Những điều bạn cần biết nếu có ý định trốn nghĩa vụ quân sự

Việc trốn tránh đi nghĩa vụ quân sự là hành vi không hiếm gặp. Cái giá phải trả cho hành vi này không hề nhẹ.

Ngày 20/10, Công an huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam bị can Phan Quốc Việt (24 tuổi, ngụ ấp Thị, xã An Phong) về tội trốn nghĩa vụ quân sự.

Năm 2019, Phan Quốc Việt đã không chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do và bị xử phạt hành chính. Đến tháng 2/2020, Việt tiếp tục không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ lần 2, bỏ trốn khỏi địa phương.

Công an đọc quyết định khởi tố bị can Phan Quốc Việt. (Ảnh: CACC)

Công an đọc quyết định khởi tố bị can Phan Quốc Việt. (Ảnh: CACC)

Việc trốn tránh đi nghĩa vụ quân sự là hành vi không hiếm gặp. Cái giá phải trả cho hành vi này không hề nhẹ. Nhằm giúp mọi người nắm bắt rõ về chế tài đối với những ai trốn nghĩa vụ quân sự, chúng tôi xin viện dẫn các quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự ở bài viết dưới đây.

Theo đó, tùy vào mức độ của hành vi mà người trốn nghĩa vụ quân sự có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy tố hình sự.

Phạt hành chính đến 4 triệu đồng

Việc xử phạt hành chính áp dụng theo nghị định 120/2013/NĐ-CP.

Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng; đồng thời, buộc thực hiện sơ tuyển nghĩa vụ quân sự.

Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng; đồng thời, buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe.

Phạt tiền từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng; đồng thời, buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng nếu người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; đồng thời, buộc thực hiện lại việc khám sức khỏe.

Theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư số 95/2014/TT-BQP ngày 07/07/2014 của Bộ quốc phòng hướng dẫn thi hành Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, “lý do chính đáng” là một trong các lý do sau:

Người phải thực hiện việc sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (sau đây viết gọn là người thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng bị ốm hoặc trên đường đi bị ốm, tai nạn.

Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp đang bị ốm nặng.

Hai trường hợp này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bệnh viện, trạm y tế cấp xã.

Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp chết nhưng chưa tổ chức tang lễ.

Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống.

Trường hợp này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được giấy gọi sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm hoặc do hành vi của người khác gây khó khăn hoặc cản trở quy định tại Điều 8 Chương II Thông tư này. Trường hợp này phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trốn nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt đến 5 năm tù

Trường hợp không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

- Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình.

- Phạm tội trong thời chiến.

- Lôi kéo người khác phạm tội.

Thời gian đi nghĩa vụ quân sự là bao lâu?

Cũng như các năm trước đây, năm tới, độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự vẫn là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Riêng trường hợp công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi. Đây là quy định tại Điều 30 của Luật Nghĩa vụ quân sự.

Lưu ý, độ tuổi nhập ngũ được tính từ ngày tháng năm sinh ghi trên giấy khai sinh của công dân cho đến ngày giao quân.

Bên cạnh quy định về độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự, thì thời gian đi nghĩa vụ quân sự bao lâu cũng là thông tin được rất nhiều người quan tâm.

Thông tin này được nêu tại Điều 21 của Luật Nghĩa vụ quân sự. Theo đó, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

Trong trường hợp cần bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn thì thời hạn nêu trên có thể được kéo dài thêm tối đa 6 tháng.

Thời gian phục vụ tại ngũ được tính từ ngày giao, nhận quân đến ngày được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ. Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.

Hoàng Mai

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-dieu-ban-can-biet-neu-co-y-dinh-tron-nghia-vu-quan-su-a494973.html