Những điểm ưu việt của bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên

Chiều 10-3, Báo Lao Động phối hợp với các đơn vị biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa (SGK) Cánh Diều tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề 'Sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6: Những điểm ưu việt của bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên'.

Dự buổi tọa đàm có đại diện chủ biên các chương trình, các nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.

Theo hiện lộ trình đổi mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã công bố phê duyệt danh mục 32 sách giáo khoa lớp 2, 40 sách giáo khoa lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021-2022 để các địa phương lựa chọn. Đối với lớp 2, mỗi môn Tiếng Việt, Toán, Đạo Đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 3 SGK được phê duyệt; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 SGK. Đối với lớp 6, mỗi môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và Hướng nghiệp có 3 SGK; môn Tin học có 2 sách và Tiếng Anh có 8 SGK được phê duyệt.

PGS, TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Tô Thế

PGS, TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Tô Thế

Ngoài ra, với SGK lớp 1 mới, việc lựa chọn là do giáo viên và nhà trường thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tuy nhiên, từ năm 2021, quyền chọn lựa SGK sẽ chuyển giao cho lãnh đạo các địa phương, theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Hiện các địa phương đang gấp rút xây dựng kế hoạch lựa chọn sách và tập huấn cho giáo viên.

Là những người đã dành nhiều tâm huyết khi biên soạn bộ sách, PGS,TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018; Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 - Bộ Cánh Diều chia sẻ: Bất kỳ cuốn sách nào cho dù đã thử nghiệm nhưng khi đi vào cuộc sống mới là thước đo cao nhất. Đây là trách nhiệm nặng nề nhưng phải có niềm tin để hoàn thành việc đó.

Đối với môn Tiếng Việt cần được hiện thực xuất phát từ những hiện thực của cuộc sống, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, lựa chọn thứ ngôn ngữ trong sáng dễ hiểu, văn bản gần gũi thiết thực với học sinh. Một mặt phản ánh thực tế sinh động tâm lý lứa tuổi, mặt khác cung cấp vốn hiểu biết văn học, khi tốt nghiệp học sinh có được vốn hiểu biết văn hóa dân tộc.

Sách Toán và Ngữ văn lớp 6-bộ Cánh Diều.

Còn PGS, TS Mai Sĩ Tuấn, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 – bộ Cánh Diều cho biết: Đối với bộ SGK tích hợp, khi làm chương trình, chúng tôi đã bàn luận xây dựng môn Khoa học tự nhiên là môn tích hợp, còn Địa lý và Lịch sử là môn học phối hợp. Ở Việt Nam, đây là môn học đầu tiên tích hợp, vì vậy để giáo viên có thể dạy được là một thách thức rất lớn. Việc viết sách lần này là mới và rất vất vả. Đây không còn là trách nhiệm mà còn cần có tình yêu thực sự với giáo dục mới có thể vượt qua.

Tại buổi tọa đàm, các khách mời cũng chia sẻ, bàn luận các vấn đề về việc lựa chọn bộ sách phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và điều kiện tổ chức dạy-học của mỗi địa phương. Đồng thời, đưa ra các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy chủ trương xã hội hóa, xóa độc quyền SGK, tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội, tạo môi trường cạnh tranh trong biên soạn, xuất bản SGK. Các khách mời cũng đề cập đến vấn đề lựa chọn sách giáo khoa sao đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật, vì mục tiêu bộ sách giáo khoa tốt sẽ đến được với học sinh.

NGUYỄN HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nhung-diem-uu-viet-cua-bo-sach-giao-khoa-xa-hoi-hoa-dau-tien-653748