Những đồ dùng trong nhà nên thay thường xuyên
Một số vật dụng quen thuộc trong nhà có thể gây hại nếu sử dụng quá lâu, do đó, bạn cần lưu ý thời hạn để thay mới hoặc vệ sinh kịp thời.
Thớt, chảo chống dính
Thớt là nơi chế biến thực phẩm hàng ngày, nhưng cũng là nơi dễ tích tụ vi khuẩn nếu không được vệ sinh đúng cách. Các vết cắt do dao tạo ra trên bề mặt thớt là nơi vi khuẩn có thể ẩn náu và phát triển. Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên thay thớt gỗ hàng năm và thay thớt nhựa sau 6 tháng nếu có dấu hiệu nứt vỡ hoặc khó làm sạch. Chảo chống dính rất tiện lợi nhưng lớp phủ chống dính sẽ bị hư hại theo thời gian, đặc biệt dưới nhiệt độ cao. Khi lớp chống dính bị trầy xước và bong tróc, các hóa chất có thể xâm nhập thực phẩm, gây ra những nguy cơ sức khỏe tiềm tàng. Để an toàn, bạn nên thay chảo chống dính sau 1-2 năm sử dụng hoặc ngay khi có dấu hiệu hư hại.
Hộp nhựa, lọ gia vị
Hộp nhựa cũng là loại đồ dùng trong nhà không nên sử dụng quá lâu, đặc biệt là loại hộp nhựa kém chất lượng. Chúng có thể phát tán các chất hóa học khi nhiệt độ thay đổi hoặc sử dụng lâu ngày. Nên chọn hộp đựng làm từ vật liệu an toàn như thủy tinh và định kỳ kiểm tra, thay thế khi thấy có dấu hiệu hư hỏng. Các loại bột gia vị, thảo mộc và thực phẩm đóng hộp có hạn sử dụng. Việc sử dụng sản phẩm quá hạn có thể gây nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Nên bảo quản đúng cách và thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng.
Bàn chải đánh răng, khăn mặt
Bạn nên thay mới bàn chải đánh răng hoặc đầu bàn chải điện sau 3 đến 4 tháng sử dụng. Việc thay mới cũng phụ thuộc vào tần suất sử dụng bàn chải. Khăn lau mặt thường tiếp xúc với nước, phơi chưa khô ráo nên sẽ tạo độ ẩm cho vi khuẩn sinh sôi. Chưa kể khăn lau mặt thường để trong nhà vệ sinh, môi trường ẩm ướt của nhà vệ sinh dễ khiến khăn lau mặt trở thành ổ vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt, mỗi lần sử dụng khăn lau mặt, vi khuẩn trên da mặt và từ những nguồn khác di dời đến khăn, kết hợp với những vi khuẩn trên khăn lau mặt sẽ không ngừng sinh sôi. Thời gian sử dụng khăn lau mặt càng kéo dài thì vi khuẩn sinh sôi càng nhanh chóng.
Thảm lau chân, dép nhựa
Thảm lau chân ngoài tác dụng thấm nước còn là vật dụng chứa nhiều vi khuẩn nhất trong nhà. Do đó phải thay mới định kỳ thảm chùi chân, tốt nhất là thay sau 6 tháng để đảm bảo sức khỏe. Dép nhựa thường tiếp xúc với nước, đặc biệt là trong những không gian ẩm ướt, tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, đặc biệt là với loại dép đã sử dụng lâu, cũ, hỏng. Các vi sinh vật này có thể gây ra nhiều vấn đề về da và chân nếu không được kiểm soát kịp thời. Do đó, ngoài việc đánh rửa dép thường xuyên, bạn lưu ý thay dép khi có dấu hiệu cũ hỏng quá mức. Nếu có điều kiện, nên mua dép làm bằng nhựa cao cấp để an toàn hơn với sức khỏe.
Lược, dao cạo
Theo thời gian, lược sẽ tích nhiều tóc vụn, bụi bẩn và hóa chất từ các sản phẩm làm tóc. Việc chải tóc bằng lược bẩn sẽ khiến tóc trở nên bẩn, bết và xẹp xuống. Hơn nữa, các tàn dư hóa chất bám trên lược có thể gây kích ứng, khiến da đầu ngứa đỏ và đóng vảy. Nên vứt bỏ lưỡi dao cũ và thay mới sau khoảng 5 đến 7 lần sử dụng. Thay thế lưỡi dao thường xuyên giúp hạn chế khả năng gây kích ứng da do sử dụng lưỡi dao cùn.
Miếng rửa bát, đũa ăn
Dù công dụng chính của miếng rửa bát là làm sạch, nhưng nó cũng là một trong những đồ vật nhanh bẩn nhất trong nhà. Miếng bọt xốp rửa bát có thể chứa rất nhiều loại vi khuẩn, bao gồm cả những mầm bệnh. Nên thay mới đồ vật này ít nhất là mỗi tuần một lần để đảm bảo sức khỏe cho gia đình bạn. Ngoài ra, nên giặt kỹ miếng xốp sau khi rửa bát, treo ở nơi khô ráo để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà. Đũa làm bằng chất liệu tre, gỗ đã sử dụng thường bị nứt hoặc tróc sơn, hỏng. Đặc biệt trong mùa nồm nếu không bảo quản kỹ sẽ rất dễ nấm, mốc. Để đảm bảo an toàn sức khỏe, nên thay mới đũa định kỳ khoảng 6 tháng một lần.
Phụ kiện nhà bếp, bộ lọc không khí
Phụ kiện nhà bếp như: nồi cơm điện, ấm nước, chảo chống dính, chén bát, nồi, dao, kéo... là những đồ dùng nhà bếp vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, những vật dụng này cũng cần được thay mới để đảm bảo an toàn thực phẩm và hiệu quả nấu ăn. Mỗi loại đồ dùng sẽ có tuổi thọ khác nhau cho nên cần thay mới định kỳ để nâng cao trải nghiệm nấu ăn tốt hơn. Máy lọc không khí cũng là loại đồ dùng trong nhà không nên sử dụng quá lâu. Nó giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm và cung cấp không khí trong lành cho gia đình nhưng nếu không được thay thế định kỳ, nó có thể trở nên kém hiệu quả và khiến chất lượng không khí trở nên tệ hơn.
Hoa khô, cây héo
Những bình hoa khô hay chậu cây nhỏ luôn là những vật trang trí được nhiều người yêu thích. Đặc biệt những món đồ trang trí này được đặt tại những khu vực trong nhà như phòng khách, phòng ngủ, bàn ăn… để không gian sống thêm sinh động, tươi vui. Tuy nhiên, khi hoa khô hay cây héo gây ra mùi khó chịu, thu hút nhiều loại côn trùng gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là muỗi. Vì thế nên nếu đặt hoa khô, cây héo trong nhà thời gian dài, không gian sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến bạn dễ dàng gặp phải các vấn đề về sức khỏe.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-do-dung-trong-nha-nen-thay-thuong-xuyen-post594374.antd