Những diễn viên thể hiện thành công vai diễn Bác Hồ trên màn ảnh

NSƯT Tiến Hợi, NSƯT Trần Lực, NSND Bùi Bài Bình,… là những gương mặt diễn viên đã thể hiện thành công hình ảnh Bác Hồ trên phim, tạo nên ấn tượng khó quên trong lòng công chúng.

NSƯT Tiến Hợi

NSƯT Tiến Hợi không phải là người duy nhất đóng Bác Hồ nhưng là người được cho là thể hiện thành công nhất vai về Bác trong nhiều thể loại, từ sân khấu, điện ảnh cho tới truyền hình.

NSƯT Tiến Hợi sinh năm 1959 tại Nghệ An, ông bất ngờ lọt vào mắt xanh của những người đi tuyển học viên cho lớp kịch nói ở trường Văn hóa Nghệ Thuật Quân đội, sau đó là diễn viên tại Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2. Hiện tại, ông đang công tác tại Nhà hát kịch Hà Nội.

NSƯT Tiến Hợi

NSƯT Tiến Hợi

Để thể hiện vai diễn về Bác được tốt nhất, ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, học theo phong cách, dáng đi, cách làm việc của Bác. Ông được đánh giá cao khi toát lên được cốt cách, tinh thần của Bác.

Tiến Hợi đóng nhiều vai nhưng chỉ đến khi ông hóa thân vào hình ảnh vị cha già của dân tộc, tên tuổi của ông mới được nhiều khán giả biết đến. Nhớ về vở kịch “Đen Trắng” đầu tiên ở Nhà hát lớn Hà Nội, có nhiều quan khách đến dự, đặc biệt là sự hiện diện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông kể lại giây phút sau khi vở kịch kết thúc trên chương trình “TTV hội tụ”: “Đại tướng đã lên tặng hoa trên sân khấu. Tôi nhìn thấy Đại tướng nước mắt giàn giụa, miệng Đại tướng cười và bắt tay tôi: ‘Cảm ơn! Cảm ơn rất nhiều!”.

Tiến Hợi trong một lần hóa thân vào vai Bác Hồ

NSƯT Tiến Hợi (trái) trong vai Nguyễn Tất Thành phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”

Chia sẻ với báo chí, ông từng nói: “Những bộ phim tôi đã từng đóng, đã diễn ở sân khấu cái quan trọng nhất là thần thái, cốt cách của Bác Hồ, phong cách của Bác, diễn làm sao cho dung dị, mộc mạc. Tôi nghiên cứu về Bác thì thấy Bác gần gũi, thân thương, phong cách sống rất đơn giản, mộc mạc. Bác đi thăm hỏi, động viên từng người một. Bác chia sẻ những tình cảm. Bác dạy dỗ, bảo ban nhắc nhở các cháu nhi đồng, thăm hỏi các cụ già, bộ đội chiến sĩ. Chính vì thế khi diễn phải toát lên thần thái”.

NSND Bùi Bài Bình

Hơn 40 năm theo nghiệp diễn, NSND Bùi Bài Bình để lại ấn tượng với khán giả khi ông thành công ở nhiều dạng vai, tận tâm với cả vai ngắn lẫn vai dài, trong đó phải kể đến những bộ phim như “Mùa ổi”, “Gió làng Kình”, “Ma làng”, “Chiều ngang qua phố cũ”…

Ông là người thể hiện thành công vai Bác trong phim “Người tiên tri” nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ phim được khởi quay năm 2015, lấy bối cảnh khoảng năm 1947-1951.

Nam nghệ sĩ trải lòng trên chương trình “Cà phê sáng”: "Vào vai Hồ Chủ Tịch là sự tự hào nhưng cũng là thách thức đối với bất cứ diễn viên nào. Trước đây, đã có nhiều diễn viên thể hiện vai Bác. Khi tôi nhận được lời mời, có nhiều lời ủng hộ nhưng cũng không ít tiếng can ngăn từ bạn bè, đồng nghiệp. Đạo diễn Vương Đức còn đùa, mời Bùi Bài Bình đóng Bác Hồ mà cả giới điện ảnh ngạc nhiên".

Khi nhận lời đóng vai Hồ Chí Minh, Bùi Bài Bình lọ mọ nghiên cứu kỹ các tư liệu, thước phim, hình ảnh từ trong nước đến nước ngoài về Bác. Thậm chí, phim “Người tiên tri” đã có người lồng tiếng cho phân đoạn nhân vật chính hội thoại bằng ba thứ tiếng Nga, Pháp, Trung nhưng ông vẫn cất công đi học tiếng để thoại khớp khẩu hình.

