Những điểm mới trong công tác tuyển quân năm 2019

Ngày 4-10-2018, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 148/2018/TT-BQP (gọi tắt là Thông tư số 148) quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (gọi chung là công tác tuyển quân) thay thế Thông tư số 140/2015/TT-BQP (gọi tắt là Thông tư số 140) ngày 16-12-2015. Báo Quân đội nhân dân đã làm việc với các cơ quan chức năng để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những quy định trong công tác tuyển quân theo Thông tư số 148, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-11-2018.

Tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn

Đề cập về những bất cập trong công tác tuyển quân thời gian qua, theo Đại tá Nguyễn Duy Phú, Trợ lý Tuyển quân, Phòng Quân số Chính sách, Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu): Sau gần 3 năm thực hiện Thông tư số 140 của Bộ Quốc phòng, công tác tuyển quân đã đạt những kết quả khá toàn diện. Hằng năm, các địa phương đều bảo đảm đủ chỉ tiêu, chất lượng thanh niên nhập ngũ ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, đến nay Thông tư số 140 đã phát sinh một số vấn đề bất cập, chưa phù hợp, chưa cụ thể… cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như, một số văn bản quy phạm pháp luật chiếu dẫn tại Thông tư số 140, hiện nay đã được thay thế hoặc ban hành mới. Bên cạnh đó, việc quy định không thực hiện bù đổi trong tuyển quân tại Thông tư số 140 chưa thật phù hợp với thực tiễn. Thực tế qua theo dõi và phản ảnh của một số cơ quan, đơn vị (từ năm 2017 về trước) vẫn bù đổi để bảo đảm tỷ lệ giao, nhận quân đạt 100% chỉ tiêu. Việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, song trong tổ chức thực hiện còn những bất cập, vướng mắc nhất định, nên cần được quy định cụ thể hơn… Vì thế, Thông tư số 148 sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc trên, tạo thuận lợi cho công tác tuyển quân.

Các tiêu chuẩn được chọn từ cao xuống thấp

Thông tư số 148 có sự kế thừa các quy định còn hợp lý của Thông tư số 140 và bổ sung điều chỉnh quy định đối với những vấn đề mới, bảo đảm chặt chẽ, thuận tiện trong triển khai thực hiện, hạn chế được những tiêu cực có thể xảy ra.

Thông tư số 148 xác định: Về nguyên tắc, yêu cầu tuyển quân, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy trình, quy định trong công tác tuyển quân. Tuyển đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, lấy tiêu chuẩn từ cao xuống thấp, thực hiện dân chủ, công bằng, công khai, an toàn, tiết kiệm. Quá trình thực hiện, chú trọng tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, người dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên, góp phần tạo nguồn cán bộ xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương. Đối tượng tuyển quân là những công dân có tuổi đời từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một chương trình đào tạo thì tuyển chọn, gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Thông tư số 148 nêu rõ: Không gọi nhập ngũ vào quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 đi-ốp trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS...

Về tiêu chuẩn học vấn, tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ học vấn lớp 8 trở lên, theo nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương gặp khó khăn, không bảo đảm đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ học vấn lớp 7. Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ học vấn cấp tiểu học, còn lại là THCS trở lên.

Đối với những trường hợp được hoãn nhập ngũ: Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của hội đồng khám sức khỏe; là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động, hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh, nguy hiểm gây ra được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận. Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61 đến 80%. Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ trong Công an nhân dân. Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 3 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước do UBND cấp tỉnh trở lên quyết định. Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật. Công dân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Đối với những trường hợp được miễn nhập ngũ, Thông tư số 148 quy định: Là con của liệt sĩ, con thương binh hạng một; một anh, hoặc một em trai của liệt sĩ. Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên.

Bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công bằng, công khai

Để bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển quân, Thông tư số 148 quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã phải chỉ đạo các thôn thực hiện bình cử và đề xuất những công dân trong diện sẵn sàng nhập ngũ. Danh sách công dân thuộc diện tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày chủ tịch UBND cấp huyện ký quyết định tuyển quân. Việc sơ tuyển, xét duyệt các công dân trong độ tuổi nhập ngũ phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, không kéo dài thời gian khám tuyển, gây phiền hà cho công dân. UBND cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với đơn vị nhận quân tổ chức hội nghị hiệp đồng tuyển quân và sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác tuyển quân. Các quân khu có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh thực hiện công tác tuyển quân...

LÊ DUY HỒNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/nhung-diem-moi-trong-cong-tac-tuyen-quan-nam-2019-554484