Những điều mẹ nào cũng cần biết để không phải thức trắng vì giấc ngủ của con

Nhiều phụ huynh đưa con đến bệnh viện khám với vẻ mặt vừa mệt mỏi vừa căng thẳng, nguyên nhân là do con ngủ quá ít hoặc giấc ngủ quá ngắn.

Giấc ngủ rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ, tuy nhiên tùy theo độ tuổi và tùy vào cơ địa của mỗi bé mà giấc ngủ có thể dài hoặc ngắn khác nhau. Điều quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng giấc ngủ chứ không phải thời gian ngủ. Chính vì thế, lời khuyên của bác sĩ thường là khoan hãy lo lắng đến mức mẹ bệnh trước con.

Trước hết, khi thấy con ngủ ít hoặc ngủ ngắn, các mẹ hãy xem liệu trẻ có bị mệt hay không, điều quan trọng là luôn kiểm tra nguồn năng lượng, sức khỏe của trẻ nhỏ. Nếu thấy con vẫn năng động, vui vẻ trong các hoạt động hằng ngày, thể chất dinh dưỡng không thay đổ, việc trẻ không ngủ nhiều cũng không phải vấn đề để mẹ lo lắng hay can thiệp.

Điều phụ huynh nên làm và cần thiết phải dạy và duy trì cho trẻ càng sớm càng tốt việc quen với ngày đêm. Để giúp trẻ nhận biết thế nào là thói quen ngủ - thức, các mẹ nên tìm cách cho trẻ vui chơi vào ban ngày và chỉ cho trẻ ngủ một vài giấc ngắn. Riêng thói quen “ngủ ngày cày đêm” đa số là do cách sinh hoạt trong gia đình ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt giấc ngủ của trẻ. Cha mẹ sinh hoạt thức khuya, ngủ muộn, con cũng sẽ không tránh khỏi. Chỉ có một giải pháp muốn con ngủ sớm, ít nhất người chăm sóc trẻ cũng phải ngủ sớm cùng trong lúc tập cho con.

- Vào ban đêm, cần phải giảm các hoạt động thể chất và thời gian nô đùa của trẻ trước ngủ 2 tiếng. Để đèn mờ trong phòng ngủ cho trẻ và tránh gây tiếng ồn mạnh đột ngột hoặc cất đồ chơi đi để tạo giấc ngủ đến với trẻ dễ dàng hơn, hoặc “tiếng ồn trắng” đôi khi cũng hiệu quả để trẻ ngủ ngon giấc hơn và không giật mình.

Điều phụ huynh nên làm và cần thiết phải dạy và duy trì cho trẻ càng sớm càng tốt việc quen với ngày đêm

- Cần phân chia thời gian ăn và ngủ, với những trẻ chưa đạt đến mốc 1 tuổi có thể đi ngủ sau khi ăn xong, hoặc vẫn còn duy trì thói quen uống sữa đêm 1 - 2 cử tùy nhu cầu của trẻ. Nhưng khi trẻ trên 1 tuổi, bình thường, đa số nhu cầu năng lượng của trẻ được đáp ứng đầy đủ ở các cử ăn chính, sữa, bữa phụ ban ngày. Gần giấc ngủ 2 tiếng và trong giấc ngủ, trẻ không cần cung cấp thêm năng lượng, để trẻ có thể đi vào giấc ngủ tốt hơn và thẳng giấc hơn. Hãy nhớ rằng, để trẻ tự mình học cách ngủ sẽ mang lại lợi ích hơn cho trẻ và cả gia đình.

