Những điều ít biết về ông chủ truyền hình An Viên Phạm Nhật Vũ

Gây xôn xao làng truyền thông ngay từ khi chưa xuất hiện, Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) của ông Phạm Nhật Vũ còn là Công ty tư nhân đầu tiên được truyền dẫn phát sóng tại Việt Nam.

AVG là viết tắt của Audio Visual Global - là tên gọi tắt của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu. Tháng 9/2010, AVG đã có một buổi tiệc ra mắt mang tính chất gặp gỡ thân mật. Tại đó, ông Phạm Nhật Vũ - chủ tịch hội đồng quản trị AVG - cho biết vốn pháp định của AVG là 1.400 tỉ đồng rồi tăng thành 1.800 tỉ đồng sau đó, từ sáu cổ đông chính, trong đó có Tập đoàn An Viên, VTC News cho biết.

Truyền hình An Viên hiện đã đi vào hoạt động gần 8 năm và đang vướng vào thương vụ lùm xùm với Mobifone.

Truyền hình An Viên hiện đã đi vào hoạt động gần 8 năm và đang vướng vào thương vụ lùm xùm với Mobifone.

Vào năm 2004, ông Vũ tuyển dụng một nhóm nhân sự và bắt đầu nghiên cứu truyền hình trả tiền.

6 năm sau, ngày 11/11/2010, Truyền hình An Viên mới bắt đầu phát sóng thử nghiệm và 1 năm sau đó khai thác thương mại. Đồng thời, ông Vũ cũng đã hợp tác với một số đơn vị khác như Truyền hình An ninh, Truyền hình Thông tấn Xã Việt Nam.

Thời gian đó, làng truyền thông Việt Nam xôn xao bàn tán về sự xuất hiện của AVG, một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông mới xuất hiện nhưng đã được dự báo sẽ là một gương mặt đáng gờm với bất cứ ai, cho dù đó là Đài truyền hình quốc gia.

Ông Vũ được công chúng biết đến nhiều hơn khi mua độc quyền bản quyền truyền hình giải bóng đá V-League 20 năm. Sau đó, bầu Kiên đăng đàn phản đối, thành lập công ty VPF với mục tiêu giành lại giải này từ VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đơn vị ký độc quyền với AVG- Truyền hình An Viên).

Tại thời điểm đó, giới báo chí đã có nhiều bài viết xoay quanh AVG nhưng ông Phạm Nhật Vũ vẫn im lặng. Một thời gian lâu sau, ông ngắn gọn chia sẻ: “Có nhiều thông tin khác nhau về AVG. Cá nhân tôi không sợ người ta nghĩ xấu hay nghĩ sai về mình. Tôi chỉ sợ cái tâm mình sai, tâm mình xấu thôi”, báo Gia đình online đăng tải.

Trong một lần tiếp xúc với báo chí, ông Vũ giới thiệu mình là một cư sĩ ở ẩn, tu tại gia và theo đạo Phật.

Triết lý trong đạo Phật mà ông tâm niệm có 5 chữ: Tín (có niềm tin, tôn trọng và giữ đúng lời hứa với người khác để có được sự tín nhiệm của mọi người); Tấn (tu hành rốt ráo, nâng cao kiến thức); Niệm (luôn luôn có ý nghĩ trong sáng); Định (không bị xáo trộn, luôn vững vàng); Tuệ (trí tuệ mẫn tiệp, quyết định sáng suốt). Trong đó chữ Tín luôn đứng ở đầu.

Trả lời câu hỏi tại sao nhiều doanh nhân thờ chữ Nhẫn nhưng ông lại thờ chữ Tín, ông Vũ cho biết: “Chữ 'Tín' hiểu đơn giản là niềm tin. Trong khi làm việc, nếu anh không có chữ Tín anh không thể thành công được. Đã hứa thì phải giữ lời hứa, có thế mới giữ được sự tín nhiệm của người khác với mình. Và suốt từ năm 2000 đến bây giờ, khi tôi hiểu hơn nữa về Phật pháp, tôi luôn đặt chữ "Tín" lên hàng đầu".

Minh Thư (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/nhung-dieu-chua-biet-ve-ong-chu-truyen-hinh-an-vien-avg-pham-nha-vu-a222390.html