Những điểm nhấn trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội tại Hà Nội

Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trước thời hạn hai năm, cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trước thời hạn hai năm, cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Về đích sớm hai năm trong công tác giảm nghèo

Những ngày cuối tháng 9, căn nhà đại đoàn kết của bà Dư Thị Phúc, ở xóm Nam Hòa 2, thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), thật ấm áp. Chưa đầy ba tháng trước, cũng chính tại nơi này là căn nhà cấp bốn xập xệ, dột nát, tường bong tróc, mấy cây gỗ làm trụ mái hiên cũng bị mối mọt xông. Bà Phúc thuộc diện hộ nghèo của xã, tuổi đã xế chiều, sống một mình, lại thường xuyên đau ốm, cho nên dù có muốn cải tạo, sửa chữa nhà nhưng cũng đành bất lực. Bà Phúc xúc động chia sẻ: “Nếu không có 30 triệu đồng hỗ trợ của MTTQ thành phố, 10 triệu đồng của huyện và xã tạo động lực, thì chắc giờ này tôi vẫn phải sống trong ngôi nhà cũ đó và sẽ rất lo lắng khi mùa mưa, bão tới. Sau khi có sự hỗ trợ của thành phố, của huyện và xã, anh em họ hàng, làng, xóm, mỗi người giúp một chút, cộng với chút tiền dành dụm được, tôi đã có được ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng cùng nhiều đồ gia dụng mới. Tôi rất biết ơn Nhà nước, thành phố, lãnh đạo huyện, xã, thôn và các nhà hảo tâm”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, TP Hà Nội luôn nhất quán quan điểm hỗ trợ người nghèo vươn lên dựa theo nhu cầu, hoàn cảnh, khả năng của từng cá nhân và gia đình. 5 năm gần đây, TP Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho hơn 5.600 hộ nghèo, cận nghèo. Thành phố đã yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ những giải pháp trợ giúp người nghèo và đối tượng yếu thế. Chuẩn nghèo của Hà Nội cũng được điều chỉnh theo hướng tăng cao, tạo điều kiện mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ. Từ năm 2016 đến nay, chuẩn nghèo trên địa bàn Hà Nội là 1,1 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và 1,4 triệu đồng/người/tháng ở thành thị. Thành phố trợ cấp thường xuyên 350 nghìn đồng/người/tháng tới 5.000 người già yếu không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động thuộc hộ nghèo. Đồng thời, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí tới người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người mù có hoàn cảnh khó khăn và người mắc bệnh phong. Các đối tượng này cũng được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với mức phí ưu đãi. Hiện đã có hơn 500 tỷ đồng được giải ngân. Nhờ đó, công tác giảm nghèo tại Thủ đô đã thu được những kết quả tích cực. Nếu như năm 2016, thành phố có hơn 65 nghìn hộ nghèo (chiếm 3,64% tổng dân số) thì đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,16%. So với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2% vào cuối năm 2020 trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã về đích sớm hai năm. Đến tháng 6-2020, số hộ nghèo ở Hà Nội chỉ còn chiếm tỷ lệ 0,42%. Đáng chú ý, thành phố có 10 quận, huyện, gồm: Ba Ðình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Ðông, Ðông Anh, Gia Lâm không còn hộ nghèo. Trong đó, quận Cầu Giấy và Hai Bà Trưng hiện không còn hộ nghèo và cận nghèo. Với những kết quả đạt được, Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội.

Bảo đảm an sinh xã hội

Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung đông người dân các địa phương về sinh sống, học tập và lao động. Mặc dù phải đối mặt nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa, song thành phố luôn ưu tiên đầu tư các nguồn lực, ban hành nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sống của người dân. Đến nay, hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Thủ đô ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. Thành phố còn ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định cuộc sống. Thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo, các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế, nội dung mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 được nhân dân đón nhận, đánh giá cao như hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong ba tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; hỗ trợ các giáo viên ngoài công lập gặp khó khăn khi tạm ngừng giảng dạy mùa dịch. MTTQ thành phố đã tiếp nhận hơn 100 tỷ đồng và hiện vật ủng hộ, hỗ trợ công tác chống dịch và nhanh chóng phân bổ đến các lực lượng phòng, chống dịch, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn... Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến nay, thành phố đã chi trả tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ cho gần 309 nghìn nhân khẩu thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, với kinh phí hơn 359 tỷ đồng. Các ngành, địa phương đã tổ chức xét duyệt và hỗ trợ hơn 110 nghìn người lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, với số tiền hơn 110 tỷ đồng…

Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết: giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở Hà Nội đã giảm còn 2,21%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,2%. Với nguồn lực không ngừng tăng lên và những nỗ lực trong tổ chức thực hiện, công tác an sinh xã hội ở Hà Nội ngày càng được bảo đảm tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/bhxh-va-cuoc-song/nhung-diem-nhan-trong-cong-tac-giam-ngheo-an-sinh-xa-hoi-tai-ha-noi-617967/