Những điều chỉnh của Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2020, với một số điều chỉnh về kỹ thuật để khắc phục những bất cập của Quy chế tuyển sinh 2019, đồng thời phù hợp với lộ trình đổi mới và với bối cảnh dịch bệnh.

Những điểm mới đáng chú ý

Theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT Bộ GD&ĐT mới công bố, cán bộ, giảng viên đại học sẽ không tham gia vào bất cứ khâu nào, từ coi thi đến chấm thi như những năm trước.

Quy chế thi THPT quốc gia 2020 có nhiều điểm mới (Ảnh minh họa)

Điều chỉnh một số điểm của phương án thi là tình thế bắt buộc trong bối cảnh học sinh không thể học tập tại trường trong thời gian dài do dịch bệnh và Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ áp dụng từ kỳ thi năm 2020: Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.

Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể dự thi bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp trung cấp tham dự kỳ thi được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.

Cũng theo dự thảo: Mỗi tỉnh tổ chức một hội đồng thi, do sở GD&ĐT chủ trì, để tổ chức thi cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Mỗi hội đồng thi có các điểm thi để tổ chức khâu coi thi trong kỳ thi.

Nếu như các năm trước và đặc biệt là năm 2019, với kỳ thi THPT quốc gia, có tới 50% số giám thị được điều động về các địa phương để coi thi; các trường ĐH uy tín được phân công nhiệm vụ chủ trì công tác chấm thi trắc nghiệm thì năm nay lực lượng này đã rút hoàn toàn khi kỳ thi đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Dự thảo quy chế giao giám đốc sở GD&ĐT ra quyết định thành lập hội đồng thi và các ban của hội đồng thi từ in sao, vận chuyển đề thi, coi thi đến các ban làm phách, chấm thi bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm…

Các quy định về quy trình coi thi, chấm thi, lắp camera giám sát khu vực bảo quản bài thi, chấm thi… về cơ bản vẫn giữ như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Cơ bản Quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm nay, ngoài điều chỉnh một số nội dung về kỹ thuật, giảm bớt số lượng bài thi, thì về cơ bản vẫn giữ ổn định như 2019. Bài thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có độ phân hóa, trên cơ sở đó, các trường đại học vẫn có thể sử dụng để xét tuyển. Đây là kết quả của một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản, có sự chuẩn bị kỹ càng, rút kinh nghiệm điều chỉnh từng năm với sự giám sát của lực lượng chức năng và toàn xã hội.

Đề cao yếu tố chất lượng, bổ sung chế tài xử lý

Về phương pháp tổ chức và xây dựng Quy chế lần này của Bộ GD&ĐT . Cách xây dựng Quy chế có sự đổi mới căn bản, đó là: Bên cạnh Ban Soạn thảo, Bộ trưởng đã thành lập Tổ chuyên gia gồm các nhà giáo, quản lý, chuyên gia đã từng tham gia công tác tuyển sinh và quản lý đào tạo nhiều năm, có kinh nghiệm để đề xuất, tập hợp ý kiến từ các cơ sở đào tạo.

Vì vậy, Quy chế vừa cập nhật được những đổi mới phù hợp với Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, với khung trình độ quốc gia mới ban hành, đồng thời thể hiện được tính dân chủ, phản ánh được những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Do vậy không ý kiến góp ý nào của chuyên gia bị bỏ sót, các ý kiến đều có nghiên cứu và tiếp thu, giải trình thấu tình đạt lý. Quy chế mới thể hiện sự dân chủ và có tính khả thi cao, đi vào cuộc sống.

Dự thảo Quy chế lần này đề cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của đơn vị, đi đôi với việc công khai, minh bạch và cơ chế kiểm tra giám sát rõ ràng. Mặt khác, tích hợp được các Quy chế tuyển sinh trước đây vào làm một: Từ đại học chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2, đến các chương trình tiên tiến, chất lượng cao và các văn bản khác liên quan đến tuyển sinh, chỉ còn một Quy chế tuyển sinh ở bậc đại học.

Bên cạnh những điểm mới nêu trên, dự thảo Quy chế lần này bổ sung với các đối tượng rộng hơn và đầy đủ hơn, như các trường hợp đã hoàn thành chương trình THPT ở nước ngoài; bổ sung nội dung tuyển sinh đào tạo nhân lực cho các địa phương thuộc khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…; Quy chế cũng yêu cầu các trường phải cung cấp đầy đủ, minh bạch các thông tin về tuyển sinh trình độ đại học (bao gồm cả hình thức đào tạo), trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non và các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, dự thảo Quy chế cũng quy định rất rõ: Đề án tuyển sinh phải ghi rõ năm bắt đầu đào tạo, quyết định cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định tự chủ của các trường theo quy định của pháp luật; đặc biệt lần này trong dự thảo Quy chế đã bổ sung quy định xử lý các trường hợp cán bộ và thí sinh vi phạm quy chế.

Quy định “thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị phát hiện có hành vi gian lận hoặc liên quan trực tiếp đến gian lận trong quá trình thi, tuyển sinh có thể bị buộc thôi học, cấm dự tuyển vào trường trong những năm tiếp theo”. Do đó quá trình xây dựng Quy chế sẽ vất vả và công phu hơn, nhưng lại có tính hệ thống, gắn kết hơn trong công tác tổ chức và quản lý, thuận tiện cho các cơ sở giáo dục đào tạo.

Qua đó có thể khẳng định Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2020 thể hiện sự tiến bộ, công phu, dân chủ, nghiêm túc và khả thi. Hy vọng Quy chế sẽ sớm được hoàn thiện và ban hành thực hiện trong năm 2020, tạo ra động lực và chuyển biến mới trong công tác tuyển sinh bậc đại học của cả nước.

Trần Xuân Hà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-dieu-chinh-cua-du-thao-quy-che-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2020-77245