Những điều thú vị về cuộc bầu cử siêu phức tạp tại Indonesia

Indonesia, một quốc gia với 17.000 hòn đảo, sẽ tổ chức cuộc bầu cử một ngày lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới vào ngày mai (17/4).

Tổng cộng 192 triệu người dân Indonesia đã đăng ký tham gia bỏ phiếu với hơn một nửa cử tri 40 hoặc dưới 40 tuổi, Guardian đưa tin.

Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo. (Ảnh: Reuters)

Đây sẽ là cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp lớn nhất thế giới (Mỹ có hệ thống bầu cử gián tiếp) và năm nay tiến trình bầu cử thậm chí còn có quy mô lớn và phức tạp hơn bình thường với cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội lần đầu tiên được diễn ra cùng ngày.

Điều đó có nghĩa là chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ, các cử tri Indonesia sẽ chọn ra 20.538 ghế lập pháp cho 5 cấp chính phủ từ hơn 250.000 ứng viên tại 809.500 điểm bỏ phiếu.

Cuộc đối đầu giữa cựu doanh nhân và cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt

Trong khi các cử tri sẽ phải đánh dấu vào 5 ô trên phiếu bầu, hầu hết sự tập trung đều dồn về cuộc chạy đua tổng thống.

Ứng viên sáng giá nhất là Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo, một cựu doanh nhân bán nội thất chuyển sang làm chính trị.

Ông Prabowo Subianto đang vận động tranh cử. (Ảnh: REX)

Đối thủ của ông là Prabowo Subianto, một người theo chủ nghĩa dân tộc kiêm cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt trong quân đội. Ông là con rể của cố lãnh đạo Suharto.

Về cơ bản, bầu cử tổng thống là một cuộc đối đầu lần hai giữa hai đối thủ chính trị. Trong cuộc bầu cử năm 2014, ông Joko Widodo đã đánh bại ông Prabowo với 6 điểm phần trăm.

Hơn 1 triệu người bản địa có thể không bỏ phiếu

Mọi người dân Indonesia từ 17 tuổi trở lên, sở hữu chứng minh thư điện tử còn gọi là e-KTP đều có quyền đi bỏ phiếu.

Những người đã kết hôn có thể đi bỏ phiếu khi chưa đủ 17 tuổi vì nữ giới ở Indonesia được luật pháp cho phép kết hôn khi mới 16 tuổi. Theo luật, cảnh sát và quân nhân không được phép bầu cử vì họ có nghĩa vụ phải trung lập về chính trị.

Yêu cầu phải có e-KTP đồng nghĩa với việc nhiều người tại các khu vực hẻo lánh hoặc chưa phát triển sẽ bỏ lỡ cơ hội bầu cử. Chẳng hạn, tại tỉnh Papua ở cực đông Indonesia, chưa đầy 50% cử tri đủ tư cách có chứng minh thư điện tử, theo Bộ Nội vụ Indonesia. Tại một số khu vực khác, hơn 1,6 triệu người dân bản xứ có lẽ không thể đi bỏ phiếu với lý do tương tự.

Tại một số khu vực miền núi của Papua, một số bộ tộc triển khai một hệ thống bỏ phiếu mang tên "noken", trong đó một tộc trưởng sẽ đại diện cho tiếng nói của cả bộ tộc. Các lá phiếu được đặt bên trong một "noken", một loại túi dệt truyền thống, và người đứng đầu bộ tộc sẽ thay mặt họ bỏ phiếu.

Các phiếu bầu sẽ được vận chuyển bằng ngựa và xuồng

Các lá phiếu được đưa tới những khu vực xa xôi nhất của Indonesia bằng máy bay, tàu chiến, ngựa, xuồng và thậm chí là đi bộ.

Tuần trước, một con tàu chở 26 lá phiếu đã bị chìm khi trên đường tới Natuna sau khi đâm phải san hô.

Cuộc bỏ phiếu tại Indonesia được xem là khá tự do và công bằng. Các nhà quan sát tới từ 33 quốc gia đã được mời tới để giám sát bầu cử.

Bản thân người dân Indonesia cũng là những người bảo vệ nền dân chủ của họ một cách mãnh liệt. Trong cuộc bầu cử năm 2014, nhiều cử tri đã nán lại tại các điểm bỏ phiếu để xem kiểm phiếu.

Sầm Hoa

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/nhung-dieu-thu-vi-ve-cuoc-bau-cu-sieu-phuc-tap-tai-indonesia-523623.html