Những điểm 'nhất' - 'bất ngờ chưa' của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 tại Hà Nội

Trong một thời gian rất ngắn, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội. Để có những ngày qua, Việt Nam thực sự đã dành nhiều nỗ lực cho các hoạt động ngoại giao, góp phần vào công cuộc mang lại hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Dưới đây là những điểm "đáng nể" nhất trong những ngày vừa qua:

Thời gian chuẩn bị rất ngắn, chưa tới 10 ngày

Tổng thống Mỹ D. Trump đưa ra tuyên bố tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội là ngày mùng 6 trong Thông điệp liên bang và đưa lên tweet vào mùng 8. Chưa tới 10 ngày, Việt Nam phải hoàn tất các công việc chuẩn bị.

Về mặt này, Việt Nam còn gặp một điều khó. Đó là các bên yêu cầu chúng ta tổ chức cho nên rất nhiều thông tin do yêu cầu của phía Triều Tiên và Hoa Kỳ, Việt Nam phải giữ kín và có nhiều việc không được biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục đôn đốc các công việc. Ảnh: Nam Nguyễn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục đôn đốc các công việc. Ảnh: Nam Nguyễn

Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước liên tục chỉ đạo trực tiếp, tổ chức các cuộc họp liên ngành, địa phương; đoàn kiểm tra, đi thị sát… Riêng Trung tâm báo chí Quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tới 3 lần để đảm bảo cơ sở hạ tầng, phục vụ ăn uống… cho các phóng viên thoải mái tác nghiệp như tại đất nước mình.

Vừa thời gian gấp gáp, vừa thiếu thông tin, quy mô tổ chức sự kiện lại rất lớn nhưng Việt Nam đã rất nỗ lực để hội nghị diễn ra thành công, không xảy ra một sơ xuất nào lớn.

Số lượng phóng viên quốc tế tới Việt Nam hùng hậu nhất, chỗ nào cũng có thể là trường quay dã chiến

Khoảng 2.600 phóng viên nước ngoài đã tới tác nghiệp tại Việt Nam trong dịp Hội nghị thượng đỉnh, con số này cao hơn rất nhiều so với 1.000 phóng viên nước tham gia đưa tin Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng hồi năm 2017.

Rất nhiều hãng tin lớn đã dựng trường quay trong Trung tâm báo chí quốc tế hoặc các trường quay dã chiến ngoài trời. Họ thuê các địa điểm trên nóc khách sạn, hành lang các quán cà phê... của Hà Nội.

Hậu cảnh của một kênh truyền hình nước ngoài trên nóc khách sạn Việt Nam, phía sau chúng ta có thể thấy những hình ảnh quen thuộc của Hà Nội: các tòa nhà đang được xây dựng.

Không chỉ đài MBC của Hàn Quốc, nhiều đài khác cũng đã tận dụng các khách sạn để làm trường quay dã chiến với hậu cảnh là những hình ảnh quen thuộc của người dân Hà Nội như các công trình cao tầng đang được xây dựng, Hồ Gươm thân quen...

Trên nhiều đường phố, người dân có thể chứng kiến các phóng viên tác nghiệp hiện trường rất chuyên nghiệp. Một phóng viên của kênh truyền hình Mỹ có thể "talk" – dẫn chương trình trong vòng 30 phút mà không cần máy chạy chữ ngay trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Chắc chắn, sau hội nghị này, nhờ các nhà báo mà rất nhiều người dân trên thế giới sẽ biết tới một đất nước Việt Nam thân thiện, hiền hòa, mến khách và không còn chiến tranh!

Huy động một lực lượng lớn công an, quân đội, các bộ ngành, địa phương

Chưa tới 10 ngày , chúng ta ngày huy động một lực lượng rất lớn công an, quân đội, các bộ ngành, TP Hà Nội, các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh...

Hội nghị lần này không chỉ diễn ra hoạt động giữa 2 nước Mỹ- Triều Tiênmà còn là dịp lãnh đạo cấp cao của Mỹ, Triều Tiên hội kiến, thăm chính thức hữu nghị với Việt Nam. Việc chuẩn bị các khâu hậu cần, nội dung giữa các buổi làm việc, ký kết… rất nhiều. Phái đoàn của Triều Tiên đã đi thăm nhiều nơi của Việt Nam như Hạ Long, Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Hải Dương để giới thiệu về các thành phố và kinh nghiệm phát triển của Việt Nam.

Các lực lượng cùng vào cuộc để đảm bảo an ninh, an toàn cho các hoạt động của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Ảnh: Nam Nguyễn

Các tuyến đường thông suốt chở Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sang thăm Việt Nam. Do đi bằng đường bộ, trong một đêm 25/2, các đơn vị đã rải thảm xong những đoạn đường gồ ghề đoạn Lạng Sơn – Bắc Giang.

