Những điểm mới trong mục tiêu phát triển đất nước

Báo cáo chính trị tại các đại hội Ðảng thời kỳ đổi mới đều xác định mục tiêu tổng quát. So với các đại hội trước, trực tiếp là so với Ðại hội XII, việc xác định mục tiêu phát triển đất nước trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội XIII có những điểm mới nổi bật.

Báo cáo chính trị tại các đại hội Ðảng thời kỳ đổi mới đều xác định mục tiêu tổng quát. So với các đại hội trước, trực tiếp là so với Ðại hội XII, việc xác định mục tiêu phát triển đất nước trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội XIII có những điểm mới nổi bật.

1. Ðại hội XIII xác định mục tiêutổng quát không chỉ cho 5 năm,mà cho cả 10 năm và tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI

Báo cáo chính trị tại các đại hội thời kỳ đổi mới đều xác định mục tiêu tổng quát cho 5 năm. Chẳng hạn, Ðại hội XII xác định mục tiêu tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm 2016-2020 là: "Tăng cường xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ðẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới" 1.

Ðại hội XIII có nhiệm vụ không chỉ xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2021-2025 (kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước); mà còn xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Về mục tiêu tổng quát, Báo cáo chính trị tại Ðại hội XIII xác định: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng; xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa" 2. Mục tiêu tổng quát của Ðại hội XIII không chỉ cho 5 năm 2021-2025, mà cho cả những năm tiếp theo, đến giữa thế kỷ XXI. Ðiều này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ðảng ta.

2. Ðại hội XIII đã bổ sung những điểm mới trong mục tiêu tổng quát

So với mục tiêu tổng quát của Ðại hội XII, Báo cáo chính trị tại Ðại hội XIII xác định mục tiêu tổng quát và có những điểm mới.

Một là, bổ sung "năng lực cầm quyền" vào nội dung "nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng" thành "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng".

Sau khi Ðảng giành được chính quyền, Ðảng ta trở thành Ðảng cầm quyền. Trong 5 năm tới và những năm tiếp theo, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Ðất nước ta bên cạnh những thời cơ thuận lợi phải đương đầu với những khó khăn, thách thức. Ðiều đó, đòi hỏi Ðảng ta không chỉ nâng cao năng lực lãnh đạo, mà cần phải nâng cao năng lực cầm quyền.

Hai là, bổ sung "hệ thống chính trị" vào nội dung "xây dựng Ðảng" thành "xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị" và nêu yêu cầu xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị "trong sạch, vững mạnh toàn diện". Bổ sung "củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa".

Hệ thống chính trị của Việt Nam bao gồm ba bộ phận cấu thành: Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Ba bộ phận này có quan hệ hữu cơ với nhau, trong đó Ðảng giữ vai trò lãnh đạo. Sự trong sạch, vững mạnh toàn diện của Ðảng gắn liền với sự trong sạch, vững mạnh toàn diện của hệ thống chính trị. Trong những năm qua, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Một trong những yêu cầu, mục tiêu quan trọng của xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện là phải củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ba là, bổ sung "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước", "kết hợp với sức mạnh của thời đại" vào nội dung "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" thành "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại".

Khát vọng phát triển đất nước đã thật sự là một sức mạnh nội sinh, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là chủ trương lớn trong đường lối cách mạng của Ðảng ta. Trong 5 năm tới và những năm tiếp theo cần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại là yêu cầu, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng nước ta và cũng là kinh nghiệm của Ðảng ta.

Bốn là, xác định mục tiêu "phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề ra mục tiêu phát triển đến giữa thế kỷ XXI: "Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Ðảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa" 3. Báo cáo chính trị tại Ðại hội XIII xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa là sự kế thừa, cụ thể hóa tầm nhìn, mục tiêu do Cương lĩnh đề ra. Ðây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự lãnh đạo của Ðảng, sự phát triển của đất nước, là cơ sở bảo đảm sự nhất quán trong chủ trương, đường lối phát triển đất nước của Ðảng qua các kỳ Ðại hội Ðảng đến giữa thế kỷ XXI, bảo đảm sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong đường lối phát triển đất nước.

3. Ðại hội XIII không chỉ xác định mục tiêu cụ thể phát triển đất nước 5 năm tới, mà còn xác định mục tiêu cụ thể phát triển đất nước 10 năm tới, 25 năm tới

Các đại hội Ðảng thời kỳ đổi mới cũng đã xác định mục tiêu phát triển đất nước theo cách tiếp cận về trình độ phát triển trình độ công nghiệp và thu nhập bình quân đầu người. Ðại hội XI nhận định "đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình" 4. Các Ðại hội VIII, IX, XII xác định mục tiêu theo trình độ phát triển công nghiệp. Ðại hội XII xác định: "phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" 5.

Trên thế giới, nhiều tổ chức đã đưa ra các tiêu chí và phân loại các nước trên thế giới: Nước kém phát triển, nước đang phát triển, nước phát triển. Trong các nước đang phát triển lại phân thành hai loại nước: (1) Nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp; (2) Nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 1-7-2020, những nước có bình quân thu nhập dưới 4.035 USD/người là thu nhập trung bình thấp, từ 4.035 USD đến 12.535 USD/người là thu nhập trung bình cao, từ 12.535 USD trở lên là thu nhập cao.

Theo tính toán và đã được Ðại hội XIII thông qua: Ðến năm 2025: Thu nhập bình quân đầu người của nước ta đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD, đến năm 2030 khoảng 7.500 USD.

Trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; kế thừa và bổ sung, phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; đồng thời nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực chung của thế giới, Ðại hội XIII xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, đến năm 2030 và năm 2045.

Ðến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Ðến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Ðến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ðể thực hiện các mục tiêu trên, các văn kiện Ðại hội XIII đã đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, mạnh mẽ đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng đất nước ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới.

PGS, TS Nguyễn Viết Thông

Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

1 Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng, Nxb.CTQGST, HN, 2016, tr.76.

2 Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Nxb.CTQGST, HN, 2021, tr.111 - 112.

3 Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, HN, 2011, tr.71.

4 Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.91.

5 Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.76.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/nhung-diem-moi-trong-muc-tieu-phat-trien-dat-nuoc-638266/