Những định hướng mới cho ngành giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có cuộc họp nhằm đánh giá lại hoạt động của ngành GD&ĐT giai đoạn 2019-2020. Đồng thời, đề ra những nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn 2020-2025, với quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện từ các cấp học đến việc tổ chức thi cử, giáo dục ở bậc đại học.

Theo Bộ GD&ĐT, định hướng chung giai đoạn 2020-2025 là cần tập trung thực hiện Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong đó đối với giáo dục phổ thông triển khai thành công chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội. Đối với giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Riêng năm học 2020-2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành chỉ thị trong toàn ngành nhằm thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp căn bản. Đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, các văn bản quy định chi tiết Luật Giáo dục năm 2019; rà soát chính sách và công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng giáo viên, bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ban hành kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.

Đẩy mạnh việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình; xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm sách giáo khoa, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hướng dẫn, kiểm tra công tác chuẩn bị triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và lớp 6.

Đổi mới giáo dục hướng đến tạo môi trường giáo dục an toàn cho học sinh.

Song song đó là xây dựng văn hóa học đường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường an ninh, an toàn trường học và các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường. Ngành GD&ĐT thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT, tập trung hoàn thiện chính sách phát triển, quản lý giáo dục trên môi trường mạng, đẩy mạnh dạy học trực tuyến, phát triển khoa học số toàn ngành.

Ngành giáo dục tiếp tục rà soát và bảo đảm các điều kiện thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, thực hiện kiện toàn Hội đồng trường theo thời hạn quy định; tăng cường kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa trên mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiếp tục phát triển cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo chất lượng cao, tiến tới đạt chuẩn khu vực và thế giới, để thu hút số sinh viên có nhu cầu và điều kiện du học ở nước ngoài về học tập trong nước.

Rà soát các vấn đề GD&ĐT trong toàn ngành để chủ động giải quyết, khắc phục dứt điểm những hạn chế, bất cập; kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng các cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện thanh, kiểm tra công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin; thanh, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc những vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhung-dinh-huong-moi-cho-nganh-giao-duc-a290041.html