Những điểm nhấn trong phiên tòa xét xử hai cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT

Ngày 25-12, phiên tòa xét xử hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng 12 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) tạm nghỉ để HĐXX nghị án. Thời gian tuyên án sẽ diễn ra vào 9h ngày 28-12.

Trong thời gian HĐXX nghỉ nghị án, chúng tôi nhìn lại những điểm nhấn trong phiên tòa xét xử vụ án này.

Cách hiểu về luật không đồng nhất của các bộ

Trong số 14 bị cáo bị truy tố thì có tới 11 bị cáo từng giữ các chức vụ lãnh đạo quan trọng của Bộ TT&TT và MobiFone. Thậm chí họ còn trải qua nhiều vị trí công tác, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm quản lý, nắm vững và chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vậy nhưng khi hầu tòa, giải thích cho hành vi vi phạm pháp luật của mình, hầu hết các bị cáo đều sử dụng chung một cụm từ: Do thiếu hiểu biết pháp luật, kiến thức chuyên môn hạn chế nên đã vi phạm mà không biết mình vi phạm.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng, khi thực hiện dự án MobiFone mua cổ phần của AVG, những người thực hiện đã lúng túng trong nhận thức về pháp luật điều chỉnh đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần giữa AVG và MobiFone. Theo đó, MobiFone là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện dự án đầu tư mua 95% cổ phần AVG với giá trị hơn 8.000 tỷ đồng thì bắt buộc phải bị điều chỉnh cùng lúc bởi 2 luật. Đó là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26/11/2014 (Luật số 69) và Luật Đầu tư ngày 26/11/2014 (Luật số 67).

Do đó, việc quyết định chủ trương đầu tư dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG buộc phải thực hiện theo quy định tại khoản 2, điều 31 - Luật số 67 thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Nếu bị điều chỉnh bởi Luật số 69 thì Bộ TT&TT sẽ là cơ quan phê duyệt dự án. Còn căn cứ Luật số 67 thì quy mô đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, cáo trạng xác định áp dụng cả Luật số 67 và Luật số 69. Tuy nhiên, tại Quyết định số 236 của Bộ TT&TT phê duyệt dự án này lại chỉ trích dẫn Luật số 69 mà không trích dẫn Luật số 67. Vậy trong Công văn số 230 ngày 16/12/2015 gửi Bộ Tài chính, Bộ TT&TT có nhận thức đây là dự án đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp theo phương thức mua 95% cổ phần của AVG là hoạt động đầu tư gián tiếp, đầu tư vốn, không phải đầu tư xây dựng cơ bản thông thường (?). Nếu hiểu như vậy thì trình tự, thủ tục thực hiện dự án sẽ phải theo quy định tại Luật số 69.

Cũng cách hiểu này nên ngày 18-12-2015, Bộ Tài chính đã có công văn trả lời Bộ TT&TT khẳng định, việc phê duyệt dự án thuộc thẩm quyền của Bộ TT&TT. Để “chắc ăn” hơn, Bộ TT&TT tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về việc phê duyệt dự án thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Bộ TT&TT ban hành Quyết định phê duyệt dự án là phù hợp với thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Bắc Son khai, tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã xác định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án phải được thực hiện theo hai Luật số 67 và Luật số 69. Vậy nhưng trong biên bản hỏi cung ngày 13-3-2019, bị cáo Nguyễn Bắc Son lại nhận thức rằng, nếu mua cổ phần thì thẩm quyền quyết định là của Bộ TT&TT, còn đầu tư dịch vụ truyền hình thì phải có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Điều đó cho thấy, người đứng đầu Bộ TT&TT là bị cáo Nguyễn Bắc Son cũng như Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư thời điểm đó đã hiểu và áp dụng pháp luật điều chỉnh về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt dự án là khác nhau.

Các bị cáo tại phiên xử.

Các bị cáo tại phiên xử.

Sự thành khẩn của các bị cáo tại phiên tòa

Quá trình xét xử vụ án này, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kêu oan mà chỉ đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, cho bị cáo được hưởng khoan hồng, áp dụng mức án thấp hơn khung hình phạt mà các bị cáo đã bị truy tố, có bị cáo đề nghị không tiếp tục cách ly họ khỏi xã hội, cho họ trở về với gia đình để tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son dù có 3 luật sư bào chữa, nhưng trong quá trình thẩm vấn còn đề nghị luật sư bào chữa cho mình không phải bào chữa về hành vi nhận hối lộ số tiền 3 triệu USD mà bị cáo đã nhận của bị cáo Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT AVG). Đến phần tranh luận, bị cáo một lần nữa đề nghị từ chối quyền bào chữa về tội vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Trương Minh Tuấn khẳng định, mức án mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo từ 14- 16 năm tù về hai tội: vi phạm quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ là xứng đáng, dù bị cáo nhận thấy, mức án này cũng đã có sự khoan hồng. Bị cáo Tuấn thừa nhận “Là con người thì không không thể tránh khỏi sai phạm. Và khi ngẫm lại sai phạm của mình thì bị cáo thấy thật là nặng nề, đáng trách. Sai phạm của bị cáo đã nêu trong cáo trạng như nhát dao chém để lại vết sẹo trong lòng bị cáo cho đến hết cuộc đời”.

