Những điểm nhấn của tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thế Quang

Cho đến nay, tên tuổi của Nguyễn Thế Quang không còn quá xa lạ với độc giả yêu văn chương bởi sự xuất hiện đều đặn của các tác phẩm cũng như nhiều giải thưởng đạt được.

Là một nhà giáo nghỉ hưu, sau mười năm bén duyên cùng văn chương (2010-2020), ông đã trình làng 4 tác phẩm, tất cả đều là tiểu thuyết lịch sử: "Nguyễn Du" (năm 2010); "Khúc hát những dòng sông" (năm 2012); "Thông reo Ngàn Hống" (năm 2015); "Đường về Thăng Long" (năm 2019). Tuy chưa trở thành một “hiện tượng lớn” khuấy động văn đàn, song những sáng tác của ông vẫn nhận được sự quan tâm và đánh giá tích cực từ giới sáng tác, phê bình và đông đảo độc giả.

Không những được tái bản liên tục, tác phẩm của nhà văn còn nhận nhiều giải thưởng uy tín: Giải A Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV (2005-2010) dành cho "Nguyễn Du"; Giải C Cuộc thi sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013 dành cho "Khúc hát những dòng sông"; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015, Giải thưởng văn học ASEAN năm 2016 dành cho "Thông reo Ngàn Hống". Có thể nói, trong lúc tiểu thuyết lịch sử đang nở rộ với số lượng tác giả và tác phẩm không ngừng gia tăng, Nguyễn Thế Quang và tác phẩm của ông vẫn tìm được chỗ đứng, góp một tiếng nói quan trọng trong tiến trình vận động, phát triển thể loại.

Khác với nhiều nhà văn cùng thời sáng tác về đề tài lịch sử, Nguyễn Thế Quang trong các tác phẩm của mình đều lựa chọn “lịch sử gần” để khai thác. "Nguyễn Du", "Thông reo Ngàn Hống" lấy bối cảnh thế kỷ 19 dưới sự trị vì của vương triều Nguyễn thời kỳ đầu; "Khúc hát những dòng sông", "Đường về Thăng Long" khai thác các sự kiện lịch sử diễn ra trong 50 năm đầu thế kỷ 20. Có thể thấy, so với các triều đại trong lịch sử dân tộc, đây là những thời kỳ khá gần chúng ta hôm nay. Đó vừa là lợi thế, vừa là khó khăn với ngòi bút Nguyễn Thế Quang. Do là “lịch sử gần” nên hệ thống tư liệu khá phong phú và đa dạng, đặc biệt tính chân xác, đầy đủ có thể kiểm chứng và bảo đảm. Tuy vậy, nhà văn cũng gặp không ít thử thách, bởi các sự kiện và nhân vật lịch sử dường như đã ít nhiều định hình trong kinh nghiệm và hiểu biết của cộng đồng độc giả, khoảng trống dành cho hư cấu, tưởng tượng trở nên hẹp hơn rất nhiều. Tận dụng những lợi thế, đồng thời tìm tòi lối đi riêng, Nguyễn Thế Quang đã tái hiện chân dung lịch sử vừa quen thuộc, gần gũi, vừa mới lạ, hấp dẫn. Nhà văn vẫn dựa trên nền các sự kiện, biến cố lịch sử đã qua, tập trung nhiều cho việc khai thác thế giới nội tâm phong phú, phức tạp với những cảm xúc, suy nghĩ, trăn trở, mâu thuẫn, giằng xé của nhân vật trong từng thời khắc chuyển vần của lịch sử. Nhờ vậy, những chân dung lịch sử tiêu biểu một thời như Hoàng Thị Loan, Nguyễn Sinh Cung ("Khúc hát những dòng sông"); Nguyễn Du, Gia Long, Ngô Thời Nhậm, Đặng Trần Thường, Hồ Xuân Hương ("Nguyễn Du"); Nguyễn Công Trứ, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Cao Bá Quát ("Thông reo Ngàn Hống"); Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tường Tam, Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu ("Đường về Thăng Long") đều hiện lên vô cùng sắc nét, chân thực và sinh động.

