Những điều biết thêm về văn hào Anh W.THACKERAY

William Makepeace Thackeray (1811-1864) là một trong những nhà văn hiện thực phê phán hàng đầu của văn học thế giới. Ông sinh ở Alipua – ngoại ô thành phố Cancutta (Ấn Độ), nơi người cha làm công chức nhà nước thực dân Anh. Thackeray mồ côi cha năm 4 tuổi. Khi cậu bé lên 7 tuổi, mẹ tái giá. Thackeray được gửi về Anh. Ngày ấy không ai nghĩ sau này cùng với Dickens, Bronte, Gasken… Thackeray đã góp phần làm nên “trường phái hiện đại xuất sắc của những nhà tiểu thuyết Anh” (K.Marx).

Ngay khi Thackeray còn sống, tác phẩm của ông đã rất được mến mộ, kể cả ở ngoài biên giới nước Anh. Ở Nga, những tạp chí nổi tiếng nhất như Ký sự Tổ quốc, Ngôn ngữ Nga, Người cùng thời… tranh nhau in các tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn của ông. “Các tạp chí của chúng ta say mê từng chữ của Thackeray!” – một nhà phê bình đương thời đã thốt lên như vậy trên Ký sự Tổ quốc. Trong những năm chín mươi của thế kỷ XIX, ở Nga đã xuất bản Tuyển tập W.Thackeray gồm 12 tập. Vào những năm ba mươi của thế kỷ XX, theo quyết định của M.Gorky, ở Liên Xô đã xuất bản một tuyển tập của ông. Các tác phẩm nổi tiếng: Hội chợ phù hoa, Cuốn sách của những kẻ chuộng mode được tái bản hàng chục lần. Trong những năm 1975-1980 đã tái bản Tuyển tập M.Thackeray (12 tập). Ngoài nước Anh, có lẽ ở Nga tác phẩm của Thackeray được đọc với tình cảm nồng nhiệt nhất. Điều đó cũng dễ hiểu khi ta biết ở Nga chủ nghĩa hiện thực trong văn học phát triển rực rỡ như thế nào.

Ở Việt Nam số tác phẩm của Thackeray được dịch còn rất ít ỏi so với di sản văn học đồ sộ của ông. Tuy vậy, chỉ riêng tiểu thuyết Hội chợ phù hoa được dịch ở cả hai miền Nam, Bắc trước 1975 đủ đưa Thackeray lên hàng những nhà văn nước ngoài được yêu thích nhất.

Ít ai biết Thackeray còn là một nhà thơ xuất sắc, một họa sĩ tài năng. Thackeray đã nói một cách hóm hỉnh rằng ông trở thành nhà văn chỉ vì Dickens ngăn cản ông trở thành họa sĩ. Đó là câu nói đùa nhưng có một phần sự thật. Thackeray xin được làm họa sĩ minh họa cho tập san của Câu lạc bộ Picwick. Nhưng Dickens từ chối vì đã nhìn thấy ở chàng trai thông minh một tài năng văn học. Vậy là, theo lời Thackeray ông không còn có cách nào khác hơn là rời bỏ cây cọ vẽ để cầm lấy cây bút. Song trong thực tế Thackeray đã không rời bỏ cây cọ vẽ mà trong tay ông nó luôn luôn là công cụ hoạt động nghệ thuật sắc bén. Đáng tiếc là cho đến nay di sản hội họa của ông vẫn chưa được sưu tập đầy đủ. Theo ước tính của các nhà chuyên môn, Thackeray đã vẽ chừng 2000 bức tranh. Nhiều bức tranh hài hước, châm biếm, đả kích, minh họa … đặc biệt là trong thời gian ông cộng tác với tờ tạp chí hài hước Punch nổi tiếng nhất nước Anh đã bị mất. Mặc dù vậy xem những bức tranh còn lại của Thackeray ai cũng phải thừa nhận rằng ông là một họa sĩ có tài năng điêu luyện.

