Những điều chưa kể về tác giả phổ nhạc ca khúc 'Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai'

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, PV Báo PL&XH đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Lê Mây – tác giả phổ nhạc ca khúc 'Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai', về bài hát đã có sức sống 28 năm tuổi và luôn là ca khúc được yêu thích nhất với mọi thế hệ người Việt Nam.

Thưa nhạc sĩ Lê Mây! Ông có thể cho biết hoàn cảnh ra đời bài hát “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”?

Bài hát ra đời vào mùa hè năm 1992 tại hội nghị tập huấn về nghiệp vụ công tác, bảo vệ trẻ em toàn quốc do Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam tổ chức sau khi Việt Nam ký Công ước về Quyền Trẻ em. Đợt tập huấn kéo dài 2 ngày tại khách sạn Khăn Quàng Đỏ (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội). Đó là hội nghị có sự tham gia của khoảng 300 đại biểu trong nước và quốc tế. Bài hát được viết từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Phùng Ngọc Hùng (lúc đó đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, sau này là Nguyên Bộ trưởng LĐ-TB&XH)).

Sau giờ nghỉ giải lao, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng đưa cho tôi tờ báo đăng bài thơ ông sáng tác. Tiêu đề ca khúc “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” được biết là khẩu hiệu chung của thế giới. Tôi cầm tờ báo, đọc kỹ vài ba lần. Chừng 15 phút, những ý nhạc đã nổi lên. Tối đó, ngủ lại khách sạn, tôi đã phổ nhạc bài hát sau 30 phút. Sáng hôm sau, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng có giới thiệu tôi lên hát và nhận được tiếng vỗ tay ủng hộ. Hội nghị đã bỏ ra 15 phút để tất cả cùng tập. Phút cuối cùng cả hội trường đã hát vang như thuộc từ bao giờ.

Sau 1 tuần, bài hát được thu thanh, hoàn thiện do ca sĩ Phan Muôn và Tốp Sơn ca Đài TNVN trình bày, phối khí Cao Việt Bách. Bài hát chọn làm bài hát chính thức của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam và trở thành “Quốc ca” của thiếu nhi.

Nhạc sĩ Lê Mây trò huyện với phóng viên báo Pháp luật và Xã hội.

Nhạc sĩ Lê Mây trò huyện với phóng viên báo Pháp luật và Xã hội.

Cảm xúc của ông mỗi khi bài hát được vang lên qua 28 năm tuổi đó?

Sau khi được chọn làm bài hát chính thức của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, bài hát sau đó được tuyển chọn là một trong 50 ca khúc hay nhất của thế kỷ XX viết cho trẻ em, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Hằng năm, bài hát được hát vang trong Tháng hành động Vì trẻ em từ 1-6 đến 30-6 và những hoạt động liên quan đến trẻ em. Và bài hát được chọn làm nhạc hiệu cho Chương trình truyền hình Vì trẻ em. Mỗi khi nghe bài hát vang lên tôi thấy xúc động vì ca khúc có sức ảnh hưởng lớn với xã hội. Đó là hạnh phúc của người cầm bút viết nhạc.

Có kỷ niệm nào của ông với sáng tác bài hát này?

Sau ngày ký Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em tại Việt Nam, vài tháng sau, tôi có dự một hội nghị liên quan đến Quyền Trẻ em tại Việt Nam. Và được chứng kiến một đại biểu người Thụy Điển chơi ghita và hát bài “Trẻ em hôm nay, Thế giới ngày mai” rất hay. Dù đã 28 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh và âm nhạc lúc đó.

Lúc nhận được bài thơ, nhạc sĩ có phải chỉnh sửa nhiều để hoàn thành ca khúc này?

Tôi cảm thấy ca khúc này như một “định mệnh” giữa nhà thơ và nhạc sĩ. Khi phổ nhạc xong, tôi gần như không gạch xóa nhiều. Tôi có thay thế những câu thơ như: “Bao trẻ em còn sống ở lề đời/Trẻ em đang khóc, đang cười bên ta” trở thành câu hát có vần điệu: Bao trẻ em còn đói rách trên đời/ Bạn có nghe trẻ em khóc trẻ em cười. Bởi, cuộc đời bình đẳng. 28 năm cùng với khẩu hiệu được giăng khắp cả nước, bài hát gần như được phổ biến “toàn cầu”.

