Những điều còn bàn cãi về chuyến phiêu lưu đến phương Đông của Marco Polo

Cho đến nay, cuốn sách 'Marco Polo du ký' vẫn được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử châu Âu coi là căn bản trong hành trình thám hiểm cũng như mở mang kiến thức về 'phương Đông' của người phương Tây thế kỷ XIII. Tuy nhiên, đằng sau cuốn sách và những điều lý thú mà Marco Polo trải qua vẫn còn có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp

Chân dung Marco Polo

Chân dung Marco Polo

Sự ra đời của cuốn sách

Một ngày cuối đông năm 1295, có 3 người đàn ông ăn mặc kỳ lạ, mặt mày nhem nhuốc dừng chản trước cửa nhà gia đình họ Polo - một dòng họ thương nhân nổi tiếng ở thành phố Venice (ltalia).

Họ nói tiếng Italia có vẻ không được sõi lắm với người gác cửa rằng mình là thành viên gia tộc Polo, đi buôn ở phương Đông trở về. Sau một hồi quan sát, người chủ xác nhận họ là người của dòng họ Polo. Đó là Nicolai Polo, Maffeo Polo và Marco Polo.

Vào khoảng 24 năm trước, cha con Nicolai Polo và Marco Polo cùng người chú đi Trung Quốc. Từ đó họ bặt vô âm tín không có một tin tức nào gửi về gia đình. Người nhà cho rằng họ đã chết hoặc mất tích.

Tin 3 người từ phương Đông xa xôi trở về đã nhanh chóng lan truyền khắp thành phố Venice. Mọi người tò mò đến nhà Polo hỏi han tình hình. Marco Polo vui vẻ kể lại cho họ những điều lý thú ở phương Đông.

Đại đa số người nghe không tin, thậm chí phần đông cho rằng đó là những câu chuyện bịa do 3 kẻ lang thang tạo ra. Có kẻ còn chế giễu Marco trở về từ phương Đông giàu có như thế sao lại ăn mặc quần áo rách rưới đến vậy? Để chứng minh lời kể của mình, Marco đã tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn. Trong bàn tiệc, mỗi lần dâng một món, họ đều thay một bộ quần áo, bộ sau đẹp hơn bộ trước. Cuối cùng. họ lại mặc bộ quần áo rách bươm lúc ban đầu. Khi họ xé ống tay áo, vàng bạc châu báu giấu trong đó rơi lả tả xuống đất. Hầu như ai cũng trầm trồ kinh ngạc trước đống của cải khổng lồ này. Nhưng sau đó, cuộc chiến tranh Venice-Genoa bùng nổ năm 1298 khiến người dân Venice nhanh chóng quên chuyện kể của Marco.

Theo luật Venice, tàu chiến do người giàu có bỏ tiền ra đóng. Marco bỏ ra một số tiền lớn đóng con tàu “Phương Đông”, đích thân làm thuyền trưởng tham gia chiến đấu.

Sau này, hải quân Venice thất bại, Marco bị bắt làm tù binh. Trong tù, ông ở cùng với nhà văn Rostilen. Rostilen đã ghi lại những lời kể của Marco thành cuốn sách “Marco Polo du ký”. 4 năm sau, Marco được tự do. Ông xuất bản cuốn sách này gây xôn xao dư luận, “Marco Polo du ký” còn gọi là “Những ghi chép trông thấy ở Phương Đông”.

Nhiều người lúc đó cho rằng ông là một kẻ khoác lác. Tuy nhiên, cuốn sách này lại có ảnh hưởng vô cùng quan trọng với nhiều nhà thám hiểm lúc bấy giờ, đặc biệt là Columbus sau này tìm ra con đường đi về phía Tây để đến Trung Quốc và Nhật Bản.

Cuộc hành trình về phương Đông

Marco Polo được công nhận là nhà du lịch có công khai phá tri thức về phương Đông, góp phần cống hiến to lớn cho công cuộc giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc, Italia và các nước phương Tây.

Cuốn sách “Marco Polo du ký”của ông đã có ảnh hưởng to lớn ở phương Tây, được coi là “Đệ nhất kỳ thư” của thế giới. Cuốn sách này giới thiệu nền văn hóa phương Đông, mở ra một thế giới hoàn toàn mới với người phương Tây. Nó đã góp phần gây tiếng vang toàn Italia, nhanh chóng lan rộng ra khắp châu Âu.