Bị cáo Cao Duy Hải (cựu Tổng Giám đốc MobiFone) trải lòng, hơn 26 năm làm việc, trong đó có 4 năm hoạn nạn cùng MobiFone thật đáng trân trọng biết bao. Để xảy ra vụ án này, bị cáo biết tội và đã quay trở về để thực thi bản án lương tâm. Về bản án của tòa, bị cáo mong HĐXX xem xét bao dung, nhân ái, để bị cáo cùng 13 bị cáo khác được nhận khoan hồng và đi tiếp phần còn lại của cuộc đời. Nhiều bị cáo khác là cựu Thành viên HĐTV MobiFone và cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone khi nói lời sau cùng đều không cầm được nước mắt.

Ngoài việc mong HĐXX xem xét các tình tiết tối đa giảm nhẹ, không cách ly khỏi xã hội, các bị cáo còn đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phạm Nhật Vũ vì, bị cáo Vũ là người tín nghĩa, có trách nhiệm trong vụ án này khi khắc phục toàn bộ thiệt hại cho Nhà nước. Chính vì sự thành khẩn của các bị cáo mà phiên tòa diễn ra rất nhẹ nhàng chứ không có sự tranh luận “nảy lửa”như phiên xử những đại án kinh tế khác.

Nước mắt ân hận và nước mắt sẻ chia

Quá trình thẩm vấn và tự bào chữa tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thị Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) đã từ chối trả lời nhiều câu hỏi của các luật sư bào chữa. Bởi theo bị cáo Phương Anh, nếu trả lời câu hỏi của các luật sư ít nhiều sẽ động chạm tới quyền lợi của các bị cáo khác. Dù gì thì các bị cáo cũng đã từng là những đồng nghiệp nhiều năm công tác, từng chia ngọt sẻ bùi, từng giữ vai trò lãnh đạo cấp trên với cấp dưới. Giờ tất cả cùng hầu tòa thế này cũng là quá đau xót rồi. Bị cáo Phương Anh mong muốn sau phiên tòa này, nếu có cơ hội gặp nhau ngoài đời còn muốn nhìn mặt nhau, chào hỏi nhau...

Bị cáo Nguyễn Bắc Son và bị cáo Trương Minh Tuấn nhiều lần đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt, mở lượng khoan hồng cho các bị cáo là cựu Thành viên HĐTV và cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone vì họ vốn là những cán bộ có năng lực chuyên môn, tạo điều kiện cho họ sớm trở lại cộng đồng, tiếp tục được đóng góp cho xã hội. Khi bào chữa cho mình, bị cáo Phạm Đình Trọng (cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT) còn bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn với lý do, trong việc chấm dứt hợp đồng và thu hồi vốn, khắc phục hậu quả của vụ án, bị cáo Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo rất tích cực.

Với trách nhiệm của người từng giữ chức vụ cao nhất của MobiFone, bị cáo Lê Nam Trà đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo từng côg tác tại MobiFone bởi họ là những lãnh đạo ưu tú, đã tham gia xây dựng MobiFone từ những ngày đầu tiên. Bị cáo Trà nhấn mạnh “Bản thân bị cáo với cương vị là Chủ tịch HĐTV MobiFone nhưng đã không đủ khả năng để dẫn dắt vượt qua trước sức ép, những chỉ đạo, quyết định không đúng của dự án, khiến các bị cáo là đồng nghiệp, là cấp dưới phải ra tòa”.

Trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo, nhiều luật sư nhấn mạnh, nếu cá thể hóa từng hành vi phạm tội của các bị cáo có ý nghĩa quan trọng trong định khung hình phạt tăng nặng, giảm nhẹ thì những chia sẻ, cảm thông, những lời bào chữa của các bị cáo cho nhau như thế này không chỉ là tình cảm giữa các bị cáo mà còn mang ý nghĩa nhân văn rất lớn.

Nguyễn Hưng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-tin-113/nhung-diem-nhan-trong-phien-toa-xet-xu-hai-cuu-bo-truong-bo-tt-tt-575513/