Những điểm nổi bật trong Luật Dầu khí mới của Nigeria và kinh nghiệm cho Việt Nam

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari hồi tháng 8 vừa qua đã chính thức ký ban hành luật mới về điều chỉnh trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Trước đó, trong tháng 7, dự luật đã được cả hai viện của Quốc hội Nigeria thông qua sau hơn một thập kỷ được đưa ra thảo luận và sửa đổi nhiều lần do bất đồng về các điều khoản giữa chính phủ và các công ty dầu mỏ lớn hoạt động trong nước, cũng như giữa các cơ quan hành pháp và các khóa Quốc hội trước đó.

Là thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), quốc gia khai thác dầu thô hàng đầu châu Phi đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí.

Luật dầu khí vừa được ban hành của Nigeria nhằm cung cấp khuôn khổ pháp lý và ngân sách cho ngành khí đốt và dầu mỏ của Nigeria, đặc biệt là thông qua hệ thống thuế được quản lý chặt chẽ hơn, tái phân phối của cải tốt hơn và chuyển đổi công ty dầu khí quốc gia thành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nigeria (NNPC).

Được biết, sản lượng khai thác dầu của Nigeria hiện ở ngưỡng 1,9 triệu thùng dầu/ngày.

Doanh thu từ lĩnh vực năng lượng của Nigeria đóng góp phần lớn vào dự trữ ngoại hối và khoảng một nửa ngân sách nhà nước.

Trước đó, NNPC cũng đã kêu gọi Quốc hội Nigeria giảm tỷ lệ chia sẻ quyền lợi dầu mỏ dành cho cộng đồng ở các khu vực khai thác xuống còn 2,5%.

Người đứng đầu NNPC, ông Mele Kyari, đã kêu gọi Quốc hội giảm tỷ lệ chia sẻ quyền lợi dầu mỏ, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo cam kết sẽ nhanh chóng thông qua dự luật công nghiệp dầu khí được chờ đợi từ lâu.

Ông Kyari cảnh báo rằng, tỷ lệ phân chia sản phẩm quá cao sẽ khiến các công ty dầu mỏ lớn không còn “mặn mà” với thị trường Nigeria, để lại khoảng trống mà các nhà sản xuất nội địa khó có thể lấp đầy.

Trong số các sửa đổi, Hạ viện Nigeria đã tăng tỷ lệ lợi tức dầu mỏ cho cộng đồng trong khu vực khai thác từ 2,5% lên 5%, còn Thượng viện phê chuẩn ở mức 3%. Trong khi đó, cộng đồng ở các khu vực khai thác dầu yêu cầu quyền lợi 10%.

Các chuyên gia cho rằng, luật dầu khí mới chính thức được ban hành mang ý nghĩa rất quan trọng để Nigeria thu hút nguồn đầu tư toàn cầu đang bị thu hẹp khi các công ty lớn tìm cách cắt giảm chi tiêu cho khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Tại Việt Nam, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh (hoàn thiện thể chế), tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021, Quốc hội Khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã ban hành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về Luật Dầu khí (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Các chuyên gia cho rằng Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu, điều chỉnh ở các văn bản pháp lý liên quan như: Luật Dầu khí (do Bộ Công Thương tổng hợp, đánh giá, dự thảo, báo cáo Chính phủ để xem xét, trình Quốc hội thảo luận, thông qua), các nghị định của Chính phủ (hướng dẫn thi hành các Luật Dầu khí sau khi được Quốc hội thông qua và ban hành), các thông tư hướng dẫn thực hiện hoặc các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho những trường hợp đăc biệt (nội dung mà các văn bản luật, dưới luật không điều chỉnh hết).

Là doanh nghiệp Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang gặp khó khăn rất lớn trong quá trình triển khai các dự án liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư giữa Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 không bao gồm quy định về đầu tư đối với dự án dầu khí trong nước. Trong khi đó, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (số 69/2014/QH13) quy định doanh nghiệp phải có quyết định đầu tư (hoặc quyết định tương đương) khi xem xét việc sử dụng vốn để đầu tư vào dự án.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-diem-noi-bat-trong-luat-dau-khi-moi-cua-nigeria-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam-636849.html