Những điều cần biết về giải đấu mang tên European Super League

Super League, giải đấu được thành lập bởi 12 'ông lớn' của bóng đá châu Âu, đang bị phản ứng dữ dội từ nhiều phía, trong đó hai đội được mời tham dự là Bayern và Dortmund đã thẳng thừng từ chối.

Super League đang trở thành tâm điểm của bóng đá thế giới.

Super League đang trở thành tâm điểm của bóng đá thế giới.

12 câu lạc bộ hàng đầu châu Âu đã tạo nên "cơn bão" trong làng bóng đá khi thông báo thành lập giải đấu riêng mang tên European Super League.

Thành phần tham gia Super League?

12 đội bóng thành lập Super League gồm Manchester City, Manchester United, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Tottenham (Anh); Barcelona, Real Madrid, Atletico Madrid (Tây Ban Nha); Juventus, Inter Milan, AC Milan (Italy).

Nhóm các đội bóng sáng lập có kế hoạch đưa thêm 3 câu lạc bộ nữa tham gia thi đấu trong mùa giải đầu tiên. Ba câu lạc bộ này rất có thể là Bayern Munich, Dortmund và PSG.

Super League sẽ diễn ra như thế nào?

15 câu lạc bộ sẽ tham gia với tư cách thành viên sáng lập. 5 đội bóng còn lại sẽ được lựa chọn dựa trên thành tích hàng năm để tạo thành một giải đấu 20 đội mỗi mùa.

15 đội sáng lập sẽ được miễn nhiễm với việc xuống hạng, trong khi những đội còn lại sẽ xuống hạng và thăng hạng dựa trên thành tích thi đấu.

Trang web của Super League viết: "Super League là một giải đấu mới ở châu Âu giữa 20 câu lạc bộ hàng đầu bao gồm 15 đội sáng lập và 5 đội được bổ sung hàng năm. Sẽ có hai nhóm gồm 10 câu lạc bộ, thi đấu sân nhà và sân khách vòng tròn mỗi năm."

"Sau vòng bảng, 8 câu lạc bộ sẽ đủ điều kiện tham dự vòng loại trực tiếp, thi đấu 2 lượt trên sân nhà và sân khách để tìm ra nhà vô địch trong 4 tuần. Các trận đấu diễn ra vào giữa tuần và các đội vẫn vẫn chơi ở các giải quốc nội."

Khi nào giải đấu bắt đầu?

Các sáng lập muốn Super League sẽ diễn ra vào năm 2022. Thông báo cũng cho biết sau khi giải đấu dành cho nam khởi tranh họ sẽ tiến hành lập giải bóng đá nữ.

Người trong cuộc nói gì về Super League?

Florentino Perez được bổ nhiệm ngồi ghế chủ tịch Super League. Hai phó chủ tịch Super League là Amdrea Agnelli (chủ tịch Juventus) và Joel Glazer (đồng chủ tịch Manchester United).

Chủ tịch Super League Florentino Perez. (Nguồn: Marca)

Phát biểu về giải đấu, Chủ tịch Perez cho biết: "Chúng tôi muốn bóng đá có vị thế xứng đáng. Đây là môn thể thao có sức ảnh hưởng lớn nhất, được hơn 4 tỷ người quan tâm. Trách nhiệm của chúng tôi là đáp ứng nhu cầu từ người hâm mộ."

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Agnelli chia sẻ: "12 câu lạc bộ đồng sáng lập Super League đại diện cho hàng tỷ cổ động viên trên thế giới. Chúng tôi đã đồng hành cùng nhau ở thời điểm quan trọng nhằm thay đổi sự cạnh tranh của bóng đá châu Âu. Chúng tôi muốn tạo nền tảng bền vững cho bóng đá trong tương lai."

Bayern, Dortmund lên tiếng về Super League

Bayern Munich và Dortmund là hai trong số những đội bóng sẽ được mời cùng tham gia giải đấu mới của châu Âu để trở thành một trong 15 thành viên đầu tiên của Super League.

Tuy nhiên, trước thông tin trên, Bayern Munich và Dortmund thẳng thừng từ chối gia nhập giải đấu "ly khai" quy tụ 12 câu lạc bộ giàu có bậc nhất châu Âu.

CEO FC Bayern AG Karl-Heinz Rummenigge tuyên bố: " FC Bayern không tham dự vào kế hoạch Super League. Chúng tôi tin tưởng rằng giải đấu hiện nay cần được bảo tồn. FC Bayern chào đón kế hoạch đổi mới ở giải đấu Champions League, vì chúng tôi tin rằng, đó là bước tiến quan trọng của bóng đá châu Âu. Vòng bảng sau khi được đổi mới sẽ làm cho cho giải đấu căng thẳng và hấp dẫn hơn."

Ông Karl-Heinz Rummenigge thẳng thừng từ chối. (Nguồn: Sky)

"Tôi không tin Super League sẽ giải quyết được những khó khăn về tài chính hiện nay do đại dịch COVID-19 gây ra. Hơn thế nữa các câu lạc bộ châu Âu nên đoàn đoàn kết lại và cùng làm việc bên nhau, để cho cơ cấu chi phí, mà đặc biệt là tiền lương cầu thủ, hoa hồng cho người môi giới phù hợp với những nguồn thu, đó mới là cách tổ chức bóng đá châu Âu một cách hợp lý hơn," Karl-Heinz Rummenigge nói thêm.

FIFA và UEFA đáp trả

Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã lên tiếng kịch liệt phản đối ý tưởng thành lập một giải đấu.

Trong một tuyên bố, FIFA nêu rõ: "FIFA luôn luôn ủng hộ sự đoàn kết đối với bóng đá quốc tế, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan đến những tranh cãi hãy tham gia đối thoại một cách bình tĩnh, cân bằng và mang tính xây dựng vì lợi ích của môn bóng đá cũng như tinh thần đoàn kết và fair play."

UEFA cùng với các cơ quan quản lý những giải đấu quốc nội của Anh, Tây Ban Nha và Italy cũng ra tuyên bố chung phản đối Super League, cho rằng giải đấu này được thành lập "chỉ dựa trên lợi ích cá nhân của một số câu lạc bộ vào thời điểm cộng đồng đang cần sự đoàn kết hơn bao giờ hết."

UEFA cũng đồng thời cảnh báo các đội bóng tham gia Super League có thể sẽ bị cấm thi đấu tại các giải đấu quốc nội và quốc tế nếu như quyết định thành lập giải đấu "ly khai" cạnh tranh với Champions League.

Liên minh châu Âu (EU) phản đối Super League

Lo lắng về việc tạo ra một giải đấu chỉ dành riêng cho các câu lạc bộ giàu có nhất châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông David Sassoli ngày 19/4 nhấn mạnh: "Tôi phản đối việc bóng đá trở thành bảo bối của một số người giàu."

Về phần mình, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margarítis Schinás cho rằng “phải bảo vệ một mô hình thể thao châu Âu dựa trên sự đa dạng, hòa nhập và dựa trên các giá trị.”

“Nhóm thể thao” của Nghị viện châu Âu, được sự hỗ trợ của 125 nghị sỹ châu Âu, đã kêu gọi từ bỏ dự án bóng đá này.

Super League bị phản đối dữ dội.

Huy Khánh (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-giai-dau-mang-ten-european-super-league/706917.vnp