Những 'điệp viên' động vật

Các cơ quan tình báo lớn trên thế giới trước đây từng chi hàng triệu USD cho những nghiên cứu sử dụng chó, mèo, chuột hay chim bồ câu làm điệp viên cho mục đích trinh sát và chống khủng bố. Hiện nay, sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã giúp cho giới khoa học có thêm những ý tưởng mới nhằm biến động vật trở thành thứ vũ khí lợi hại, từ đó xây dựng những đội quân chiến binh động vật siêu hạng.

Gián điệp biết bay

Từ lâu chim bồ câu đã được huấn luyện để trở thành những điệp viên tình báo lợi hại. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, hầu hết các quân đội ở châu Âu đều sử dụng chim bồ câu để thông tin liên lạc chiến đấu. Trong cuộc chiến này, quân đội Mỹ đã sử dụng ít nhất 600 chim bồ câu đưa tin tại Pháp.

Trong đó, chim bồ câu Cher Ami đã được tặng huy chương “Vì hành động dũng cảm” khi đã cố gắng chuyển đi thông điệp cứu sống khoảng 200 lính Mỹ vào cuối tháng 10-1918, dù bị bắn trọng thương ở ức. Tại cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Iraq sử dụng chim bồ câu để truyền tải thông tin khi các thiết bị vô tuyến điện bị gây nhiễu.

Chim bồ câu được gắn theo các thiết bị thu thập thông tin cực kỳ tinh vi.

Sự phát triển của khoa học công nghệ khiến chim bồ câu được gắn theo các thiết bị thu thập thông tin cực kỳ tinh vi. Năm 1951, vào cao điểm của cuộc chiến tranh Triều Tiên, CIA đã bí mật triển khai dự án Orcon nhằm sử dụng chim bồ câu để do thám. Dựa vào khả năng bay xa và nhận biết đường bay, các nhà khoa học đã lắp đặt các thiết bị ghi hình siêu nhỏ vào phần ức và chân để chụp ảnh mục tiêu từ độ cao vài trăm mét. Ngoài ra, một thiết bị phát sóng vô tuyến từ xa sẽ khởi động các thiết bị do thám mà chim bồ câu mang theo một khi chúng tiếp cận mục tiêu.

Ngay cả khi các thiết bị hiện đại phát triển thì chim bồ câu vẫn cần thiết trong tình báo do có những lợi thế như bí mật và không bị gây nhiễu sóng. Hiện nay, chim bồ câu tình báo có thể được trang bị cả công nghệ định vị như GPS. Thậm chí giới nghiên cứu còn tìm cách tối ưu hóa các thiết bị điện tử được tích hợp vào chim bồ câu. Chẳng hạn, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công việc điều khiển đường bay của chim bồ câu bằng công nghệ điện tử khi cấy các thiết bị điện tử tinh vi vào các vùng khác nhau của não chim bồ câu.

Đặc vụ bốn chân

CIA đã từng có dự án trưng dụng mèo làm gián điệp trong thời kì Chiến tranh Lạnh. Theo tiết lộ, CIA dựa vào bản tính kín đáo, khả năng di chuyển nhiều mà không gây tiếng động, leo trèo giỏi và thích gần người của mèo để phục vụ công tác do thám với mục tiêu là ghi âm các cuộc trò chuyện hay điện đàm bên trong Sứ quán Liên Xô ở thủ đô Washington và Lãnh sự quán Liên Xô tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ.

Để thực hiện ý tưởng, CIA đã thuê một đội ngũ chuyên gia tiến hành ca phẫu thuật cấy ghép máy phát radio nhỏ ở đáy hộp sọ của mèo thí nghiệm, một micro vào ống tai và một đường dây gần như vô hình giữa đám lông để kết nối hai thiết bị với nhau. Thậm chí, họ còn giải phẫu nhiều bộ phận cơ thể khác của mèo để cài đặt các thiết bị ghi âm, kể cả pin cung cấp năng lượng hoạt động cho các thiết bị này, cùng ăng-ten phát tín hiệu được cấy vào đuôi mèo.

