Những điểm sáng hy vọng

Những ngày gần đây, một số nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm kinh tế Mỹ, đã xuất hiện các tín hiệu phục hồi tích cực. Những tín hiệu này được xem là 'điểm sáng hy vọng' trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu đang u ám bởi tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Những ngày gần đây, một số nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm kinh tế Mỹ, đã xuất hiện các tín hiệu phục hồi tích cực. Những tín hiệu này được xem là “điểm sáng hy vọng” trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu đang u ám bởi tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Số liệu thống kê và các đánh giá mới nhất của giới chuyên gia cho thấy kinh tế toàn cầu nói chung, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng đã xuất hiện những điểm sáng tích cực. Tại Ô-xtrây-li-a, tiêu dùng đang được kỳ vọng là một động lực tăng trưởng khả quan của nền kinh tế. Giới phân tích dự báo, người tiêu dùng Ô-xtrây-li-a sẽ chi hơn 37,5 tỷ USD mua sắm trong dịp Giáng sinh. Theo đó, các nhà bán lẻ của “xứ sở chuột túi” có khả năng bội thu lớn cho đợt bán hàng cao điểm cuối năm 2020. Theo thống kê, doanh số bán hàng trực tuyến của Ô-xtrây-li-a trong tháng 11 đã tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng cao hơn 17% so với tháng 10-2020, đạt mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, quý III năm nay, kinh tế Niu Di-lân đã tăng trưởng kỷ lục 14% so với quý II. So với cùng kỳ năm 2019, GDP của Niu Di-lân tăng 0,4%.

Tín hiệu phục hồi cũng đã xuất hiện rõ nét hơn tại một số nền kinh tế Ðông - Nam Á. Tại Xin-ga-po, thị trường lao động đã khả quan hơn trong quý III vừa qua khi số việc làm của công dân Xin-ga-po và người nước ngoài có tư cách lưu trú dài hạn đã tăng 43.200 lên 2,34 triệu việc làm, chỉ thấp hơn 0,4% so với 2,35 triệu việc làm của cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tổng thể được điều chỉnh của Xin-ga-po trong tháng 9 tăng lên 3,6%, nhưng tốc độ này chậm hơn so với những tháng trước đó. Các nền kinh tế In-đô-nê-xi-a, Thái-lan cũng cho thấy tín hiệu khả quan sau một thời kỳ suy giảm nghiêm trọng. Bộ trưởng Ðiều phối các vấn đề Kinh tế In-đô-nê-xi-a cho biết, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý IV dự báo có thể dao động trong phạm vi từ âm 2% đến 0,6% nhờ động lực phục hồi bắt đầu từ quý III. Giới phân tích cho rằng, kinh tế In-đô-nê-xi-a đã bắt đầu phục hồi, sau khi chạm đáy. Tại Thái-lan, Quyền Tổng Giám đốc Văn phòng Chính sách Tài khóa cuối tuần qua cho rằng, kinh tế Thái-lan có thể suy giảm ít hơn mức 7,7% dự báo hồi tháng 10 nhờ các điều kiện kinh tế đang được cải thiện. Theo đó, GDP của Thái-lan trong quý III giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn nhiều so với mức giảm 12,1% trong quý II - 2020. Sau khi điều chỉnh các yếu tố thời vụ, kinh tế Thái-lan đã tăng trưởng 6,5% trong quý III - 2020.

Tại một số nước phát triển như Anh, Mỹ, bức tranh kinh tế cũng đã bớt u ám. Kinh tế Anh dự báo sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ kể từ quý II - 2021, khi các biện pháp hạn chế để phòng dịch được nới lỏng và nhu cầu tiêu dùng được phục hồi. Nền kinh tế Mỹ cũng đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Sau khi Chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh giá rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2021 và 3,2% trong năm 2022, cao hơn so với những dự báo đưa ra hồi tháng 9. Giới chức FED cũng vừa hạ mức dự báo suy giảm kinh tế Mỹ trong năm 2020 từ mức 3,7% (được đưa ra trong tháng 9) xuống mức 2,4%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng được điều chỉnh giảm xuống 5% vào năm 2021 và 4,2% trong năm 2022, cải thiện so với các mức dự báo trước đó. Hiện tại, các nghị sĩ Mỹ đang chạy đua với thời gian để vừa thông qua gói cứu trợ trị giá 900 tỷ USD vừa phê chuẩn dự luật ngân sách liên bang trước khi Quốc hội Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới. Giới phân tích cho rằng, gói hỗ trợ kinh tế 900 tỷ USD là hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp và người thất nghiệp, đồng thời sẽ là “liều thuốc tăng lực” để đưa nền kinh tế Mỹ trở về quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2021.

Những tín hiệu tích cực nêu trên đang thắp lên hy vọng về việc kinh tế thế giới phục hồi khả quan trong năm 2021, đồng thời củng cố nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đầu tháng 12 vừa qua rằng, nền kinh tế toàn cầu có thể trở lại mức trước đại dịch Covid-19 vào cuối năm sau.

Hà Việt

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/nhung-diem-sang-hy-vong-629007/