Những điểm sáng của ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh năm 2018

Nhờ những biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, năm 2018, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã duy trì nhịp tăng trưởng cao trên mọi lĩnh vực, từ công nghiệp, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước… Tất cả tạo nên nội lực dồi dào cho thành phố bước vào thực hiện các nhiệm vụ mới trong năm 2019.

Phát triển đồng bộ mọi lĩnh vực

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2018 ước tăng 8,15% so với năm 2017, trong khi mức tăng của năm 2017 là 7,9%. Trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến ước tăng 8,37%, 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 9,25%, gấp 1,13 lần mức tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp.

Ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã có một năm thành công

Về ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 38,32 tỷ USD, tăng 7,8%. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch ước đạt 36,1 tỷ USD, tăng 11,1%. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh ước thực hiện 47,33 tỷ USD, tăng 9,3%.

Về thị trường trong nước, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố này ước đạt 1.045.789 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 676.708,39 tỷ đồng, chiếm 64,7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 13,8%.

Theo ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương - cho biết, động lực phát triển thị trường bán lẻ thành phố đến từ hai yếu tố cốt lõi, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng của thành phố nói riêng và cả nước luôn giữ được mức cao.

“Tình hình thị trường trong nước đang trên đà tăng trưởng tốt so với năm 2017, qua đó góp phần bù đắp sự tăng trưởng chưa bền vững của thị trường xuất khẩu do những biến động khó lường của thương mại quốc tế, đồng thời tạo động lực đòn bẩy để kích thích sản xuất trong nước, nhất là đối với những doanh nghiệp sản xuất những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu” - ông Kiên nhấn mạnh.

Tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh vừa diễn ra, đánh giá về kết quả đã đạt được, ông Lê Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - nhận định, năm 2018, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 8,3% so với cùng kỳ. “Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của ngành Công Thương, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của thành phố” - ông Liêm khẳng định.

Cũng theo ông Liêm, ngành Công Thương còn phát huy hiệu quả các chương trình, tiêu biểu như Chương trình bình ổn thị trường đã đi vào chiều sâu và quan tâm đến chất lượng hàng hóa. Chương trình kết nối cung cầu ngày càng đổi mới, mở rộng, không chỉ kết nối hàng hóa đặc trưng vùng miền mà còn kết nối thêm sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn tiêu biểu...

Nhìn thẳng vào thực trạng

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển sản xuất - kinh doanh của ngành Công Thương thành phố trong năm 2018 cũng gặp nhiều trở ngại.

Phân tích thẳng thắn những vấn đề còn tồn tại, ông Phạm Thành Kiên cho biết, sản xuất công nghiệp nói chung và 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng có sự phát triển tương đối tốt nhưng còn chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của thành phố.

Hơn nữa, chi phí đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố khó tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp trong các khu công nghiệp để đầu tư, mở rộng sản xuất.

Mặc khác, công tác quản lý thị trường tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp giữa các ngành chức năng về kiểm tra, kiểm soát và xử phạt các hành vi vi phạm, đảm bảo sự thực thi pháp luật và qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa, nhưng tình trạng sản xuất kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng còn diễn biến ngày càng phức tạp.

Thương mại điện tử tuy phát triển, nhưng chưa có giải pháp quản lý nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ giao nhận, thanh toán.

Đồng thời, do tác động của chính sách bảo hộ thương mại Hoa Kỳ và cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố trong năm 2018 chưa có bứt phá.

Năm 2019 - Những mục tiêu mới

Với tiền đề được tạo dựng từ năm 2018, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh đang tự tin bước vào thực hiện những nhiệm vụ mới cho năm 2019. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương - cho biết, năm tới, ngành Công Thương sẽ tập trung vào mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Đồng thời, nâng cao sự đóng góp của khoa học và công nghệ vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Mặt khác, “Sở sẽ tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới” - ông Đông cho hay.

Năm 2019, thành phố đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 8 - 8,2%; trong đó IIP bốn ngành trọng yếu tăng 8,2-8,4% so với năm 2018.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12% so với năm 2018. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) của các doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước phấn đấu tăng 11%.

Để đạt được mục tiêu đó, thành phố sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, sẽ giới thiệu, kết nối doanh nghiệp với các quỹ tín dụng của thành phố; phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố tiếp tục triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Sở Công Thương chủ động đề xuất thành phố tổ chức kết nối dành cho các đối tượng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Thế Vĩnh - Nguyễn Phượng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-diem-sang-cua-nganh-cong-thuong-tp-ho-chi-minh-nam-2018-114111.html