông báo vào tháng 10/2019. Nếu các nhà sản xuất của Ấn Độ bị áp thuế phá giá/trợ cấp với mức cao, nhiều khả năng Vicostone sẽ có sự bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2020.

“Từ việc phân tích dư địa tăng trưởng tại thị trường Mỹ và năng lực cạnh tranh của Vicostone, có thể thấy, Công ty hoàn toàn có khả năng để hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung. Đây là động lực tăng trưởng chính cho VCS thời gian tới”, DNSE nhận định.

Bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng mạnh

Nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp cũng có một năm thuận lợi. Cùng với sự chuyển dịch làn sóng đầu tư đang diễn ra mạnh mẽ, khu công nghiệp tại Việt Nam có sức hấp dẫn dòng vốn ngoại, kéo theo đó là sự tăng trưởng của doanh nghiệp nhóm này.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Cấp cao thị trường vốn tại Việt Nam của JLL nói: “Các cuộc chiến thương mại gần đây đã khiến các chuyên gia tin rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi các nhà sản xuất đang tìm cách mở rộng dây chuyền cung cấp của họ sang Đông Nam Á”.

Theo JLL, các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp nội địa, hoặc thâu tóm quỹ đất và các tài sản công nghiệp đang hoạt động. Nhu cầu đối với các tài sản công nghiệp chưa bao giờ giảm nhiệt. Từ lâu, các nhà đầu tư đã để mắt đến phân khúc này bởi năng suất làm việc cao và chi phí lao động thấp ở Việt Nam. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã góp phần đẩy nhanh quá trình quyết định dịch chuyển đó.

Mức giá thuê đất công nghiệp trung bình ở miền Nam và miền Bắc là 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng lần lượt 15,8% và 6,7% so với cùng kỳ năm trước đó. Triển vọng tích cực của thị trường bất động sản khu công nghiệp đã giúp các doanh nghiệp ngành này ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong năm 2019.

Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) trong 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 140,5 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt gần 176 tỷ đồng, tăng 21,9% so với năm ngoái. Năm 2019, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 303,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 130,1 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Công ty cổ phần Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) cũng công bố doanh thu 9 tháng năm 2019 tăng trưởng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 5,1 lần. Doanh thu hơn 300 tỷ đồng phát sinh từ dự án Khu dân cư Lộc An chính là động lực của doanh nghiệp này trong 9 tháng đầu năm 2019. So với kế hoạch năm 2019, với doanh thu 336,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 89,3 tỷ đồng, D2D hoàn thành vượt 18% kế hoạch về doanh thu và vượt 167% kế hoạch về lợi nhuận sau ba phần tư chặng đường cả năm.

Tại Tổng công ty Viglacera (VGC), trong 9 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận ước tính lần lượt là 7.090 tỷ đồng và 855 tỷ đồng, tăng trưởng 11% và 31% so với cùng kỳ. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Vigalacera tiếp tục nhờ đóng góp của phân khúc khu công nghiệp. Lợi nhuận từ phân khúc bất động sản đạt 512 tỷ đồng, đạt mức tăng 54% so với cùng kỳ và chiếm 60% tổng lợi nhuận trước thuế Công ty.

Lũy kế 9 tháng, Công ty đã cho thuê khoảng 151 ha khu công nghiệp mới. Do nhu cầu thuê khu công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, Vigalcera đã giải phóng thêm 300 ha mặt bằng trong 9 tháng đầu năm và dự kiến sẽ thêm 200 ha trong quý IV. Vigalacera hy vọng việc cho thuê đất khu công nghiệp sẽ duy trì nhịp độ như hiện tại vào năm 2020.

“Việt Nam là quốc gia sở hữu những yếu tố vô cùng thuận lợi cho kinh tế tăng trưởng như tỷ lệ dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đông đảo, với tiềm năng tiêu thụ hàng tiêu dùng rất lớn. Ngành công nghiệp sản xuất được ghi nhận có sức hút đáng kể trong năm nay”, Giám đốc cao cấp JLL Việt Nam nhìn nhận, đây cũng là động lực giúp các doanh nghiệp nhóm bất động sản khu công nghiệp tiếp tục có triển vọng tốt trong dài hạn.

Hải Minh/Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/nhung-doanh-nghiep-thang-lon-nho-thuong-chien-305918.html