Những điều kỳ lạ xảy ra với cơ thể vào mùa đông

Trời trở lạnh khiến con người thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần. Dưới đây là những hiện tượng kỳ lạ xảy ra vào mùa đông bạn nên lưu ý:

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đốt cháy nhiều calo hơn

Khi nhiệt độ xuống thấp, tỷ lệ trao đổi chất cơ bản hay lượng calo tiêu hao để duy trì sự tồn tại của con người tăng lên nhằm mục đích giữ ấm.

Ngón tay "co lại"

Mùa đông, nhiều người sẽ nhận thấy chiếc nhẫn hay đeo có vẻ rộng hơn. Bác sĩ Albert Ahn từ Bệnh viện Langone thuộc Đại học New York (Mỹ) giải thích: "Để duy trì nhiệt độ cơ thể, mạch máu co lại và máu ít dồn đến các ngón tay, ngón chân hơn. Kết quả là chúng như bị nhỏ lại".

Đau các ngón

Cái lạnh có thể kéo đến căn bệnh Raynaud khiến tay, chân, tai bị tê buốt do động mạch co lại quá mức. "Căn bệnh này không nguy hiểm nhưng rất khó chịu và đau đớn", bác sĩ Ahn nói. Để cải thiện triệu chứng, bệnh nhân cần mặc đủ ấm và tránh ở ngoài trời quá lâu.

Đỏ mặt

Đỏ mũi, má khi bị lạnh cho thấy máu ở các khu vực này đang được chuyển hướng đến những bộ phận quan trọng hơn như tim, phổi. Chừng nào cơ thể được sưởi ấm, máu sẽ lưu thông bình thường và làm tan biến tình trạng trên.

Nguy cơ đau tim tăng

Vì cố gắng giữ nhiệt, cơ thể gây áp lực lên tim, buộc cơ quan này làm việc nhiều hơn. Kết quả, nguy cơ đau tim sẽ tăng lên vào mùa đông.

Nguồn: Internet.

Tâm trạng đi xuống

Nhiệt độ giảm, ban ngày ngắn lại khiến con người dễ bị thiếu vitamin D và rơi vào tâm trạng ủ rũ, chán chường. Hiện tượng này nặng, nhẹ tùy từng cá nhân; một số trường hợp nghiêm trọng sẽ chuyển thành chứng rối loạn cảm xúc theo mùa.

Nhằm xua đi tâm trạng tiêu cực, các chuyên gia y tế khuyến cáo cộng đồng tập thể dục, dành thời gian phơi nắng và xem xét việc uống vitamin D bổ sung. Lưu ý, hãy nhanh chóng đi gặp bác sĩ nếu cảm thấy quá nặng nề đến mức cản trở sinh hoạt để kịp thời điều trị.

Lưỡi phải làm việc quá mức: Theo Reader's Digest, liếm môi quá nhiều là thói quen bản năng bắt đầu khi nhiệt độ trở nên lạnh khiến môi bị khô. Nhưng điều đó lại không giúp môi ẩm. Đầu tiên, nước bọt sẽ bị khô nhanh, buộc bạn phải tiếp tục liếm. Ngoài ra, nước bọt chứa các enzyme không thể bay hơi và bám vào da, những loại enzyme này có thể gây hại cho đôi môi nhạy cảm của bạn. Thậm chí, việc liếm môi còn tăng nguy cơ bị viêm nhiễm.

Nước mũi chảy: Mũi có một nhiệm vụ là làm ẩm và ấm không khí trước khi bạn hít chúng vào phổi. Khi bạn hít thở khó khăn hơn trong thời tiết hanh khô của mùa đông, mũi sẽ tăng sản xuất chất lỏng, khiến bạn chảy nước mũi và sụt sịt

Răng bị đau: Nếu có hàm răng nhạy cảm, bạn sẽ cảm nhận được cơn đau xuyên thấu khi uống đồ lạnh. Bởi vậy, không khí lạnh mùa đông có thể kích hoạt độ nhạy cảm của hàm răng, đặc biệt là nếu bạn có các vấn đề như viêm chân răng, các vấn đề về nướu...

Lượng đường huyết cao hơn: Các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nên đặc biệt cẩn thận khi phải đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nhiệt độ rất cao hoặc lạnh. Vì chúng có thể kích thích cơ thể giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol, dẫn đến tăng khả năng kháng insulin. Bệnh nhân tiểu đường nên thích nghi dần với điều kiện thời tiết lạnh và ấm từ từ, tránh tiếp xúc kéo dài với điều kiện khắc nghiệt và nên kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên để đảm bảo sức khỏe.

Tích tụ mỡ tốt hơn: Tất cả con người đều có nhiều chất béo trắng, loại mỡ sần sùi trông rất xấu xí. Nhưng có một loại khác là chất béo nâu, hoạt động mạnh mẽ hơn. Nó đốt cháy calo và giúp bạn giữ ấm khi trời lạnh. Vì vậy, mức độ chất béo nâu có thể tăng vào mùa đông, có lẽ là một tính năng tích hợp giúp giữ ấm cho cơ thể. Bạn có thể làm tăng chất béo nâu bằng cách tập thể dục ở nhiệt độ lạnh hơn. Ngoài ra, ngủ ngon và tránh tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm cũng giúp cơ thể sản xuất nhiều loại chất béo này. Một mẹo khác là bạn có thể ăn táo cả vỏ vì axit ursolic trong vỏ táo làm tăng chất béo nâu.

Nguồn: Internet.

Cơ thể thiếu nước: Mọi người thường nhớ uống nhiều nước vào mùa hè, nhưng điều đó cũng không kém phần quan trọng, thậm chí quan trọng hơn trong những tháng mùa đông. Tuy nhiên, thông thường, vì không cảm thấy khát, nhiều người không bù nước đúng cách. Vì thế, trong những tháng mùa đông, các trường hợp mất nước tăng cao vì phản ứng khát giảm đi, mồ hôi cũng bốc hơi nhanh hơn khiến chúng ta nghĩ rằng đó không phải là mất nước hoặc khát.

Bạn dễ bị đau đầu: Mùa đông đến có nghĩa là bạn ít nhận được ánh nắng mặt trời cần thiết để giúp cơ thể hấp thụ vitamin D. Đối với những người dễ bị đau nửa đầu, lượng vitamin D thấp có thể là nguyên nhân. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết khô của mùa đông dẫn đến mất nước cũng làm tăng nguy cơ đau nửa đầu. Một vấn đề khác nữa là sự thay đổi đáng kể về nhiệt độ khi bạn đi ra ngoài hoặc đi từ ngoài vào trong nhà

Dễ bị nếp nhăn: Điều này là do các vấn đề như giảm độ ẩm, làm chậm quá trình lưu thông, thời tiết hanh khô, thay đổi thói quen ăn uống và giảm mức độ hoạt động trong mùa đông. Sự thay đổi nhiệt độ khi bạn đi từ nhà ấm áp ra ngoài trời lạnh cũng làm giảm quá trình tái tạo tế bào và lưu thông máu, khiến da mất đi vẻ tươi sáng. Kết hợp những điều này, chúng gây ra nếp nhăn, sạm và khô da.

H. Ngân (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhung-dieu-ky-la-xay-ra-voi-co-the-vao-mua-dong-545829.html