Hành trình trong “Marco Polo du ký” đến giờ vẫn gây nhiều tranh cãi

Marco Polo sinh năm 1254, trong một gia đình buôn bán ở Venice (Italia). Hậu duệ của gia đình thương nhân Dalmatia đến định cư tại Venice vào thế kỷ thứ XI.

Thời bấy giờ, Venice được gọi là “Hòn ngọc” nằm trên bờ phía Bắc của biển Adriatic. Thành phố này bắt đầu từ thế kỷ thứ IX, đã là nơi hoạt động thương mại phồn vinh trên bờ biển Địa Trung Hải.

Đến cuối thế kỷ thứ X, Venice đã trở thành một thành phố thương nghiệp phát triển của nước cộng hòa, chính quyền do các thương nhân quý tộc nắm giữ. Gần như hầu hết người sống tại thành phố Venice đều lấy nghề buôn bán để mưu sinh. Tầng lớp quý tộc ở đây cũng vậy.

Bắt đầu từ thế kỷ XII, việc kinh doanh mậu dịch trung gian tại Venice càng trở nên phồn thịnh. Nó không những là một trung tâm vận tải biển số một trong khu vực, mà còn là nơi tập trung và phân phối tất cả các loại hàng hóa từ phương Đông đến các vùng Trung Âu và Bắc Âu. Nó trở thành tâm điểm về mậu dịch giữa phương Đông và phương Tây.

Ngay từ nhỏ, Marco Polo đã chịu sự hun đúc của ngành kinh doanh thương mại và hàng hải rất sâu sắc. Từ thời Marco Polo còn nằm nôi, người cha và người chú của ông đã mang theo đá quý bôn ba khắp xứ xa xôi để trao đổi, buôn bán.

Họ từng có ý định mở một con đường thương mại sang tận nước Nga, nhưng do cuộc chiến tranh xảy ra vào năm 1260 đã khiến cho họ không thể trở về quê hương theo con đường cũ, phải tiếp tục đi về phía Đông, đến thành phố của Hãn Quốc là Sát Hợp Đài (Chagatal Khanate) và ở lại đó 3 năm.

Trong thời gian này, họ may mắn gặp được sứ thần của Đại Hãn Mông Cổ là Hốt Tất Liệt phái sang để chấp hành nhiệm vụ. Vị sứ thần này đã nhiệt tình mời họ cùng đi ra mắt Đại Hãn.

Từ trước tới nay, Hốt Tất Liệt chưa bao giờ gặp người Italia nên nhà vua đã tỏ ra rất trọng thị. Ông ta luôn hỏi thăm về tình hình của thế giới phương Tây, đồng thời ủy nhiệm họ làm đại sứ đặc biệt cho Mông Cổ đến thăm Giáo hoàng. Ngoài ra, còn xin Giáo hoàng phái đến Mông Cổ 100 giáo sĩ đạo Cơ đốc, những người am hiểu các ngành công nghệ, đồng thời truyền bá rộng rãi giáo lý của đạo Cơ đốc.

Đại Hãn còn tha thiết mong họ sẽ trở lại để báo cáo tình hình và nhờ họ trên đường đi ghé lại Jerusalem lấy giúp một ít dầu thánh trong chiếc đèn “Trường minh đăng”.

Những ghi chép về phương Đông

Năm 1271, khi Marco 17 tuổi, cha Niccolo và chú Maffeo đã dẫn Marco và mười mấy người bạn du lịch đi Trung Quốc. Trải qua bao gian nan nguy hiểm, đoàn du lịch đã đến Tân Cương.

Xuất phát từ Venice sau mấy ngày đi trên biển trời êm sóng lặng, đoàn người đã đến Acre. Nhưng đáng tiếc, Giáo hoàng vẫn chưa được bầu. Thế là họ đành phải đi hành hương đến ngôi mộ Đức chúa Jesus rồi tiếp tục lên đường. Khi cả đoàn tới cảng Laiazzo, tân Giáo hoàng Gregory X phái sứ thần đuổi theo để triệu hồi nhóm Marco Polo trở về Acre.