Có khoảng thời gian, ông chỉ uống cà phê, ăn kiêng... đến lả người để giảm được 6kg. Bùi Bài Bình cũng không ngại giảm cân, mài răng khểnh, nuôi râu để ngoại hình giống Bác trong thời gian ở Việt Bắc. Nói về vai diễn này, ông thổ lộ: “Tôi luôn mong đó là một nén hương, một sự chân thành, một tấm lòng của hậu thế đối với thế hệ tiền bối như cụ Hồ, cụ Giáp… Chúng tôi đã làm bộ phim này với tất cả sự biết ơn, trân trọng”.

NSƯT Trần Lực

Một bộ phim về Bác được giới chuyên môn đánh giá cao là "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong" do NSƯT Trần Lực đảm nhiệm vai Nguyễn Ái Quốc. Ông để lại nhiều ấn tượng đáng nhớ với khán giả qua vai này, đồng thời đây cũng là màn thể hiện đặc biệt trong sự nghiệp diễn xuất của Trần Lực.

Nghệ sĩ bày tỏ về vai diễn Nguyễn Ái Quốc trong chương trình Điện ảnh - Kết nối đam mê trên VTV4: “Khi đoàn làm phim mời tôi thử vai rồi chính thức để tôi đảm nhận vai diễn, tôi thấy vô cùng sung sướng. Đối với tôi, đây là cơ hội đặc biệt để tôi thử sức mình, mặc dù đó là vai diễn khó. Được vào vai Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim là niềm vinh hạnh lớn với tôi. Vì thế, tôi và đoàn làm phim đều làm việc hết mình”.

“Mỗi bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh lại khai thác những khía cạnh khác nhau của Người. Chắc chắn trong tương lai, điện ảnh Việt Nam sẽ có thêm những bộ phim mới về đề tài này. Tôi thấy chúng ta chưa thực sự làm nhiều phim về Bác Hồ. Tôi hy vọng, với góc nhìn mới mẻ hơn, thế hệ kế cận sẽ làm thêm nhiều bộ phim hay về Bác”, đạo diễn Trần Lực bộc bạch.

Diễn viên Minh Hải

Nghệ sĩ Minh Hải - diễn viên nhà hát kịch Việt Nam cũng là người góp phần tái hiện thành công hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và điện ảnh. Là người con xứ Nghệ nên anh có nhiều thuận lợi khi hóa thân vào vai lãnh tụ dân tộc.

Minh Hải đã phải vượt qua rất nhiều áp lực, nhiều khó khăn khi vào vai diễn Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như trong chính hành trình làm phim quay trên đất Trung Quốc trong “Vượt qua bến Thượng Hải”.

Diễn viên Minh Hải (giữa) trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải”

Chia sẻ trên VTV kết nối, nam nghệ sĩ cho biết đã nghiên cứu rất kỹ giọng nói của Người bởi bộ phim phải thu tiếng đồng bộ: "Có điều rất khó là ở giai đoạn đó, hình ảnh và tư liệu về Bác không nhiều. Tôi đi tìm hiểu, đặt ra rất nhiều câu hỏi và vận dụng theo suy nghĩ. Sau đó, tôi phải tập từ tiếng nói cho tới thần thái của Bác và phải mất rất nhiều đêm không ngủ mới thể hiện được hình, tiếng".

Anh chia sẻ thêm: "Có một cảnh quay, tôi rất cảm động, đó là cái Tết đầu tiên của Bác ở Thượng Hải. Đêm giao thừa, người Trung Hoa ăn bánh trôi, Bác nhớ về bánh chưng. Lúc đó, tôi có thoại một câu: 'Đã hai mươi năm, tôi không được đón Tết ở quê nhà'. Đây là một trong những cảnh quay khó, khi tôi diễn ở trong phim, cảm xúc rất thật và đã khóc".

Diễn viên Mạnh Trường

Mạnh Trường là một trong ít những diễn viên trẻ thể hiện vai Bác Hồ qua bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm”. Nam diễn viên sinh năm 1985 từng trả lời truyền thông, việc được tái hiện hình ảnh Bác Hồ là cả một niềm vinh dự, tự hào lớn của anh trong nghiệp diễn.

Bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” kể về quãng thời gian hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (có biệt danh Thầu Chín) trong những năm 1928 - 1929 ở Thái Lan. Phim để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem khi lột tả hình ảnh một lãnh tụ cách mạng vô cùng giản dị, gần gũi trong cuộc sống nhưng lại rất mạnh mẽ, kiên dũng trong đấu tranh cách mạng.

Đạo diễn “Thầu Chín ở Xiêm” - Bùi Tuấn Dũng cho biết, lý do anh chọn Mạnh Trường vào vai Nguyễn Ái Quốc bởi nhìn thấy ở thấy được đôi mắt biết diễn chứ không phải chuyện ngoại hình giống hay không giống Nguyễn Ái Quốc của nam diễn viên.

Hà Trang

Theo Tổng hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-dien-vien-the-hien-thanh-cong-vai-dien-bac-ho-tren-man-anh-post1337863.tpo