- Tránh đánh thức trẻ để cho ăn, nếu trẻ đủ 2 tháng tuổi trở lên, các mẹ không cần phải đánh thức trẻ dậy ban đêm để cho ăn, đặc biệt nếu cân nặng của trẻ vẫn bình thường và thời lượng ăn ban ngày đã đủ. Cứ để trẻ tự phát triển thời gian biểu cho việc ngủ. Ngược lại, trẻ dưới 2 tháng tuổi hoặc ngủ liền mạch quá dài vào ban ngày, các mẹ không nên để trẻ ngủ hơn 4 tiếng mà không bú. Hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để xin lời khuyên, đặc biệt với những trẻ phải theo chế độ dinh dưỡng, năng lượng, vấn đề sức khỏe riêng biệt

- Trong giai đoạn trẻ đang phát triển nên bắt đầu thiết lập thời gian ngủ cho trẻ từ sớm để hình thành những thói quen sinh hoạt sau này cho trẻ dễ dàng. Thiết lập thời gian ngủ với trẻ sơ sinh tốt nhất là từ sau 2 tháng đầu mới sinh và lộ trình đơn giản sẽ hiệu quả hơn so với điều phức tạp.

Người lớn nên tìm hiểu trẻ nhiều hơn thay vì lo lắng

Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, có thể bắt đầu bằng việc tắm nước ấm cho trẻ, sau đó cho bú và tắt đèn đi ngủ. Những bài hát ru là điều tuyệt vời trong một vài tuần đầu tiên nhưng dần dần, trẻ nhỏ cần học cách tự đi vào giấc ngủ.

Sau 2 tháng tuổi, trẻ cần ít thời gian ngủ ngắn thường xuyên hơn vào ban ngày và có nhu cầu hoạt động vui chơi nhiều hơn để đảm bảo sự phát triển đầy đủ về mặt xã hội, thể chất và tinh thần. Vì vậy, lời khuyên dành cho các mẹ là hãy điều chỉnh thói quen vui chơi và ăn của trẻ một lần trong từng đợt phát triển của trẻ.

Đưa ra những phán đoán hợp lý, ví dụ, nếu một ngày mà trẻ hoạt động thể chất nhiều hơn bình thường, chúng sẽ muốn ăn và ngủ sớm hơn. Cho phép trẻ có chút chênh lệch so với bình thường miễn là trẻ vẫn tiếp nhận được những sự chăm sóc cần thiết và phát triển khỏe mạnh.

Ngay khi trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi, có thể giảm thời gian ngủ từ 16 tiếng xuống còn 12 tiếng. Các mẹ cũng sẽ để ý thấy sự thay đổi thời gian ngủ ngắn của trẻ bởi vì sự tăng lên của những hoạt động thể chất cũng như tinh thần ở bé, đừng quá lo lắng, trẻ sẽ tự hiệu chỉnh. Phần lớn các trẻ ở độ tuổi dưới 6 tháng tuổi, sẽ ngủ ngắn thường xuyên hơn vào lúc gần trưa và đầu buổi tối. Một số trẻ lại thích ngủ ít vào lúc chiều tối hoặc tối hẳn, nếu điều này không ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm không lo ngại. Đó là bởi vì trẻ cảm thấy mệt mỏi trong suốt một ngày nô nghịch, có thể trẻ sẽ ngủ ngon hơn vào buổi tối. Ba mẹ nên bắt đầu thiết lập thời gian ngủ buổi tối cho trẻ vì điều này giúp tạo ra thói quen xác định hàng ngày.

Giai đoạn từ 1 - 3 tuổi hình thành thói quen ngủ tốt hơn, trẻ có xu hướng ngủ nhiều hơn vào buổi đêm và giảm thói quen ngủ ngắn. Phần lớn trẻ 2 năm tuổi thích ngủ đêm hơn và giấc ngủ ngắn thường diễn ra vào buổi trưa. Dù vậy, thời gian ngủ cần thiết vẫn là 14 tiếng mỗi ngày, thông thường là 10 tiếng với hầu hết các trẻ. Trẻ có thể ngủ trong khoảng từ 7 - 9h tối và thức dậy từ 6 - 8h sáng. Điều này chính là biểu hiện cho thấy đồng hồ sinh học của bé hoạt động bình thường.

BS. HUYỀN TÔN NỮ THỤY MY/SKĐS

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/nhung-dieu-me-nao-cung-can-biet-de-khong-phai-thuc-trang-vi-giac-ngu-cua-con-524310.htm