Những diễn biến bất ngờ sau khi bầu 'tân' Chủ tịch HĐQT Eximbank

Sau khi ngân hàng Eximbank bầu 'tân' Chủ tịch HĐQT, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã yêu cầu HĐQT Eximbank giải trình về cuộc họp ngày 20/5 có tuân thủ theo đều lệ Eximbank hay không...

Sau khi ngân hàng Eximbank bầu "tân" Chủ tịch HĐQT, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã yêu cầu HĐQT Eximbank giải trình về cuộc họp ngày 20/5 có tuân thủ theo đều lệ Eximbank hay không...

Điều này đồng nghĩa với việc SMBC không thừa nhận chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Cao Xuân Ninh, chức danh Quyền Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Cảnh Vinh. Đã có cổ đông khác khởi kiện ra Tòa để yêu cầu đình chỉ các quyết định trong cuộc họp ngày 20/5/2019, đồng nghĩa với việc đề nghị đình chỉ chức danh Chủ tịch của ông Cao Xuân Ninh, quyền Tổng giám đốc của ông Nguyễn Cảnh Vinh.

Trong một diễn biến khác, ông Cao Xuân Ninh và ông Trần Ngọc Dũng (Trưởng Ban kiểm soát) đã cùng ký thư mời một số cổ đông do ông Ninh “lựa chọn” họp vào chiều ngày 17/6/2019 để “chia sẻ kết nối” giữa các bên. Như vậy, không phải tất cả các cổ đông đều bình đẳng, đều được ông Cao Xuân Ninh “lựa chọn” để “kết nối”. Trước cuộc họp Đại hội đồng cổ đông không thành ngày 26/4/2019, ông Lê Minh Quốc cũng đã mời một số “cổ đông quan trọng” họp để chuẩn bị cho Đại hội, Tuy nhiên, chính ông Quốc lại đưa ra ý kiến hoãn đại hội. Sau buổi họp chuẩn bị với ông Quốc, nhiều “cổ đông quan trọng” đã không có mặt nên Đại hội không thành. Nhiều “cổ đông quan trọng” nay lại tiếp tục được ông Cao Xuân Ninh lựa chọn để “chia sẻ kết nối”.

Sinh năm 1962, trước khi tham gia HĐQT Eximbank, ông Ninh là Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM, Giám đốc Chi nhánh Vietcombank. Là người của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện cho cổ đông, trong đó có Vietcombank đi họp Đại hội cổ đông 2015 với hơn 10% vốn cổ phần, có thông tin cho rằng ông Ninh sẽ được đề cử làm Chủ tịch HĐQT.

Câu chuyện bất ngờ đầu tiên của ông Cao Xuân Ninh liên quan đến ông Lê Minh Quốc. Kết quả kiểm phiếu thể hiện ông Quốc chỉ đạt 45,76 % phiếu bầu, không trúng cử thành viên HĐQT. Ngay sau đó, ông này vào phòng kiểm phiếu sửa lại phiếu bầu của mình giúp ông Quốc đạt 58,11%, trúng cử thành viên HĐQT. Bất ngờ tiếp theo là ông Cao Xuân Ninh không được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Chính người được ông Cao Xuân Ninh “cứu”, ông Lê Minh Quốc được bầu làm Chủ tịch.

Không được bầu làm Chủ tịch, chỉ hơn 3 tháng sau, tháng 4/2016, ông Cao Xuân Ninh lại bất ngờ xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT. HĐQT chấp nhận đơn xin từ nhiệm của ông Cao Xuân Ninh để trình Đại hội cổ đông. Tuy nhiên, việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Cao Xuân Ninh đã không được đưa ra Đại hội cổ đông để quyết định.

Tháng 3/2019, ông Cao Xuân Ninh cùng nhiều thành viên HĐQT khác triệu tập họp HĐQT và bất ngờ quyết định miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc, bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT. Eximbank dậy sóng khi ông Lê Minh Quốc cho rằng quyết định của HĐQT không hợp pháp, khởi kiện ra tòa và Tòa tạm dừng thực hiện quyết định này. Ông Cao Xuân Ninh cùng các thành viên tham gia quyết định trở thành bị đơn tại Tòa. Nhằm thoát khỏi vụ kiện, ông Cao Xuân Ninh cùng 4 thành viên khác đã rất “cao tay” khi tiếp tục triệu tập họp HĐQT với dự kiến chấm dứt quyết định cũ đang bị kiện, làm các thủ tục chặt chẽ để ra quyết định mới miễn nhiệm ông Quốc và bầu bà Tú làm Chủ tịch.

Không còn cách nào khác, ông Lê Minh Quốc xin từ nhiệm. Điều vô cùng bất ngờ là ông Cao Xuân Ninh đã được bầu làm Chủ tịch trong cuộc họp ngày 20/5/2019 do ông Lê Minh Quốc triệu tập. Với tư cách Chủ tịch, ông Cao Xuân Ninh ban hành rất nhiều nghị quyết của HĐQT. Theo Điều lệ Eximbank, Thông báo mời họp HĐQT phải được gửi trước 5 ngày làm việc kèm theo tài liệu họp và phiếu biểu quyết cho các thành viên. Ngày 18/5/2019 (thứ Bảy), ông Lê Minh Quốc có thông báo mời họp vào ngày 20/5/2019 mà không kèm theo các tài liệu và phiếu biểu quyết theo quy định cho các thành viên.

Cho đến nay, không có thông tin để xác định ông Cao Xuân Ninh có còn là người của Ngân hàng Nhà nước hay không. Nếu ông Cao Xuân Ninh vẫn là công chức của Ngân hàng Nhà nước, thì ông Cao Xuân Ninh có đại diện cho Ngân hàng Nhà nước hay Vietcombank tại Eximbank hay không. Nếu ông Ninh còn là công chức, Ngân hàng Nhà nước có đồng ý và có ủng hộ ông Cao Xuân Ninh làm Chủ tịch Eximbank hay không, dựa trên cơ sở pháp lý nào. Điều khó hiểu là Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có quyết định gì về các sự kiện xảy ra tại Eximbank, về chức danh Chủ tịch của ông Cao Xuân Ninh.

Không thể coi các lùm xùm tại Eximbank là tranh chấp nội bộ, các vi phạm nếu có xảy ra tại Eximbank xâm hại đến lợi ích của các cổ đông, ảnh hưởng đến khách hàng và cả ngành ngân hàng. Các vấn đề quản trị, điều hành tại Eximbank cần phải được thực hiện đúng pháp luật và được cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, xử lý ngay nếu có sai phạm. Rất nhiều vụ án lớn đều xuất phát từ các sai phạm trong quá trình quản trị, điều hành ngân hàng.

Nếu không có hành động kiên quyết để làm rõ trắng đen, không biết sẽ còn những bất ngờ gì sẽ xảy ra tại Eximbank.

Văn Thanh

Theo Chứng Khoán Việt Nam

Theo NĐT

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/kinh-doanh/nhung-dien-bien-bat-ngo-sau-khi-bau-tan-chu-tich-hdqt-eximbank-a280168.html