“Trẻ em hôm nay

Thế giới ngày mai

Đó là vần thơ

Cũng là câu hát

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai

Xin được nhắc ngàn lần hơn thế

Trái đất chưa im tiếng bom rơi

Xin điệp khúc triệu lần hơn thế

Bao trẻ em còn đói rách trên đời

Bạn có nghe trẻ em khóc trẻ em cười

Bạn có nghe trẻ em khóc trẻ em cười

Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai…

28 năm qua, nhiều thế hệ người Việt Nam rất quen thuộc với ca khúc “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” (nhạc Lê Mây, thơ Phùng Ngọc Hùng) và tên bài hát này trở thành khẩu hiệu trong cuộc vận động chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay.

Được biết, không chỉ có ca khúc “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, nhạc sỹ còn sáng tác bài hát “Bác thành chuyện kể, Bác thành lời ca” được Câu lạc bộ Thiếu nhi quận Ba Đình thể hiện suốt từ năm 1975 đến nay và trở thành bài hát truyền thống của câu lạc bộ?

Năm 1974, bài hát ra đời tự nhiên trong lần tôi đưa con gái gần 2 tuổi đi chơi. Tôi nảy những ý nhạc và lúc đó, con gái đang bi bô tập nói. Những câu hát tự nhiên, dễ thuộc mang âm hưởng dân ca Tây Bắc của người dân tộc Mông và là ca khúc đầy kỷ niệm với người cha và con gái về vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam. Sau này, tôi còn sáng tác ca khúc “Người là Hồ Chí Minh”, đạt giải nhất của cuộc thi kỷ niệm về Ngày sinh Hồ Chủ tịch.

Rất hiếm nhạc sĩ có thể sáng tác những ca khúc mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc, đâu là tư liệu để ông sáng tác những ca khúc như thế?

Tôi có thời gian 7 năm công tác ở Đoàn Văn công Nghĩa Lộ, nay là Yên Bái (từ năm 1964 đến năm 1971). Hằng ngày, bằng đôi chân cuốc bộ đến tất thảy từng ấy huyện của Nghĩa Lộ. Nghe đồng bào dân tộc hát, đàn, tích lũy cho tôi vốn liếng. Khi viết âm nhạc miền núi, tiết tấu dân gian miền núi như ngấm vào tôi từ lúc nào.

Nhạc sĩ Lê Mây có quan điểm gì về khoảng trống âm nhạc thiếu nhi hiện nay?

Từ sau sáng tác “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” viết từ năm 1992, sau này là “Bác thành chuyện kể, Bác thành lời ca” được CLB Thiếu nhi quận Ba Đình thể hiện suốt từ năm 1975 đến nay và trở thành bài hát truyền thống của CLB hay bài “Hạt cát phù sa”,… Đúng là tôi ít quan tâm đến việc viết cho trẻ nhỏ, bởi có thể nhiều người viết được. Tôi muốn viết dòng nhạc mà ít ai can đảm lựa chọn. Đó là dòng nhạc dân gian đương đại.

Cảm ơn nhạc sĩ Lê Mây về cuộc trò chuyện!

Nhạc sĩ Lê Mây, SN 1942, quê Phù Cừ, Hưng Yên. Ông là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về Hà Nội. 60 năm gắn bó với sự nghiệp âm nhạc, tài sản vô giá nhạc sĩ Lê Mây có được là khoảng 300 ca khúc với sự phong phú trong các đề tài thể hiện, từ đề tài thiếu nhi, quê hương, đất nước, đến tình yêu, tuổi trẻ. Nhạc sĩ Lê Mây gặt hái nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Huy chương “Vì sự nghiệp văn học, nghệ thuật Việt Nam”, giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc chủ đề “Đây biển Việt Nam” (năm 2012) với ca khúc “Đảo Chìm”, giải Nhất cuộc thi viết về đề tài thương binh – liệt sĩ (2012) với ca khúc “Tháng Bảy” và nhiều giải thưởng của các cuộc thi ca khúc các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Tĩnh,… Với những cống hiến cho âm nhạc, nhạc sĩ Lê Mây vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.

Vi Giáng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-dieu-chua-ke-ve-tac-gia-pho-nhac-ca-khuc-tre-em-hom-nay-the-gioi-ngay-mai-195318.html