Không chỉ tái hiện chân thực bối cảnh thời đại và chân dung nhân vật lịch sử, một trong những thành công lớn nhất của Nguyễn Thế Quang là tư duy lịch sử nhất quán, đa chiều, sâu sắc. Ông không viết tiểu thuyết lịch sử để minh họa chính sử hoặc tiểu thuyết hóa lịch sử, càng không chọn cảm thức chiêm bái, ngưỡng vọng một chiều, mà tác phẩm của ông hướng tới sự phân tích, giả định, luận giải và đối thoại lịch sử. Nhờ vậy, các sáng tác của nhà văn đã góp phần giải minh nhiều sự kiện và nhân vật trong lịch sử.

Viết theo lối truyền thống, ít sự cách tân, thể nghiệm, Nguyễn Thế Quang tập trung bút lực nhằm luận giải các chủ đề, tư tưởng quan trọng mang tinh thần thời đại. Tác giả lựa chọn bối cảnh là những giai đoạn biến động, những thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc: Những ngày đầu mới hình thành vương triều Nguyễn với vô vàn rối ren, khó khăn ("Nguyễn Du"); dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đất nước bắt đầu ổn định, phát triển, song phải đối diện với muôn vàn thách thức bên trong và bên ngoài lãnh thổ ("Thông reo Ngàn Hống"); thời điểm thực dân Pháp từng bước đặt ách đô hộ Việt Nam, triều đình phong kiến rệu rã, bất lực, các cuộc nổi dậy của nông dân, sĩ phu yêu nước lần lượt thất bại và bị đàn áp ("Tiếng hát những dòng sông"); khoảng thời gian sau khi Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công, một trong những thời khắc quan trọng nhất của lịch sử cách mạng Việt Nam, liên quan đến sự tồn tại của nhà nước non trẻ, đằng sau đó là cả một nền độc lập, thống nhất, hòa bình của dân tộc ("Đường về Thăng Long").

Không những phục hiện chân thực, sinh động bối cảnh thời đại, Nguyễn Thế Quang còn khai phóng, luận giải nhiều vấn đề quan trọng không chỉ đối với quá khứ mà còn có ý nghĩa đương đại: Khát vọng mở mang bờ cõi và thống nhất giang sơn của bậc đế vương; trách nhiệm của người trí thức với mệnh vận dân tộc và số phận nhân dân; vai trò của người nghệ sĩ với văn hóa truyền thống và tinh thần thời đại; sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng; cội nguồn văn hóa, truyền thống quê hương, tình yêu thương gia đình trong việc hình thành nhân cách, ý chí của các yếu nhân lịch sử. Không chỉ luận giải các vấn đề lịch sử, văn hóa, tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang còn khám phá số phận con người từ điểm nhìn nhân bản sâu sắc. Mỗi tác phẩm trưng ra những “gương mặt người” luôn đau đáu, trầm tư, vui buồn cùng từng bước thăng trầm của dân tộc và đời người: Số phận vương giả trước những thời khắc quyết định của dân tộc; thân phận kẻ sĩ giữa vòng vây quyền lực quân vương; số phận nhân dân trong cơn bão táp lịch sử; thân phận người trí thức trước những ngả đường, bước ngoặt lịch sử.

Tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang không mạnh về hình thức nghệ thuật. Lối viết có đôi chỗ còn nặng về tính biên niên sử; vài nơi ông để cho nhân vật nói quá nhiều về quan điểm, đạo lý, cách nghĩ thời đại, khiến một số trang viết rơi vào sơ lược, thiếu tự nhiên. Tuy vậy, bằng sự tâm huyết, nghiêm túc, đặc biệt là tình yêu, trách nhiệm với lịch sử dân tộc, Nguyễn Thế Quang đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu, tưởng tượng, tái hiện những bức tranh lịch sử hấp dẫn, giàu chất tư tưởng, thẩm mỹ. Kết nối nhiều vấn đề từ quá khứ đến thực tại, tiểu thuyết của ông gợi cho người đọc không ít suy tư, trăn trở khi nhìn về cuộc sống hôm nay cũng như dự phóng về tương lai.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nhung-diem-nhan-cua-tieu-thuyet-lich-su-nguyen-the-quang-613425