Những điển hình tiêu biểu được 'dệt' nên từ ý Đảng hợp lòng Dân

Những năm qua, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Bình luôn quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của người dân để có những quyết sách phù hợp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Từ đó, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong việc đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống và qua đó xuất hiện nhiều mô hình hay, tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Phát triển kinh tế vào mùa nước nổi

Năm 2018, ông Nguyễn Văn Châu ở ấp 4, xã Phú Lợi được dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và ổn định sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng Tháp Mười hỗ trợ thực hiện mô hình 2 lúa - 1 cá. Mùa nước năm 2019, ông Châu không bỏ trống diện tích đất 12ha như những năm trước, sau khi thu hoạch lúa, ông nuôi cá lóc và trữ cá tự nhiên. Bằng cách đắp đê bao lửng, bao lưới quanh ruộng, ông Châu giữ lại nguồn cá tự nhiên từ nguồn nước nổi tràn vào, đồng thời thả vào ruộng hơn 20 ngàn con cá lóc trọng lượng 300 - 400gram.

Ngay vụ đầu tiên, ông Châu thu được lợi nhuận đáng kể với hơn 15 tấn cá các loại, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 120 triệu đồng. Ông Châu phấn khởi nói: “Tận dụng nước lũ về để nuôi cá đồng, vừa phù hợp với điều kiện hiện nay lại còn tăng thêm thu nhập đáng kể”.

Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình tiếp nhận thiết bị hỗ trợ từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình tiếp nhận thiết bị hỗ trợ từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Điểm tựa trong liên kết sản xuất nông nghiệp

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Bình có quy mô toàn xã với trên 1.000 thành viên, hoạt động theo mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề, đa hình thức hợp tác. Bên cạnh việc đa dạng hóa dịch vụ sản xuất, HTX còn thực hiện mô hình cánh đồng lớn.

Ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình cho biết: “Được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhất là Liên minh HTX tỉnh đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện hoạt động thuận lợi, HTX đã và đang tạo điểm tựa vững vàng cho thành viên liên kết trong phát triển sản xuất. HTX đã hình thành được vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, thu hút doanh nghiệp đến hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua. HTX cũng không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh dịch vụ giống cây trồng, tín dụng nội bộ nhằm phục vụ sản xuất và đời sống thành viên”.

Từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh các năm qua, HTX nông nghiệp Tân Bình đã có thành công rõ nét, doanh thu liên tục tăng từng năm, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đến thăm Nông Tân Hội quán của xã Tân Long. Ảnh: K.N

Nông Tân Hội quán - hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Nông Tân Hội quán ở xã Tân Long là nơi tập hợp nông dân lại với nhau, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Từ khi thành lập đến nay, thành viên của Hội quán được tập huấn nhiều chuyên đề trồng cây ăn trái, kỹ thuật trồng xoài, ớt, mít; cách xử lý xoài ra hoa trái vụ và được tiếp cận chính sách hỗ trợ của tỉnh về tích tụ ruộng đất, vay vốn...

Qua thời gian hoạt động, Hội quán đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân địa phương. Ông Phạm Ngọc Hùng – Phó Chủ nhiệm Nông Tân Hội quán cho biết: “Để nguồn hàng trái cây tiếp cận với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Hội quán đang triển khai trồng trên 15ha xoài theo hướng VietGAP và đăng ký mã vùng, mã vạch. Chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp chính quyền, nhà khoa học và doanh nghiệp để Hội quán sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên”.

Tuyến đường “ Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - an ninh trật tự”

Đây là một trong những mô hình đã được triển khai hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Thanh Bình. Mô hình được triển khai từ năm 2017, do linh mục Nguyễn Văn Ký – Chánh sở họ đạo Fatima Tân Quới vận động giáo dân thực hiện. Mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, từ 9 hộ dân tham gia ban đầu đến nay toàn dân ấp Trung, xã Tân Quới đã tham gia thực hiện với tổng chiều dài gần 2km.