Thackeray còn là một nhà thơ. Khởi đầu con đường sáng tạo văn học của ông không phải là văn xuôi mà là thơ. Sinh thời người cha đã xác định cho Thackeray con đường học tập để trở thành luật sư. Tại Cambrigie, nơi theo lời Thackeray, ông “bị hành hạ nhiều hơn là học tập”, với bản tính nghệ sĩ chàng sinh viên đã luôn sao nhãng với các giờ học luật, giành thời gian cho việc vẽ và làm thơ. Những trang giáo trình của sinh viên Thackeray dày đặc các chân dung tự họa, chân dung các nhân vật trong những tiểu thuyết nổi tiếng, các bức biếm họa những giáo sư cổ hủ, những chính khách bảo thủ… Thackeray đã viết những bài thơ nhại thể hiện một tài năng hài hước đáng ngạc nhiên, rất được bạn bè thích thú. Bài thơ Nỗi đau của chàng Vecter là một thí dụ. Bài thơ được gợi cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của thi hào Đức W.Goethe lúc này đang nổi tiếng khắp Châu Âu. Đó là một tiểu thuyết lãng mạn có màu sắc bi thảm. Bài thơ của Thackeray lại là một tác phẩm hài hước với nụ cười Anh thâm thúy:

Vecter yêu Chalotta

Ngọn lửa tình yêu nồng nhiệt

Nhưng Chalotta chỉ biết

Cắt bánh mì và phết bơ…

Thơ ca luôn là bạn đồng hành của tuổi trẻ. Trong thực tế dưới đáy ngăn kèo bàn viết của nhà văn vĩ đại nào không có những bài thơ được sáng tác thuở thanh xuân? Năm tháng qua đi, ngòi bút trở nên già dặn, văn xuôi đã lấn át thơ. Nhưng Thackeray đã không ngừng làm thơ ngay cả khi cuộc sống tỏ ra khắc nghiệt đối với ông: người cha mất sớm đặt ông vào tình trạng bi đát, cái chết của con trai, người vợ trẻ đau thần kinh nặng, tình yêu bi kịch với vợ của người bạn thân là Đơrein Brukphind…

Một điều khá kỳ lạ là Thackeray, người có thái độ đòi hỏi rất cao đối với nghệ thuật, đã xem tất cả những câu thơ của mình chả có giá trị gì, “ngoại trừ là niềm tự hào cho các album của những người đàn bà quen biết!”.

Một nhà phê bình đương thời đã gọi Thackeray là “vị tông đồ của chủ nghĩa hiện thực”. Ông là người đấu tranh cho sự thật, chỉ có sự thật trong nghệ thuật và luôn chống lại sự giả dối ngọt ngào, sự cường điệu lãng mạn chủ nghĩa, những tình cảm trái tự nhiên. Thackeray thật lòng cho rằng những bài thơ của mình đã đáp xuống ngòi bút của ông một cách tự nhiên trong những phút giây buồn rầu hay ngược lại vào những lúc vui tươi của cuộc sống. Bạn bè và các nhà xuất bản muốn in một tập thơ của Thackeray nhưng ông đã kiên quyết từ chối. Chỉ sau khi Thackeray qua đời, những tác phẩm thơ là phần không thể tách rời với di sản văn xuôi đồ sộ của ông và những bài thơ in rải rác trên tạp chí Punch mà ông là thành viên điều hành mới được sưu tập và xuất bản với tựa đề Những Ballat theo di chúc của nhà văn.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, ngay cả theo những tiêu chuẩn nghiêm khắc của bản thân Thackeray, ông vẫn là một tài năng thơ chân chính. Thơ Thackeray với sự phong phú về hình thức: hài hước, châm biếm, đả kích, thơ nhại, trường ca…và sự muôn vẻ về chủ đề: phúng dụ chính trị, trầm tư, trữ tình v.v… thể hiện trình độ nghệ thuật hoàn thiện và sự kết hợp tuyệt diệu cái cười với những tình cảm chân thành. Tác giả Hội chợ phù hoa và Cuốn sách của những kẻ chuộng mode đã có những cảm xúc sâu sắc, chân thành. Với lòng trắc ẩn, ngòi bút của ông đã khơi dậy từ tâm trong trái tim độc giả.

