Những điều con cần ở bố mẹ theo từng giai đoạn, độ tuổi

Khi con mới sinh đến 2 tuổi, bố mẹ nên gần gũi, ôm ấp con càng nhiều càng tốt. Đến khi con lớn hơn, bố mẹ cần kích thích trí tò mò và khả năng khám phá của con.

0-2 tuổi: Duy trì sợi dây gắn kết tình cảm và giúp con khám phá thế giới

Trẻ ở giai đoạn này học được kỹ năng mới rất nhanh, vì vậy chúng cần bố mẹ giúp chúng thích nghi với thế giới. Thế nhưng trẻ lại gặp hạn chế trong việc biểu đạt nhu cầu, mong muốn của mình. Ở tuổi này, chúng chỉ biết tối đa khoảng 50 từ và thường dùng tiếng khóc là phương tiện giao tiếp chính.

Trẻ 0-2 tuổi khao khát được tiếp xúc cơ thể, được ôm hôn vỗ về. Những hành động này giúp chúng bình tĩnh trở lại và có cảm giác an toàn. Ngoài ra, chúng cũng cần phát triển thể chất thông qua tương tác với người khác, như chơi các trò chơi hay đơn giản là được sờ, chạm, ôm hôn bố mẹ.

Việc bố mẹ cần làm với trẻ ở tuổi này là dành toàn thời gian quan tâm đến trẻ, để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, cảm xúc và các kỹ năng xã hội. Bố mẹ nên nói chuyện với con càng nhiều càng tốt, nhận xét về các hành vi của con một cách thẳng thắn, văn minh, không chỉ trích, lăng mạ, để trẻ có thể phát triển kỹ năng ngôn ngữ.

Trẻ em thường bắt chước hành vi của mọi người, vì thế bố mẹ hãy làm gương cho trẻ nếu muốn trẻ cư xử phù hợp. Bố mẹ có thể giữ bình tĩnh, tâm trạng tích cực và thân thiện, sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn. Điều này cũng giúp sợi dây gắn kết cảm xúc giữa bố mẹ và con cái thêm bền chặt.

3-5 tuổi: Kích thích trí tò mò và khả năng tự khám phá của con

Trẻ ở tuổi này rất tò mò và có hàng nghìn câu hỏi thắc mắc về vạn vật xung quanh. Trẻ cũng bắt đầu biết cách giao tiếp bằng ngôn ngữ một cách thành thạo hơn với mọi người. Có thể trẻ sẽ gặp đôi chút vấn đề, không hiểu rõ cách thức tương tác với người khác.

Trẻ sẽ cảm thấy rất khó tập trung vào các sự kiện trong tương lai vì chúng thường hiếm khi nghĩ được xa xôi như vậy. Chúng cũng thấy khó tập trung làm một nhiệm vụ trong một khoảng thời gian dài và khả năng kết nối các sự kiện khác nhau cũng kém. Trẻ giai đoạn này thấy bối rối vì chính cảm xúc của chúng, không thực sự biết cách điều khiển, kiểm soát cảm xúc.

Việc bố mẹ cần làm với trẻ giai đoạn này là cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi trẻ thắc mắc, và lắng nghe lời trẻ nói. Nếu bạn tỏ ra cáu gắt, mệt mỏi, trẻ sẽ để ý và lo sợ rằng bố mẹ không cần trẻ nữa.

Ngoài ra, cũng đừng kỳ vọng quá nhiều về khả năng diễn giải của con. Nếu muốn con đưa ra ý kiến riêng về một điều gì đó, hãy gợi ý cho con vài ý tưởng, lựa chọn, để con không bị mông lung và sẽ dễ dàng tương tác hơn với bố mẹ. Bố mẹ cũng nên dạy trẻ hiểu rằng việc có những cảm xúc khác nhau là điều bình thường. Tức giận, cáu kỉnh hay buồn bã không phải cảm xúc xấu. Quan trọng là biết cách kiểm soát chúng, không để cảm xúc đi quá xa, ảnh hưởng tới người khác.

6-8 tuổi: Trân trọng những dấu hiệu cho thấy con muốn tự chủ và sẵn sàng trả lời những câu hỏi “người lớn” của con

Trẻ ở tuổi này bắt đầu đi học và đây cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng với trẻ - lần đầu tiên trong cuộc đời dành phần lớn thời gian trong ngày ở trường học thay vì bên bố mẹ. Chúng sẽ bắt đầu cảm thấy tự chủ hơn, khám phá những ý tưởng của riêng chúng và cá tính của chúng. Nhưng mối quan hệ, sự gắn kết với gia đình, bố mẹ vẫn là điều quan trọng nhất với trẻ. Trẻ tuổi này rất nhạy cảm với chỉ trích và dễ cảm thấy bị mất mặt.

Điều bố mẹ nên làm là động viên trẻ khám phá niềm đam mê của chúng, giúp chúng đạt được thành tích hơn là chỉ trích vì chúng mắc lỗi. Ngoài ra cũng nên tôn trọng mong muốn được độc lập của trẻ - dù với bố mẹ, điều này nghe thật nực cười. Bố mẹ nên thẳng thắn nói chuyện với con, giữ lời hứa và nhận lỗi khi mắc lỗi. Để kích thích não bộ trẻ phát triển hơn, bố mẹ nên thường xuyên nói ra những ý tưởng, bàn bạc với trẻ, luôn hỏi những câu hỏi mở và lắng nghe ý kiến cúa trẻ.

Hải Vân

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nhung-dieu-con-can-o-bo-me-theo-tung-giai-doan-do-tuoi-107748.html