Lần này, sau khi lên đường, họ đã mang theo dầu thánh, thư từ và lễ vật của Giáo hoàng tặng cho Đại Hãn Hốt Tất Liệt. Đồng thời, họ cũng dẫn theo 2 giáo sĩ trở lại cảng Laiazzo rồi mới rời thuyền lên bờ tiến vào vùng Armenia.

Trên đường đi, Marco Polo được chứng kiến rất nhiều điều kỳ thú. Núi Ghe Vuôn (Noah) trong truyền thuyết của Kinh Thánh đã hiện ra trước mắt. Trên đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa, những nơi có góc cạnh đang chiếu lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời vô cùng tráng lệ.

Tại vùng gần Georgia, có những giếng dầu rất thần kỳ mà Marco Polo lần đầu tiên được nhìn thấy. Từ giếng dầu này phun lên một thứ nước đen sền sệt, có thể chữa khỏi các chứng bệnh ngoài da của con người và gia súc. Hơn nữa, lại có thể dùng làm nhiên liệu, chất đốt. Cư dân của các quốc gia lân cận không ngại đường xa, kéo nhau từng đoàn đến đây lấy thứ nước sền sệt này để đem bán. Thực ra, thứ nước sền sệt có màu đen mà Marco Polo nhìn thấy là loại nhiên liệu đốt, được chế biến thành dầu hỏa ngày nay.

Marco Polo còn lắng nghe vô số những chuyện kỳ lạ, hấp dẫn. Bên cạnh tu viện St.Leonardo có một cái hồ nước mặn rất quái lạ. Thường ngày, người ta không thấy bóng dáng một con cá nào, nhưng đến bốn tuần chay, không biết chúng từ đâu kéo đến vô cùng nhiều. Nhưng sau ngày lễ Giáng sinh, chúng lại biến mất, không rõ chúng sống ở nơi nào...

Đoàn người của Marco Polo đi theo hướng Ba Tư. Họ đến được ngôi thành Yazd - ngôi thành Hồi giáo cổ rất xinh đẹp. Tiếp tục đi, họ qua một vùng đồng bằng rộng lớn, có những khu rừng chà là mênh mông, lại có những bầy chim khách đông đến hàng ngàn con.

Sau khi vượt qua khu vực có núi đá lởm chởm tại Kerman, phía Nam xứ Ba Tư. Nơi này nhiệt độ ban đêm xuống thấp, gió lạnh thét gào qua các hẻm núi, khiến da thịt lạnh buốt. Theo hướng Nam của dãy núi, họ tiếp tục đi đến hướng Hormuz để đến thành Kerman, nơi phương tiện rất lạc hậu và thiếu hụt nước ngọt nghiêm trọng.

Trải qua nhiều gian nan vất vả, họ đã đến được Balascian. Tại đây, Marco Polo bị bệnh sốt phát ban may mắn chữa được khỏi. Đoàn người tiếp tục đi qua vùng cao nguyên Pamirs, nóc nhà của thế giới. Tại đây, cứ hửng sáng, ánh mặt trời đỏ ối, chiếu rọi khắp mọi nơi và đêm đến, trên bầu trời xuất hiện dày đặc những vì sao rất thấp, như có thể đưa tay với được.

Sau khi nghỉ ngơi tại đây một thời gian, đoàn của Marco Polo đã vượt qua cao nguyên Pamirs, đến Kashgar - một địa điểm mở đầu cho con đường tơ lụa cổ xưa.

Từ Lop Nor nằm phía ngoài vùng biên giơỉ̉, muốn đi đến hoàng cung Thượng Đô, nơi nghỉ hè của Đại Hãn Hốt Tất Liệt cần phải vượt qua một vùng sa mạc Gobi. Đây là vùng sa mạc nối tiếp liên miên bất tận. Sau khi suy tính, đoàn người của Marco Poio đã quyết định lên đường.

Sau nhiều ngày đêm, vùng sa mạc đầy huyền bí đó cuối cùng cũng bị bỏ lại sau lưng họ. Đoàn người đến được Tân Cương và mọi người vô cùng ngạc nhiên trước cảnh phồn hoa rực rỡ nơi đây.

Khắp nơi, hoa quả hương thơm ngào ngạt, những cánh đồng mênh mông bát ngát. Đoàn người tiếp tục tiến về phía Đông. Khi đến thành Cổ Đôn Hoàng, họ được chiêm ngưỡng tượng Phật điêu khắc và bức tranh hang động Mạc Cao Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc.

