Những điểm mới của Luật Trồng trọt

Ngày 19/11/2018, Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 đã chính thức được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Sản xuất rau màu tại HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều).

Sản xuất rau màu tại HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều).

Luật Trồng trọt ban hành đã tạo khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, tạo nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa. Với 7 chương, 85 điều, Luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực từ giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua bán, sơ chế, chế biến, bảo quản đến xuất khẩu, nhập khẩu… Trong đó có những điểm mới cơ bản sau:

Thứ nhất: Mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi quy định về hoạt động trồng trọt và liên quan; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt (Điều 1). Trồng trọt được xác định là ngành kinh tế - kỹ thuật trong nông nghiệp có liên quan đến việc gieo trồng cây nông nghiệp, cây cảnh và nấm ăn để phục vụ mục đích của con người, bao gồm hoạt động về giống cây trồng; phân bón; canh tác; thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng (khoản 1, khoản 2 Điều 2). Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất của Luật, chi phối toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc của Luật.

Thứ hai: Bổ sung và luật hóa công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ ba: Bổ sung và luật hóa các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư. Hỗ trợ hoặc ưu đãi của Nhà nước cho các hoạt động cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phù hợp với yêu cầu phát triển trồng trọt trong giai đoạn mới, như chính sách bảo vệ chất lượng đất trồng trọt; phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong trồng trọt; bảo tồn nguồn gen cây trồng quý hiếm; xây dựng ngân hàng gen cây trồng...

Thứ tư: Điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý. Bổ sung hình thức quản lý vật liệu nhân giống cây trồng (hạt giống, cành giống, cây giống, hom giống, v.v..) bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Bổ sung các quy định về trình tự thực hiện khảo nghiệm để có thể sử dụng kết quả khảo nghiệm cho cả hai mục đích công nhận và bảo hộ giống. Quy định một giống cây trồng đã được công nhận giống lưu hành thì được thừa nhận quyền sở hữu đối với giống cây trồng đó. Bổ sung quy định quản lý chặt chẽ mẫu giống chuẩn phục vụ đối chứng, kiểm định, kiểm nghiệm, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra.

Thứ năm: Bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ đối với các phân bón vô cơ hỗn hợp, ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (không phải khảo nghiệm).

Thứ sáu: Thiết lập mối liên kết sản xuất bền vững theo hình thức sản xuất có hợp đồng, tạo điều kiện để phát triển một nền sản xuất hàng hóa, có giám sát và cấp chứng nhận sản phẩm.

Thứ bảy: Bổ sung các quy định bảo quản, sơ chế, chế biến, thương mại, quản lý chất lượng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chuỗi sản xuất, sản phẩm trồng trọt.

Duy Hoàng (Tổng hợp)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202001/nhung-diem-moi-cua-luat-trong-trot-2468525/