Những điều chưa biết về huyền thoại Trần Chân

Trần Chân là một nhân vật hư cấu nổi tiếng trên màn ảnh truyền hình và màn ảnh rộng Hồng Kông (Trung Quốc).

Nhân vật này từng được dựng thành phim nhiều lần với nhiều câu chuyện khác nhau, song đều có chung lai lịch: là đệ tử chân truyền của Hoắc Nguyên Giáp, thuộc võ phái Tinh Võ Môn và sống vào đầu thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc. Người đầu tiên đưa hình tượng này lên màn ảnh là Lý Tiểu Long.

Trong “Tinh võ môn” năm 1972, Trần Chân được mô tả là một người trẻ tuổi, cương trực, nóng nảy và võ công cao cường. Trần Chân yêu Nguyên tiểu thơ, một người trong môn phái. Sau khi để tang và tìm ra nguyên nhân cái chết của sư phụ, anh quyết trả thù.

Lý Liên Kiệt từng thủ vai Trần Chân trong Tinh Võ Anh Hùng (năm 1994)

Lý Liên Kiệt từng thủ vai Trần Chân trong Tinh Võ Anh Hùng (năm 1994)

Cuối cùng, Trần Chân đã giết chết tất cả những kẻ liên quan tới vụ hãm hại này và sau đó chết dưới súng của nhóm cảnh sát thân Nhật. Đây chính là câu chuyện gốc, đã đưa hình tượng Trần Chân lên như một biểu tượng của lòng yêu nước. Phim góp phần đưa tên tuổi của Lý Tiểu Long ra ngoài biên giới, về sau còn được xếp hạng 17 trong danh sách “100 phim hay nhất của điện ảnh Hoa ngữ” do hiệp hội điện ảnh Hồng Kông bầu chọn năm 2005.

Năm 1982, hãng truyền hình ATV làm lại bộ phim có tên “Trần Chân”. Diễn viên Lương Tiểu Long khi ấy được giao vai chính. Năm 1994, Trần Chân lại một lần nữa được đưa lên màn ảnh qua Lý Liên Kiệt trong tác phẩm điện ảnh “Tinh võ anh hùng”.

Một năm sau đó, hãng ATV lần thứ hai dựng cuộc đời huyền thoại của Trần Chân lên thành phim, qua bộ “Tinh võ môn” với thể hiện của Chân Tử Đơn. Ngoài ra còn có nhiều phiên bản “Tinh võ môn” khác do Thành Long, Trần Tiểu Xuân, Châu Tinh Trì thủ diễn nhưng vẫn không gây ấn tượng sâu sắc như “Tinh võ môn” do Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt hay Chân Tử Đơn tham gia diễn xuất.

Huyền thoại Trần Chân tiếp nối câu chuyện 7 năm sau cái chết của anh hùng Trần Chân. Vào thời điểm đó, một người bí ẩn trở về và nhiều người cho rằng anh chính là Trần Chân. Trên thực tế, 7 năm trước Trần Chân đã trốn sang Pháp để sát cánh chiến đấu với những người dân lao động Trung Quốc trong nỗ lực ủng hộ quân đồng minh.

Chân Tử Đan hóa thân thành Trần Chân trong Tinh Võ Môn (năm 1995)

Trở về lần này, Trần Chân trở thành anh hùng đeo mặt nạ xuất hiện về đêm, giải cứu những người thuộc danh sách quân đội Nhật muốn ám sát. Song song với cuộc chiến chống lại quân Nhật, Trần Chân cũng mắc vào lưới tình với cô gái mang nhiều bí ẩn do Thư Kỳ đảm nhận. Phim cũng có sự tham gia của các diễn viên khác như Hoàng Thu Sinh, Hoàng Bo. Lưu Vĩ Cường là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất Hồng Kông. Ông là người góp công sức đáng kể cho bộ ba phim ăn khách “Vô gian đạo” – tác phẩm từng được nhà làm phim Hollywood Martin Scorsese làm lại thành bộ phim đình đám “The Departed”. Đây cũng không phải lần đầu tiên Lưu Vỹ Cường có phim tham dự LHP Venice. Vào năm 2005, ông đã tới tham dự liên hoan phim danh giá này với tác phẩm “Initial D” (Vượt qua thử thách).

Với kinh phí sản xuất bộ phim là 17,7 triệu USD, các nhà đầu tư cho biết họ mong muốn đạt mức doanh thu ở quầy bán vé là 500 triệu NDT (khoảng 73,3 triệu USD). Nếu kết quả như mong đợi thì Huyền thoại Trần Chân sẽ là bộ phim có doanh thu lớn nhất trong các phim nói tiếng Hoa từ trước đến nay. Năm ngoái, doanh thu lớn nhất tại phòng vé là 420 triệu NDT thuộc về bộ phim “The Founding of a Republic” (Đại nghiệp kiến quốc) của đạo diễn Hoàng Kiến Tân. Đây cũng là bộ phim đồ sộ nhất của Trung Quốc năm 2009, được sản xuất để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước.

Theo PV (Vothuat.vn)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/nhung-dieu-chua-biet-ve-huyen-thoai-tran-chan-955578.html