Đôn Hoàng là hòn ngọc trên đường tơ lụa, một trung tâm nghệ thuật Phật giáo. Những bức tranh hang động ở đây nhiều và dài nhất thế giới. Tiếp đó, đoàn đi qua Ngọc Môn Quan, chiêm ngưỡng Vạn Lý Trường Thành hùng vĩ. Họ lại men theo hành trình Hà Tây, đến Thượng Đô - đô thành phía Bắc của nhà Nguyên. Lúc này đã là mùa hè năm 1275, cuộc hành trình xuyên Á của đoàn người nhà Polo đã kéo dài gần 4 năm.

Cha và chú Polo trình thư và lễ vật lên Vua Hốt Tất Liệt (Kublai Khan), đồng thời giới thiệu về Marco Polo. Hốt Tất Liệt vô cùng thích chàng thanh niên trẻ tuổi thông minh nhanh nhẹn này. Ông ta mời đoàn đu lịch vào cung kể lại cuộc hành trình. Sau đó dẫn đoàn trở lại Đại Đô, giữ họ lại làm quan trong triều đình.

Du ký Trung Hoa?

Marco Polo giỏi ngôn ngữ nên dược làm nhiệm vụ cố vấn ngoại giao cho triều đình. Ông được phái đi đến các địa phương trong đế quốc và những nước phiên thuộc để chấp hành những chuyện cơ mật.

Qua chức vụ đó, Marco Polo có cơ hội tiếp tục cuộc thám hiểm của mình trên những vùng đất mới. Từ năm 1277 đến năm 1280, Marco Polo rời khỏi kinh thành, đi đến các địa phương như Hà Bắc, Sơn Tây, rồi vượt qua sông Hoàng Hà, đến vùng Quan Trung, Tần Lĩnh và xuống tận Thành Đô thuộc vùng Tứ Xuyên. Từ đó, ông lại đến Kiến Xương, Tây Tạng, lại vượt sông Kim Sa để tới Vân Nam. Từ Vân Nam ông đi Miến Điện và một số quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Ông tiếp tục đi Hoài An, Dương Châu, Nam Kinh, Tô Châu Hàng Châu, Phúc Châu, Tuyền Châu... Ông đi khắp các vùng Đông Tây. Dấu chân ông in khắp bên trong lẫn bên ngoài của Trường Thành, phía Nam lẫn phía Bắc của Trường Giang...

Kết quả của những chuyến hành trình này, ông gửi về cho Đại Hãn nhiều bản báo cáo rất sinh động và rất lý thú. Điều đó khiến vua Hốt Tất Liệt hết sức phấn khởi và hào hứng bởi những thông tin hoàn toàn khác biệt so với nội dung của những bản bảo cáo vừa khô khan, vừa đơn điệu của các quan địa phương gửi về. Sau này, ông còn đi thăm Ấn Độ, Myanmar, Srilanka.

Mùa xuân năm 1292, nhận sự ủy nhiệm của vua Nguyên, Marco Polo cùng cha và chú hộ tống công chúa Mông Cổ đến phó hôn ở Ba Tư. Nhân dịp này, họ xin trở về quê hương của mình.

Những câu chuyện của Polo trở thành chủ đề hấp dẫn, trước khi có những cuộc phát hiện lớn về địa lý, “Marco Polo du ký” đã trở thành kim chỉ nam đối với việc vẽ bản đồ thế giới của người châu Âu, nhất là việc vẽ bản đồ Đông Á và Đông Nam Á.

Còn đó những câu hỏi lớn

Châu Âu lúc đó còn chưa biết đến nghề in, mọi người tranh nhau sao chép “Marco Polo du ký”. Người đọc rất hâm mộ nền văn minh và sự giàu có của phương Đông được đặc tả trong sách. Nhưng phần lớn người châu Âu lúc đó không tin những chuyện Marco Polo kể, bởi những điều này vượt quá tầm nhận thức của phần đông dân chúng lẫn giới tri thức phương Tây bấy giờ. Họ cho rằng nền văn minh Cơ Đốc là nền văn minh phát triển nhất thế giới. Vì vậy “Marco Polo du ký” bị coi là “chuyện thần thoại hoang đường”.

