Những điều kiêng kỵ dịp đầu năm mới cần phải biết để cả năm bình an

Người xưa có câu 'Có thờ có thiêng có kiêng có lành' nên những việc cần làm đầu năm được xem là những việc quan trọng nhất vì là sự khởi đầu của năm mới, quyết định sự may mắn cho cả năm

- Đầu xuân, tránh dùng các vật nhọn và kỵ các vật sắc như dao, kéo bởi nó có sát khí, có thể cắt đứt lương duyên, vận hội, tuổi thọ của gia chủ. Để khắc phục, mọi người thường cất bớt dao kéo đi, chỉ chừa lại cái cần dùng.

- Tương truyền, từ xa xưa chỉ có những gia đình nghèo khổ mới phải ăn cháo, nên ngày mồng 1 tốt nhất hãy nấu cơm để ăn. Sáng đầu năm mới còn gọi là “muôn thần tề tựu”, việc ăn cơm nóng cũng nhằm thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và các vị thần linh.

- Khi đi chúc tết, nếu gặp trường hợp chủ nhà đang ngủ thì bạn nên lựa dịp khác để quay lại, tuyệt đối không được đánh thức người ta dậy. Ngay cả người nhà của người đang ngủ cũng không nên đánh thức, bởi hành động đó mang ý nghĩa như một sự thúc giục, hối thúc khiến cả năm của người này sẽ bị thụ động trong công việc.

- Việc may vá trong năm mới được cho là khiến gia chủ phải vất vả, khổ sở, cả năm phải chịu cảnh thiếu trước hụt sau, “giật gấu vá vai”.

- Nhà nào có đại tang thì nên kiêng đi chúc tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc tết và an ủi gia đình bất hạnh

- Gương, chén, dĩa, ly, tách… là những vật dụng rất dễ vỡ, dân gian vẫn luôn quan niệm rằng, nếu làm rơi vỡ đồ vào năm mới sẽ không đem lại điềm cát lành. Bởi những từ như “vỡ, bể” là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa trong gia đình.

- Người xưa dạy, không nên vay hoặc cho tiền bạc, đồ đạc vào những ngày đầu năm mới vì sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu cả nămÔng bà ngày xưa thường dạy con cái chỉ được về nhà ngoại chúc tết vào mồng 2 hoặc mồng 3. Nên tránh các ngày mồng 1, mồng 4 và mồng 5. Bởi, ngày mồng 1 tết được coi là ngày quan trọng nhất, con cái có nghĩa vụ phải tỏ lòng hiếu đễ với bố mẹ, tổ tiên họ nội.

- Người xưa cho rằng, quét nhà trong ba ngày đầu năm mới thì “Thần Tài sẽ đi mất, tiền bạc sẽ không đến được với gia đình”.

- Ở miền Bắc có một số nơi cầu may năm mới bằng việc ăn cá chép, loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Nếu ăn cá chép trong ba ngày đầu năm mới thì trong năm đó sẽ được hanh thông trong chuyện học hành, công việc thăng tiến. Tuy nhiên, nhằm tăng sự may mắn, người ta luôn chừa lại phần đuôi, nhằm ý muốn luôn có dư thừa, tích lũy của cải trong năm mới, chứ không chỉ làm ra để đủ ăn đủ mặc.

- Ngày mồng 1 tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình. Theo quan niệm, lửa có màu đỏ, màu sắc của sự may mắn. Nếu cho người khác lửa nghĩa là ta đang cho đi cái đỏ, cái may mắn của chính mình.

- Nhiều người cũng kiêng cho nước đầu năm vì nước vốn được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc: “Tiền vào như nước”. Nếu cho đi thì sẽ khiến tài chính trong năm mới gặp xui xẻo, làm ăn thất bại, tiền mất tật mang.

- Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới sẽ bị coi là vô duyên và là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới đang trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại bởi người ngồi hoặc đứng đó.

- Nhiều người tin rằng việc phát ngôn đầu năm sẽ có ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm đó. Vì vậy, những từ xui xẻo như “chết rồi” hay “tiêu đời”, “thế là hết”… hoặc từ có nghĩa tương tự sẽ nằm trong danh sách cấm.

- Vào những ngày tết đến, mọi thường thường lựa chọn quần áo với màu sắc sặc sỡ, tuyệt đối tránh mặc màu trắng, đen để cả năm được may mắn và tươi mới.

- Trong ngày tết, người ta tin rằng nếu ai khóc, buồn bã và bực tức thì cả năm sẽ phải khóc, có nhiều chuyện buồn, lo lắng, suy nghĩ. Vì thế người ta kiêng kị điều này để tránh gặp phải xui xẻo cả năm.

Bùi Phượng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nhung-dieu-kieng-ky-dip-dau-nam-moi-can-phai-biet-de-ca-nam-binh-an-1792146.tpo