Những điều chưa kể về Atula, chiến thần lừng lẫy trong thần thoại Ấn Độ

Mặc dù sở hữu sức mạnh vượt xa con người, song Atula vẫn bị xếp vào cấp bậc ít cao quý nhất trong số các cấp bậc thần thánh.

Atula là những linh hồn xuất hiện trong Phật giáo và Hindu. Họ thường được miêu tả như những kẻ thèm muốn quyền lực và cực kỳ mạnh mẽ. Ngay cả với những Atula đứng đầu cũng rất khó đoán và dễ thay đổi tâm trạng, điều này khiến các Atula dù là đồng minh hay kẻ thù đều gắn liền với nhiều nguy cơ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hình dáng của các Atula trong truyền thuyết

Vì đôi khi Atula cũng được xem là quỷ nên họ có ngoại hình khá hung tợn. Làn da màu đỏ đậm hoặc xanh làm, tóc đen. Thông thường, Atula có từ bốn đến sáu cánh tay mọc ra từ cơ thể, kèm với đó là ba cái đầu với khuôn mặt hướng về chính diện và hai hướng khác nhau. Các Atula thích quần áo đẹp: váy lụa có viền vàng, dây đeo vàng quanh tay, cổ đeo vòng trang sức và đầu đội vương miện tinh xảo.

Tính cách bạo liệt

Mặc dù sở hữu sức mạnh vượt xa con người, song Atula vẫn bị xếp vào cấp bậc ít cao quý nhất trong số các cấp bậc thần thánh. Đây là lý do khiến các Atula luôn ghen tị cũng dễ dàng nổi giận nếu không được ca ngợi.

Tính cách đặc trưng của Atula là thất thường và khó đoán. Ví dụ, các Atula có thể ăn mừng vui vẻ khi Sakra (Đế Thích Thiên) cai trị trần gian, nhưng khi biết được Sakra không muốn thân thiết với mình thì các Atula đã tức giận đến mức tuyên chiến với ông ta.

Tuy nhiên, dù được đề cập đến với nhiều điểm không tốt, nhưng Atula không hẳn là giống loài xấu xa. Atula vẫn có những lúc vui vẻ, khi đó chúng trở nên thân thiện, lãng mạn hơn. Nhiều Atula thậm chí còn dành đam mê cho tôn giáo, theo con đường tu tập để trở thành tín đồ mộ đạo hoặc thầy tu. Và khi có lòng tin kính như vậy, Atula sẵn sàng dâng hiến, thực hiện các nghi thức thanh tẩy, xây dựng đền đài cũng như hành hương đầy nhiệt thành.

Đạo Hindu chia Atula làm hai loại: các aditya (Atula tốt) và danavas (Atula xấu). Thư tịch của Hindu cũng giải thích rõ, một Atula tu tập và làm điều thiện có thể đạt được đến cấp bậc kế ngay sau các thần, trở thành Atula-deva.

Sức mạnh vô đối

Cũng giống như tính cách thất thường vốn có thì sức mạnh của các Atula cũng không thể đoán định được. Chụng được biết đến với việc có thể thực hiện những phép lạ kì diệu, gây ra các cuộc chiến ác liệt. Các Atula cũng có thể bay, biến hình, tạo thần chú và bùa chú, thao túng mãnh thú,...

Các Atula nữ, còn được biết đến với tên gọi Asuri, đặc biệt nổi tiếng vì rất quyến rũ cũng như việc có thể tạo ra cây cối. Một truyền thuyết kể rằng Asuri đã tạo ra một loại cây chữa khỏi được bệnh phong cùi, trong khi một truyền thuyết khác lại đề cập đến việc chúng điều chế được những tình dược cực mạnh từ thảo dược.

Lý giải nguồn gốc của Atula

Ở dạng nguyên sơ nhất, từ "Atula" là một danh hiệu, giống như từ "lord", dùng để miêu tả bất kỳ một người nào có địa vị cao quý, từ các ông vua đến thầy tế hoặc thần thánh. Sau đó, "Atula" được phát triển nghĩa trở thành từ để gọi các vị thần, cả xấu lẫn tốt, có trật tự hoặc hỗn loạn. Trong Vedic-Samhita, văn bản cổ xưa nhất của Hindu có từ năm 1500 TCN, từ "Atula" có hai nghĩa như vậy.

Nhiều giả thuyết cho rằng "Atula" mang nghĩa xấu xa là vì sau này, "Atula" có liên quan đến các tôn giáo mới hơn trong khi Devas vẫn gắn liền với truyền thống Hindu. Purana và Shiva Sutras, có niên đại từ 3 và 8 sau công nguyên , coi Atula là một thể riêng biệt của các vị thần, thường phá hoại và khá hỗn loạn.

Vì sức mạnh cũng như tính hiếu chiến, ngày nay Atula còn trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tựa game, truyện tranh, tiểu thuyết cho đến phim ảnh.

Theo DS/Báo Tổ quốc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nhung-dieu-chua-ke-ve-atula-chien-than-lung-lay-trong-than-thoai-an-do/20210619093019458