CIA sau đó đã đem những con mèo này vào một chương trình huấn luyện đặc biệt với những tín hiệu âm thanh, giúp chúng tiếp cận các khu nhà ở, hay những nơi nhiều người đang trò chuyện hoặc nghe điện thoại. Từ năm 1962 đến 1965, CIA đã tiến hành hàng chục cuộc thử nghiệm nhằm cải tiến hoạt động do thám của mèo sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Tháng 3-1966, CIA khởi động dự án “Acoustic Kitty” với hai con mèo điệp viên Kitty 1 và Kitty 2. Tuy nhiên, trong quá trình do thám, Kitty 2 bị một chiếc ôtô cán chết, còn Kitty 1 dù đã thâm nhập vào Sứ quán Liên Xô nhưng lại không gửi bất cứ thông tin gì về trung tâm chỉ huy bất chấp mọi nỗ lực khởi động các thiết bị lắp đặt trong cơ thể Kitty 1 từ xa. Do lo ngại bị Liên Xô phát hiện nên CIA quyết định xóa sổ “Acoustic Kitty” vào năm 1967.

Đội quân khứu giác

Giới nghiên cứu còn tận dụng khả năng khứu giác của một số loài động vật để do thám hay chống khủng bố. CIA đã thành lập Lực lượng chó nghiệp vụ K-9 để bảo vệ các cơ sở trọng yếu do lo ngại các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Những chú chó được lựa chọn kĩ lưỡng, trải qua giai đoạn kiểm tra y tế và khả năng đặc biệt, sau đó tham gia nhiều đợt huấn luyện về phát hiện chất nổ, thực hiện các động tác theo hiệu lệnh, kỹ năng tấn công kẻ nghi vấn và khống chế tội phạm.

Một số nhà khoa học có tham vọng huấn luyện chuột trở thành những điệp viên siêu hạng.

Trong khi một nhân viên bảo vệ chỉ làm việc 40 giờ/tuần, thì một đội viên K-9 có thể làm việc 60 giờ/tuần, trực chiến liên tục 24/24 giờ và 7 ngày/tuần. Hiện nay, Lực lượng K-9 được phân bổ thành hai đơn vị là Đơn vị phát hiện chất nổ và Đơn vị tuần tra bảo vệ.

Trong khi đó, Cơ quan An ninh MI-5 (Anh) từng có kế hoạch “tuyển dụng” chuột nhảy được huấn luyện đặc biệt để phát hiện gián điệp. Những con vật này làm nhiệm vụ hỗ trợ thẩm vấn các nghi can do chúng có thể phát hiện sự gia tăng adrenaline - chất được tiết ra trong mồ hôi của người khi bị căng thẳng. Thế nhưng, mặc dù kế hoạch trên đã được xem xét vào thập niên 70, nhưng sau đó bị hủy bỏ vì các con chuột nhảy không phân biệt được những tên khủng bố với hành khách... sợ đi máy bay.

Hiện này, khoa học đã truyền cảm hứng cho một số nhà khoa học “máu me” khi họ đang tính toán kế hoạch đào tạo chuột trở thành những điệp viên siêu hạng, có khả năng sử dụng khứu giác để phát hiện các chất liệu bị cấm. Họ tham vọng cấy những điện cực vào não chuột, sau đó chuột sẽ truyền hình ảnh từ vị trí của nó về trung tâm bằng những camera nhỏ xíu gắn trên lưng.

Tuy nhiên, một số ý kiến phản đối khi nhận định chuột không phải là sinh vật lý tưởng cho công tác tình báo. Một con chuột chạy lung tung trong phòng họp, và trên lưng gắn camera thì khiến những người lành tính nhất cũng phải sinh nghi.

Lê Nam (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/nhung-diep-vien-dong-vat-526398/