Trong đoạn đường dài 170km đó, khó đi nhất là đoạn từ Lạng Sơn về Bắc Giang dài 94,4km với nhiều đèo dốc, khúc cua nguy hiểm. Đó là chưa kể đến những đoạn đường đang được nhà thầu thi công, gồ ghề, khó đi.

Ngoài ra, lực lượng công binh cũng sử dụng thiết bị chuyên dụng dò mìn khắp mọi vị trí dọc tuyến đường, từng chi tiết nhỏ ở vệ cỏ, bụi cây ven đường đều được kiểm tra kỹ lưỡng.

Nhà lãnh đạo không hề lạnh lùng mang tên Kim Jong-un

Trước nay giới truyền thông luôn đưa hình ảnh Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un như là một nguyên thủ lạnh lùng, khó gần. Nhưng thật bất ngờ, ngay khi tới ga Đồng Đăng, Lạng Sơn, Chủ tịch Kim Jong-un đã nở nụ cười thật tươi trước quan chức hai nước và truyền thông. Không những vậy, Nhà lãnh đạo trẻ tuổi này còn mở cửa kính ô tô để vẫy tay chào người dân Lạng Sơn đang đứng hai bên đường.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un luôn nở nụ cười khi tới Việt Nam. Ảnh: Zing.vn

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, người dân trên toàn thế giới cũng chứng kiến Nhà lãnh đạo này luôn nở nụ cười rất tươi dù ngồi hội đàm hay đi dạo cùng Tổng thống Mỹ D. Trump trong khuôn viên khách sạn.

Ông dường như cũng là một chính khách vô cùng thân thiện khi tập sử dụng nhạc cụ dân tộc Việt Nam một cách hào hứng trong buổi chiêu đãi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Và trên đường về, tại ga Đồng Đăng, một lần nữa, ông lại vẫy tay chào người dân và báo chí với nhiều hình ảnh gần gũi được báo chí chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung trong một lần trả lời báo chí cho hay, chúng ta đã có kinh nghiệm các hội nghị quốc tế, đất nước có an ninh, an toàn, ổn định chính trị đó là điều kiện hết sức quan trọng, nhân dân hết sức ủng hộ, người dân rất hoan nghênh phấn khởi và cũng rất tự hào Việt Nam được chọn đứng ra tổ chức hội nghị lần 2.

Trong 15 tháng, Tổng thống Mỹ D. Trump sang Việt Nam 2 lần

Không kém gì Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ D. Trump cũng rất hào hứng trong chuyến sang Việt Nam lần này.

Ông liên tục viết các dòng tweet trên mạng xã hội ca ngợi Việt Nam. Trong các tuyên bố trước, trong và sau hội nghị, Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Kim Jong-un cũng đều đánh giá cao, cảm ơn về công tác chuẩn bị của Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống D. Trump. Ảnh: Tuổi trẻ

Đây là lần thứ 2 ông sang Việt Nam. Trước đó là vào tháng 11/2017, Tổng thống D. Trump có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tại Hà Nội sau khi tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Như vậy, sau 15 tháng, một nguyên thủ của Mỹ đã có 2 chuyến công du tới Việt Nam.

Tặng nhiều tour du lịch miễn phí nhất tới phóng viên đưa tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều

Nhận định hội nghị là cơ hội vàng cho du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam đã tặng các tour du lịch miễn phí tới nhà báo trong nước và quốc tế. Ngay trong hội nghị, nhiều nhà báo được đưa đi khám phá các tour quanh Hà Nội, Ninh Bình. Kết thúc Hội nghị, nhiều doanh nghiệp tặng vé máy bay, phòng khách sạn tại các resort cao cấp trên cả nước để phóng viên quốc tế có thể trải nghiệm trong những ngày lưu trú tại Việt Nam.

Thông điệp một Việt Nam hiền hòa, thân thiện, mến khách và không còn chiến tranh chắc chắn sẽ được truyền thông trên nhiều hãng thông tấn thế giới. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Và ngay tại Trung tâm báo chí quốc tế, các phóng viên đã được thưởng thức 120 món ngon, đặc sản của Việt Nam và Hà Nội như phở, bún thang, xôi khúc, cà phê trứng… Nhiều phóng viên quốc tế cho biết, họ được nghe nhiều về ẩm thực Việt Nam và tại đây, họ được thưởng thức các món ngon như tại khách sạn 5 sao vậy.

Thái Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nhung-diem-nhat-bat-ngo-chuacua-hoi-nghi-thuong-dinh-my-trieu-lan-2-tai-ha-noi-20190305084225781.htm