Những điểm mới của 'Ông ngoại tuổi 30' phiên bản Việt

Được chuyển thể từ phim điện ảnh Hàn Quốc ăn khách 'Scandal Makers' , 'Ông ngoại tuổi 30' phiên bản Việt đang nhận được nhiều quan tâm của giới chuyên môn và công chúng.

Trước nghi vấn “bình mới rượu cũ” của công chúng, nhà sản xuất “Ông ngoại tuổi 30” đã cố gắng làm mới tác phẩm này.

Điều chỉnh kịch bản hợp lý

Ông ngoại tuổi 30 xoay quanh chàng phát thanh viên điển trai nổi tiếng Sơn Huy (Trịnh Thăng Bình). Ở tuổi 30, Sơn Huy có được cuộc sống đáng mơ ước với sự nghiệp ổn định, nhà cửa sang trọng, có người yêu xinh đẹp và nóng bỏng… Cho đến một ngày, cuộc sống mỹ mãn đó bị xáo trộn khi một cô gái trẻ đem theo cậu con trai nhỏ đến nhận anh là cha.

Để có một tác phẩm remake hay, chỉ cốt truyện thì chưa giải quyết được tất cả mà còn cần nhiều yếu tố khác. Trong đó, kịch bản chiếm vị trí quan trọng.

Ông ngoại tuổi 30 nhận được nhiều ý kiến lo ngại từ những ngày đầu công bố.

Có hai điểm đáng chú ý trong kịch bản của Ông ngoại tuổi 30. Đầu tiên là sự thay đổi trong cấu trúc, diễn biến mạch phim. Yếu tố này trong phiên bản Việt có phần nhẹ nhàng, ngắn gọn hơn nhưng vẫn xen lẫn sự hài hước và cao trào, phù hợp với khán giả Việt Nam.

Một số tình tiết trong phim gốc cũng được lược bỏ, đồng thời phim remake cũng thêm thắt nhiều chi tiết mới. Điển hình, cái kết của phim sẽ khiến khán giả cảm thấy thỏa mãn và giải đáp được những thắc mắc mà Scandal Makers chưa thể mang lại.

Ngoài ra, biên kịch của Ông ngoại tuổi 30 đã điều chỉnh, sắp xếp lại vai trò, thời lượng của các nhân vật, khiến phiên bản Việt khắc phục được những sơ hở so với phiên bản Hàn Quốc.

Cái kết của “Ông ngoại tuổi 30” đáng để chờ đợi.

Diễn xuất mới mẻ của dàn diễn viên

Phim Ông ngoại tuổi 30 còn gây chú ý bởi dàn diễn viên trẻ và có diễn xuất mới mẻ. Trong phim, Trịnh Thăng Bình không chỉ ghi điểm với những tình huống hài hước, dở khóc dở cười, mà còn gây ấn tượng ở phân đoạn quyết định của bộ phim. Ánh mắt, cảm xúc kết hợp với ngôn ngữ cơ thể hợp lý của Trịnh Thăng Bình khiến người xem phải rung động.

Trịnh Thăng Bình ghi điểm ở những tình huống hài hước nhưng không kém phần xúc động.

Về phía Kiều Trinh, khán giả xem phim có thể cảm nhận rõ tâm huyết cô dành cho vai diễn mẹ đơn thân Mi Trần. Còn bé Coca Gia Bảo trong phiên bản Việt, tuy khả năng biểu cảm chưa bằng ngôi sao nhí Wang Suk Hyun nhưng độ đáng yêu thì không hề kém cạnh. Sự phối hợp của Gia Bảo cùng “ông ngoại” Trịnh Thăng Bình và “mẹ” Kiều Trinh đã mang đến màn trình diễn ăn ý, hài hước và cảm động.

Ngoài bộ ba diễn viên chính, nhân vật do Hạ Vi thể hiện được cho là ấn tượng hơn so với phiên bản gốc. Trong phim, Hạ Vi vào vai giáo viên mầm non luôn rạng rỡ, thiện cảm và mối quan hệ giữa cô cùng Sơn Huy cũng được xây dựng dễ hiểu, thuyết phục hơn.

Diễn viên nhí Gia Bảo trong vai “Coca”.

Câu chuyện dù thời đại nào cũng mới

Kịch bản của Ông ngoại tuổi 30 tuy không mới mẻ nhưng tình huống Sơn Huy rơi vào lại có sức hấp dẫn bởi nhiều tình tiết rắc rối, tréo ngoe cần giải quyết. Từ một người đàn ông độc thân tự do tự tại, Sơn Huy trở thành cha và ông ngoại ở tuổi 30 mà không hề có sự chuẩn bị. Anh phải đối diện như thế nào với “món quà” đầy bất ngờ này? Liệu sự thật này sẽ ảnh hưởng gì đến danh tiếng của Sơn Huy?

Với nhiều điểm mới, Ông ngoại tuổi 30 đang khiến khán giả tò mò về tình tiết và diễn xuất của các nhân vật chính. Phim đang được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc.

Trà Sơn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-diem-moi-cua-ong-ngoai-tuoi-30-phien-ban-viet-post830226.html