Linh mục Nguyễn Văn Ký chia sẻ, mô hình này đã góp phần làm thay đổi cuộc sống ở làng quê, không còn là những con đường tối tăm, nguy hiểm. Ánh điện sáng xua đi bóng tối, xóa dần tệ nạn xã hội, trộm cắp không còn, trẻ con vui chơi dưới ánh điện sáng, Nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn. Có thể nói, mô hình có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, đồng thời khẳng định vai trò của giáo dân trong việc đảm nhận những việc mới, việc khó và cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.

Xóm đạo bình yên

Mô hình Xóm đạo bình yên do Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thanh Bình phát động và triển khai đầu tiên cho bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở ấp 2, xã Phú Lợi vào năm 2016. Định kỳ mỗi tháng, Ban chỉ đạo mô hình tổ chức sinh hoạt 1 lần, mỗi lần đều có chủ đề riêng, gắn với kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Ban chỉ đạo mô hình còn tổ chức giao lưu văn nghệ, thi hái hoa dân chủ, tìm hiểu ý nghĩa lịch sử quê hương... Qua thời gian sinh hoạt, kiến thức pháp luật của người dân được nâng lên đáng kể, chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Triều - Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Phú Lợi chia sẻ: “Qua sinh hoạt mô hình, tôi thấy tình làng nghĩa xóm ngày càng được vun đắp, không còn “chuyện đèn nhà ai nấy sáng, chuyện nhà ai nấy lo” như trước, quan trọng hơn là tình cảm giữa đồng bào theo đạo và không theo đạo ngày càng thêm thắt chặt”. Ông Nguyễn Thanh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lợi cho biết: “Mô hình hoạt động đã tạo được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, tình hình an ninh trật tự ở địa phương rất ổn định”.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Nhận thấy lợi ích thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, nhiều người dân ở huyện Thanh Bình đã đóng góp công sức, chung tay cùng chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng quê hương Thanh Bình ngày một phát triển. Trong đó, điển hình là ông Nguyễn Văn Chinh ngụ khóm Tân Đông A, thị trấn Thanh Bình. Ngay khi biết địa phương triển khai làm đê bao khép kín để giúp nông dân thuận lợi trong sản xuất, nâng cao thu nhập gắn với làm lộ nông thôn, ông Chinh không chần chừ, mạnh dạn tuyên bố: “Việc làm đê bao khép kín và làm đường mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân mình, gia đình tôi sẽ tiên phong hiến đất để Nhà nước làm đê bao và làm đường”. Và thực tế, gia đình ông đã hiến 3.000m2 đất đang canh tác lúa để làm đê bao gắn với lộ làng nông thôn tại Tổ 1, Ấp 1, xã Bình Tấn - một trong những xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Đi làm thuê về làm chủ

Thông qua vận động lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đến nay, huyện Thanh Bình đã có nhiều cá nhân đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập khá tốt, điển hình là anh Lã Thanh Vân (SN 1991) ngụ ấp 3, xã Bình Tấn. Trước đây, hoàn cảnh gia đình anh vô cùng khó khăn, không có việc làm ổn định, qua sự vận động, định hướng của địa phương, anh Vân mạnh dạn đăng ký đi làm việc có thời hạn tại Nhật từ tháng 11/2016 - 11/2019, công việc là hàn tiện.

Anh Vân phấn khởi cho biết: “Nhờ đi lao động ở nước ngoài mà gia đình tôi có cuộc sống khấm khá hơn. Do là lao động phổ thông nên thu nhập của tôi không nhiều như những người khác, bình quân chỉ khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng. Nhưng nhờ siêng năng và chi tiêu vén khéo nên sau 3 năm tôi đã trả hết nợ vay và còn tích lũy được hơn 400 triệu đồng. Tôi đã cất nhà mới khang trang và mở cơ sở kinh doanh (hàn tiện, tủ nhôm), cuộc sống hiện nay rất tốt”.

KIM NGÂN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/nhung-dien-hinh-tieu-bieu-duoc-det-nen-tu-y-dang-hop-long-dan-92738.aspx