Những điều chưa biết về Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine

Theo giới chuyên gia, Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) là một tổ chức nhỏ, rất bí mật, hoạt động ngầm với khoảng 1.000 đến vài nghìn thành viên. Tuy vậy, PIJ được cho là vô cùng quy củ và dù không có hệ thống tên lửa tầm xa như phong trào Hamas, nhưng PIJ lại sở hữu một kho vũ khí đáng gờm.

Sự ra đời của PIJ

PIJ được thành lập vào cuối những năm 1970 bởi Fathi Shaqaqi và Abd al-Aziz Awda, hai sinh viên Palestine theo học ngành y khoa ở Ai Cập, với mục đích xây dựng một nhà nước Palestine ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, dải Gaza và các khu vực liên quan, thông qua đấu tranh với Israel.

Ban đầu, hai nhân vật này là thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập nhưng đã quyết định tách ra vì cho rằng tổ chức ngày càng trở nên ôn hòa.

Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) tại Gaza. Ảnh: Attia Muhammed/Flash90.

Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) tại Gaza. Ảnh: Attia Muhammed/Flash90.

Điều hành PIJ tại Ai Cập cho đến năm 1981, Shaqaqi và Awda bị chính phủ Ai Cập lưu đày tới Gaza sau khi bị cáo buộc liên quan tới vụ ám sát Tổng thống nước này Anwar Sadat. Năm 1987, Shaqaqi và Awda tiếp tục bị lưu đày sang Lebanon và dần vun đắp mối quan hệ với Hezbollah, một tổ chức chính trị-vũ trang của người Lebanon theo đạo Hồi dòng Shia và nhận được sự huấn luyện từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Và đây chính là lý do vì sao PIJ xuất phát điểm là một nhóm thuộc dòng Hồi giáo Sunni, nhưng lại lấy cảm hứng từ những lý tưởng thần quyền, cách mạng của người Hồi giáo theo dòng Shia.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, năm 1989, Shaqaqi chuyển trụ sở chính thức đến Damascus dưới sự bảo trợ của Syria, mặc dù một số ít các thủ lĩnh PIJ vẫn hiện diện ở Lebanon để cùng Hezbollah tiến hành các cuộc tấn công chung trong những năm 1990.

Theo chuyên trang quân sự military.com, Fathi Shaqaqi là người đứng đầu phong trào này cho đến khi qua đời năm 1995 ở Malta, dưới tay các điệp viên Israel.

Fathi Shaqaqi sau đó được thay thế bởi Ramadan Abdallah Shallah, một người Palestine được đào tạo tại Anh, từng giảng dạy về Trung Đông tại Đại học Nam Florida giai đoạn 1990 - 1995.

Mục tiêu và lực lượng của PIJ

PIJ được xây dựng nhằm tái lập một nhà nước Palestine Hồi giáo có chủ quyền với các biên giới địa lý mà Palestine ủy trị trước năm 1948. PIJ chủ trương chống lại Israel bằng các biện pháp bạo lực và bác bỏ bất kỳ thỏa thuận hai nhà nước nào trong đó Israel và Palestine cùng tồn tại.

Không giống như các nhóm ly khai khác của Palestine, PIJ từ chối đàm phán hoặc tham gia vào quá trình ngoại giao, không tìm kiếm một vị trí đại diện trong chính quyền Palestine. PIJ cũng bị cáo buộc đã cố gắng cản trở các nỗ lực của Hiệp định Oslo năm 1993 bằng cách tiến hành một số cuộc tấn công khủng bố vào các mục tiêu của Israel.

Các quả rocket từ phía Palestine phóng vào Israel, trong bối cảnh xung đột Israel-Palestine căng thẳng ở Dải Gaza hôm 7/8. Ảnh: Reuters.

Cùng với Hamas, một tổ chức của người Palestine và đang kiểm soát phần lớn Dải Gaza, PIJ bị phương Tây liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Vào năm 2003, 8 thủ lĩnh của PIJ bị chính quyền liên bang truy tố với 50 tội danh, nhưng chỉ có Sami al-Arian bị bắt và đưa ra xét xử. Al-Arian đã phủ nhận mọi cáo buộc có liên quan đến khủng bố. Và chính bản cáo trạng này của Mỹ đã khiến lực lượng của PIJ dần bị suy giảm.

Chuyên gia Ibrahim Fraihat từ Viện nghiên cứu Doha nhận định: “PIJ là một tổ chức nhỏ, rất bí mật, hoạt động ngầm với khoảng 1.000 đến vài nghìn thành viên. Mặc dù không có tên lửa tầm xa như Hamas, PIJ có một kho vũ khí đáng kể gồm vũ khí cỡ nhỏ, súng cối, rocket và tên lửa chống tăng. Cánh tay sắt của PIJ là Lữ đoàn al-Quds hay Lữ đoàn Jerusalem, được cho là đã tấn công nhiều người Israel suốt nhiều năm qua. PIJ là một đồng minh thân thiết với Iran, vì vậy việc này được nhìn nhận như một nguyên nhân dẫn đến các cuộc tấn công của Israel”.

Israel tiêu diệt chỉ huy cấp cao của PIJ Tayseer Jabari. Ảnh: Reuters.

PIJ thường thực hiện các vụ đánh bom liều chết nhằm vào dân thường và quân nhân Israel. Theo Viện nghiên cứu Mackenzie, giai đoạn 1987 – 2016, PIJ lên tiếng nhận trách nhiệm sau khi thực hiện khoảng vụ 11 tấn công và đánh bom liều chết nhằm vào các trung tâm thương mại, quán bar, nhà hàng, xe buýt, khiến hàng ngàn binh sĩ và dân thường Israel thương vong.

Mặc dù tần suất các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Israel đã giảm kể từ khi nước này xây dựng các hàng rào an ninh xung quanh Dải Gaza, nhưng xung đột tại đây tiếp tục leo thang hôm 5/8 khi Israel phát động không kích, trùng vào thời điểm thủ lĩnh PIJ Ziyad al-Nakhalah được cho là đã gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Chiến dịch mang tên “Hừng Đông” của Israel đã tiêu diệt hai chỉ huy cấp cao của PIJ gồm Tayseer Jabari và Khaled Mansour. Trong một động thái đáp trả, PIJ đã phóng hơn 600 quả rocket và đạn cối về phía Israel trong đêm. Các quan chức ở Dải Gaza cho hay, ít nhất 44 người đã thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương sau 3 ngày giao tranh, trong đó 15 nạn nhân là các em nhỏ.

Được biết, sáng 8/8, PIJ và Israel đã nhất trí ngừng bắn nhân đạo dưới sự trung gian của Ai Cập, sau khi tình hình chiến sự diễn biến căng thẳng khiến mạng lưới điện và hệ thống y tế ảnh hưởng nghiêm trọng.

Linh Đan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/nhung-dieu-chua-biet-ve-phong-trao-thanh-chien-hoi-giao-palestine--i663235/