Những điều doanh nghiệp Việt cần đặc biệt chú ý khi xuất khẩu sữa sang Thái Lan

Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường Thái Lan cần cung cấp thông tin về các sản phẩm sữa cụ thể sẽ xuất khẩu.

Thị trường sữa tại Thái Lan có giá trị khoảng 3,4 tỷ USD (năm 2016) với mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người cao hơn 2,23 lần so với Việt Nam (mức tiêu thụ sữa nước vào khoảng 35 lít/người/năm, cao hơn nhiều so với mức tiêu thụ 17 lít/người/năm của Việt Nam). Hiện nay, nước này chủ yếu nhập khẩu sữa nước từ Niu Di-lân, Úc, Indonesia, Hoa Kỳ và Hà Lan.

Đối với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, việc nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa vào thị trường Thái Lan không bị áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu và được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo lộ trình giảm thuế của nước này trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Vì vậy, để xuất khẩu sữa sang thị trường tiềm năng như Thái Lan, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện đầy đủ các nguyên tắc theo quy định.

Theo đó, trong trường hợp xuất khẩu sữa tươi chưa qua chế biến, phía Thái Lan yêu cầu phải có công văn (cung cấp thông tin về doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu các sản phẩm sữa và thông tin về các sản phẩm sữa cụ thể sẽ xuất khẩu sang Thái Lan) của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam gửi Cục Phát triển chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan.

Ảnh minh họa

Sau khi nhận được văn bản của Cục Chăn nuôi Việt Nam, Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan sẽ cử đoàn sang Việt Nam kiểm tra quy trình sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu, cần cung cấp các thông tin cho phía nhập khẩu làm thủ tục nhập khẩu (sẽ cụ thể hóa tại phần dành cho doanh nghiệp nhập khẩu). Đối với trường hợp xuất khẩu sữa tươi chưa qua chế biến, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm việc với đoàn Cục Chăn nuôi Thái Lan sang kiểm tra quy trình sản xuất, các yêu cầu SPS.

Riêng đối với nhà nhập khẩu tại Thái Lan (bao gồm cả chi nhánh doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu Việt Nam tại Thái Lan khi nhập khẩu sữa từ Việt Nam), trước khi nhập khẩu và lưu hành trên thị trường, doanh nghiệp tại Thái Lan đăng ký sản phẩm sữa muốn nhập khẩu từ Việt Nam tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA) thuộc Bộ Y tế cộng đồng nước này.

Doanh nghiệp nhập khẩu làm thủ tục để Ủy ban Quản lý Sữa và các sản phẩm sữa Thái Lan thông qua.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhập khẩu đăng ký để được cấp phép nhập khẩu sữa với Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan.

Thủ tục nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa vào Thái Lan gồm: Thủ tục đăng ký xin giấy phép nhập khẩu tại Cục Ngoại thương. Trong đó, điều kiện để được đăng ký là pháp nhân sản xuất, nhập khẩu, chế biến, bán, đóng gói hoặc tự quản lý sản phẩm sữa nguyên liệu được Ủy ban Quản lý Sữa và các sản phẩm Sữa cấp phép; Không thuộc đối tượng pháp nhân đã bị hủy đăng ký nhập khẩu sữa nguyên liệu trong thời gian 2 năm kể từ ngày bị hủy; Không thuộc đối tượng pháp nhân mà nhân sự quản lý hoặc điều hành thuộc pháp nhân đã bị hủy đăng ký nhập khẩu sữa nguyên liệu trong thời gian 2 năm kể từ ngày bị hủy; Không phải đối tượng pháp nhân đang bị treo hoặc vẫn đang bị hủy đăng ký làm nhà nhập khẩu sữa nguyên liệu.

Thủ tục tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan gồm: Giấy phép nhập khẩu thực phẩm (trong đó có sữa và sản phẩm sữa); Đăng ký thực phẩm; Dán nhãn thực phẩm và dán nhãn dinh dưỡng; Hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP).

Trong khi đó, thủ tục thông quan tại cửa khẩu gồm: hóa đơn bán hàng cho doanh nghiệp hoặc đơn vị ủy nhiệm của Thái Lan; Vận đơn hay chứng từ vận tải; Chứng nhận xuất xứ (mẫu D) hoặc Invoice Declaration (mã ưu tiên SC2); Chứng nhận chất lượng (Certificate of Assurance); Giấy phép nhập khẩu (Tor 2) do Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan cấp để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định ATIGA; Giấy chứng nhận của FDA (Sor Bor 5).

Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201804/nhung-dieu-doanh-nghiep-viet-can-dac-biet-chu-y-khi-xuat-khau-sua-sang-thai-lan-600545/