Những điểm mấu chốt khi sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và ảnh hưởng từ cuộc CMCN 4.0, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được Quốc hội thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14), là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.

Tuy nhiên, thực tiễn hơn 10 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành cam kết về SHTT trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết. Do vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT là rất cần thiết.

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động SHTT của Việt Nam; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật SHTT, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.

Nội dung sửa đổi Luật SHTT lần này cơ bản sẽ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm: (i) Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; (ii) Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; (iii) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; (iv) Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; (v) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; (vi) Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT; và (vii) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

Đây là các nhóm chính sách lớn có tác động đến quan điểm, cách tiếp cận và hướng xử lý đối với cả hệ thống SHTT, bắt đầu từ các khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, khai thác và thực thi quyền SHTT. Trong mỗi nhóm chính sách sẽ lại có những vấn đề bất cập của các đối tượng quyền SHTT khác nhau (quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng) tại các công đoạn khác nhau, các điều khoản liên quan và phương hướng xử lý các bất cập này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Ban soạn thảo, sự khác biệt giữa các quy định về SHTT của Việt Nam với quốc tế, kết hợp với những tồn tại trong quá trình xác lập, bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay đã dẫn đến việc sửa đổi Luật SHTT lần thứ 3 - cũng là lần sửa đổi lớn nhất kể từ khi ban hành năm 2005, với mục tiêu tạo điều kiện cho chúng ta tham gia các sân chơi chung trên thế giới với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP; phát triển sức sáng tạo của quốc gia, tạo ra động lực phát triển cho xã hội.

Trong đó, việc cân bằng giữa các yêu cầu của hiệp định và lợi ích của các chủ thể quyền SHTT là điều đầu tiên mà ban soạn thảo tính đến. Do đó, Dự thảo Luật SHTT lần này tập trung vào 3 đối tượng chính của quyền SHTT: Sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cạnh tranh không lành mạnh, thiết kế bố trí mạch tích hợp); quyền tác giả và quyền liên quan; quyền đối với giống cây trồng.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng Pháp chế và chính sách (Cục SHTT) cho biết, một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là nhà nước trao quyền nhiều hơn cho các chủ thể, giúp họ chủ động hơn trong việc khai thác tài sản trí tuệ. Theo Dự thảo sửa đổi, chỉ dẫn địa lý sẽ thuộc về sở hữu cộng đồng. Trước đây, nhà nước sở hữu chỉ dẫn địa lý, giao cho tổ chức đại diện cho người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý ở địa phương đó đứng ra đăng ký bảo hộ và quản lý.

Tương tự với sáng chế xuất phát từ đề tài nghiên cứu do Nhà nước cấp vốn, trước đây cơ quan cấp vốn của Nhà nước sẽ đứng ra đăng ký, điều này không tạo động lực cho cơ quan chủ trì như các viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký bảo hộ để thuận tiện trong quá trình khai thác các tài sản trí tuệ này. Đây là một trong những vướng mắc phổ biến nhất trong quá trình thương mại hóa công nghệ của các viện, trường.

Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo sửa đổi cho phép đơn vị chủ trì nghiên cứu có quyền đứng ra đăng ký bảo hộ, nếu không thực hiện thì nhà nước sẽ giao cho người khác đăng ký. Tuy nhiên, đây vẫn là tài sản của Nhà nước nên nếu chuyển nhượng thì phải xin phép cơ quan có thẩm quyền (cơ quan cấp vốn đầu tư nghiên cứu tạo ra sáng chế).

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung thêm đối tượng bảo hộ mới của giống cây trồng là “sản phẩm chế biến từ vật liệu thu hoạch của giống cây trồng”, bên cạnh hai đối tượng cũ là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch. Việc bổ sung quy định này không chỉ đáp ứng yêu cầu của hiệp định EVFTA mà còn giải quyết vấn đề bức xúc của nhiều công ty dược liệu Việt Nam hiện nay. Quy định này có thể hạn chế các hành vi nhân giống trái phép, sử dụng vật liệu ăn cắp để chế biến các sản phẩm, kể cả ở ngoài biên giới…

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, trước bối cảnh mới với nhiều chuyển biến mạnh mẽ tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội như quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP...), làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng cũng như mục tiêu hướng tới một Chính phủ kiến tạo, việc sửa đổi Luật SHTT trong giai đoạn hiện nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, lồng ghép vấn đề SHTT trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động SHTT của Việt Nam;…

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nhung-diem-mau-chot-khi-sua-doi-luat-so-huu-tri-tue-d183470.html