Thackeray là một nhà văn hiện thực phê phán đậm tính chất châm biếm, trào phúng. Ông kết án sự sục sôi có tính chất lãng mạn chủ nghĩa của niềm say mê trong các sáng tác của Byron, Hugo, G.Sand… là trái với sự thật của cuộc sống. Thậm chí ông còn trách cứ cả Dickens, W.Scote, Dumas. Ông đã luận chiến, tranh cãi, giận dỗi Dickens nhưng khi nhận ra tài năng của người tranh luận với mình ông thường giơ hai tay và thốt lên: “thiên tài!”. Còn với tác phẩm Những chuyện vừa giáng sinh của Dickens mà bản chất thẩm mĩ là đối lập với những nguyên tắc nghệ thuật của Thackeray thì với cảm hứng nhân đạo cao cả của nó, ông đã đánh giá là “tài sản của dân tộc”.

Cảm hứng đạo đức cao cả là đặc điểm nổi bật trong những sáng tác của Thackeray. Căn cứ vào tính chất phê phán đến tận cùng của các tác phẩm Hội chợ phù hoa và Cuốn sách của những kẻ chuộng mode có nhà phê bình đương thời đã gọi Thackeray là “con người trắng trợn”. Ở đây sẽ không thừa khi nhớ lại rằng Thackeray chỉ tàn nhẫn những lúc ẩn mình dưới mặt nạ là các nhân vật đông đúc của mình. Mặt nạ nổi tiếng nhất của ông là người kể chuyện điều khiển những con rối ham hưởng lạc trong Hội chợ phù hoa. Đó còn là tên nô lệ láu cá Rentopliusơ, Bacri Lindon, Gagagan hay cảnh sát viên thiển cận X… Danh sách còn có thể kéo dài. Bản chất vấn đề hoàn toàn khác. Rất sai lầm khi đồng nhất tác giả và người kể chuyện trong văn xuôi của Thackeray. Với nụ cười cay đắng và những giọt nước mắt vô hình, Thackeray đã quan sát “hội chợ phù hoa” của cuộc đời , “nơi tất cả mua và tất cả bán” nhưng mục đích của ông là cải tạo hoàn cảnh bằng ngôn ngữ lớn lao của sự phủ định giống như Findinh - nhà khai sáng vĩ đại Anh ở thế kỷ XVIII.

Những câu thơ của Thackeray như những hơi thở nhẹ. Bạn bè và những người thân của ông đều xác nhận Thackeray là người từ tâm. Người đã lật đổ những uy tín, thần tượng văn học lẫn hàng loạt những kẻ thích phù hoa, theo thừa nhận của người đương thời trong đời sống lại là người dịu dàng và dễ bị tổn thương. Ông đã cưu mang một cách đáng nể người vợ đau ốm và là người sẵn sàng giúp đỡ kẻ khác.

Rất tiếc thư từ và nhật ký của Thackeray đã bị thiêu hủy theo di chúc của ông. Nhưng căn cứ vào những mẩu ghi chép còn lại có thể hình dung Thackeray đã giúp đỡ rất nhiều người, đặc biệt là các văn nghệ sĩ cao tuổi, nhưng cố làm bằng cách nào đó để họ không cảm thấy bị thương tổn về tinh thần trước sự quan tâm của ông. Với thái độ kính trọng đối với đồng nghiệp, Thackeray đánh giá cao tác phẩm của họ và biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.

Trong bức thư gửi một người bạn, Thackeray đã tự nhận xét rằng ông là người có “đầu óc châm biếm và trái tim nhân hậu”. Đó là lời đề từ thích hợp và xứng đáng với tất cả các tác phẩm của Thackeray.

Phạm Quốc Ca

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-dieu-biet-them-ve-van-hao-anh-w-thackeray-81532