Năm 1965, nhà nghiên cứu Đức Fohebo viết trong nghiên cứu của mình: “Marco đã nhận công lao dâng máy bắn đá lên Hốt Tất Liệt của Smain (người Hồi) về mình. Theo ghi chép của lịch sử lúc đó, Marco đang trên đường đi sang Trung Quôc”.

Trong tư liệu lịch sử Trung Quốc, không có bất kỳ sự ghi chép về Marco làm quan ở Dương Châu. Một người ngoại quốc làm quan ở một nước có nền văn hóa kinh tế khá phát đạt như Trung Quốc hồi đó, không được ghi lại, đó là điều nhiều nhà nghiên cứu ngạc nhiên.

Ngày 14/4/1982, nhà báo K. Krulas đăng bài “Marco Polo đã đến Trung Quốc chưa?” trên tờ “Thời báo Times”. Ông nêu lên những điểm nghi vấn sau:

Thứ nhất, trong sử sách Trung Quốc căn bản không tìm ra một tư liệu nào chứng minh Marco đã sang Trung Quốc cùng với cha;

Thứ hai, các tư liệu thống kê trong sách rất đáng ngờ. Ngay cả gia phả các Hoàng đế Mông Cổ cũng ghi chép không rõ ràng;

Thứ ba, Trà và chữ Hán, “hai điểm nhấn đậm nét” nhất trong nền văn hóa Trung Quốc cũng không hề được Marco Polo nhắc đến. Khi đó, phương pháp in rất tiên tiến đối với người châu Âu cũng không thấy nói đến;

Thứ tư, rất nhiều địa danh Trung Quốc trong sách đều dùng cách ghi tiếng Ba Tư. Vì vậy, có thể Polo chỉ đến các nước Trung Á. Ông có thể qua các buổi nói chuyện về Trung Quốc với các thương nhân Ba Tư đã từng sang Trung Quốc hoặc qua các bản ghi chép về Trung Quốc để viết lên tác phẩm “Marco Polo du ký” này.

Cũng có nghiên cứu rằng, Marco thực sự đi Trung Quốc, song miêu tả trong sách về Trung Quốc của ông phóng đại quá mức. Ví dụ, khi nói về sự giàu có của Trung Quốc, ông viết “Vàng ở khắp nơi, hương liệu đầy đồng”. Điều này có phần hoang đường.

Cuốn sách của Marco kể và do nhà văn Rostilen chấp bút, có thể trí nhớ của ông không chuẩn xác, cộng thêm lời nói có phần khoa trương của Rostilen, dẫn tới sự việc được miêu tả quá sự thực.

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dựa vào “Marco Polo du ký” để phủ nhận việc Marco Polo đã đi Trung Quốc hay chưa? Khi nghe kể về chuyện ông nhìn thấy người Trung Quốc khai thác các tảng đá đen (than đá) đem về đun, ngọn lửa của loại nhiên liệu này cháy đượm hơn củi gỗ, người dân Venice cười ầm lên, bởi họ cho rằng Marco nói khoác.

Khi Marco miêu tả một dòng suối, nước chảy ra không phải là nước mà là dầu, người thành Venice càng cười to hơn bởi chuyện lạ này chỉ có thể viết trong những chuyện thần thoại mà thôi. Nhưng khi Marco đưa ra rất nhiều vàng bạc châu báu, họ tròn xoe mắt kinh ngạc và mới tin là sự thật.

Câu hỏi Marco Polo đã từng đến Trung Quốc hay chưa cho đến nay vẫn là một hoài nghi khiến nhiều nghiên cứu còn chưa đầy đủ.

Lịch sử ghi lại tiến trình phát triển của nhân loại, trong đó là những phát kiến địa lý lớn lao về thế giới, để vẽ bản đồ, để giao lưu văn hóa, để tạo nên những con đường buôn bán khắp thế giới. Và từ thế kỷ XIII, Marco Polo đã góp phần nhỏ của mình vào tiến trình lịch sử ấy... dù ông có đến Trung Quốc hay chưa.

Minh Anh / Câu chuyện Pháp luật

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chuyen-dong/nhung-dieu-con-ban-cai-ve-chuyen-phieu-luu-den-phuong-dong-cua-marco-polo-485188.html