Những điều cần biết về phương pháp thẩm mỹ tiêm filler

Tiêm filler (chất làm đầy) là phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn, giúp xóa bỏ nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa, khiến làn da trở nên căng hơn.

Nội dung

1. Filler là gì?
2. Hiệu quả tiêm filler kéo dài bao lâu?
3. Tác dụng phụ có thể gặp khi tiêm filler
4. Biện pháp phòng ngừa

1. Filler là gì?

Filler là chất làm đầy với thành phần chính là acid hyaluronic.

Những chất này được tiêm vào bên dưới bề mặt da để làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn và phục hồi sự căng đầy trên khuôn mặt, giảm dần các dấu hiệu lão hóa của thời gian.

Khác với botox được sử dụng để ức chế sự hình thành nếp nhăn, filler sẽ giúp lấp đầy các rãnh, nếp nhăn khi cười, làm đầy má, môi hoặc điều chỉnh sẹo mụn.

2. Hiệu quả tiêm filler kéo dài bao lâu?

Phần lớn filler có thể hấp thu vào cơ thể. Vì vậy, tiêm filler chỉ có tác dụng tạm thời, hiệu quả kéo dài từ vài tháng đến vài năm tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm và cơ địa mỗi người. Mặc dù vậy, một số chất làm đầy trên thị trường được quảng cáo là có hiệu quả vĩnh viễn hoặc kéo dài rất nhiều năm.

Tuy nhiên, chất làm đầy thường không phải là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều đến người sử dụng, mà kỹ thuật tiêm mới là yếu tố thường gây nên biến chứng. Nếu kỹ thuật tiêm không đúng hoặc lượng chất làm đầy không phù hợp cũng có thể gây biến chứng.

Hiệu quả tiêm filler thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm.

Hiệu quả tiêm filler thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm.

3. Tác dụng phụ có thể gặp khi tiêm filler

Theo Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ, tiêm filler có thể gây ra một số tác dụng phụ tại vị trí tiêm như mẩn đỏ, sưng tấy, bầm tím, phát ban, đau đớn. Những biểu hiện này có thể biến mất trong vòng 7-14 ngày.

Bên cạnh đó, mặc dù filler là phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn, tuy nhiên, nếu không áp dụng đúng kỹ thuật có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như:

Nhiễm trùng, nếu nặng có thể dẫn đến hoại tử.
Rò rỉ chất làm đầy ở những vị trí tiêm.
U hạt, một loại phản ứng viêm với các chất làm đầy.
Sự di chuyển của các chất độn từ vùng này sang vùng khác.
Tắc mạch máu.
Có thể bị mù, xảy ra khi tiêm filler vào động mạch sẽ làm ngăn chặn lưu lượng máu đến mắt.

Cần nhận thức rõ về các rủi ro và tác dụng không mong muốn có thể gặp sau khi tiêm filler.

4. Biện pháp phòng ngừa

Bạn nên lưu ý những điều sau trước khi tiêm filler để đảm bảo an toàn cho mình:

Thực hiện các thủ thuật tại các bệnh viện hoặc cơ sở uy tín có bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ thẩm mỹ được đào tạo, có kinh nghiệm và được cấp chứng chỉ hành nghề.
Cần hỏi kỹ các thông tin về chất làm đầy được sử dụng. Filler phải được mua từ các nhà cung cấp uy tín và có đầy đủ giấy phép, chứng nhận an toàn.
Filler phải còn nguyên trong ống tiêm và có bao bì, nhãn mác nguyên vẹn.
Nhận thức rõ về các rủi ro và tác dụng không mong muốn có thể gặp sau khi tiêm filler.
Đọc kỹ các thành phần của chất làm đầy bạn sắp tiêm, đảm bảo rằng bạn không dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong đó.
Trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc cũng như thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng. Một số thành phần trong filler có thể xảy ra tương tác, gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu của bạn.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nhung-dieu-can-biet-ve-phuong-phap-tham-my-tiem-filler-16922083016385531.htm