Những điểm du lịch 'hay bỏ sót' khi đến Huế

Khi đến Cố đô Huế, ngoài những địa danh đã quá quen thuộc như Đại nội, các lăng tẩm triều Nguyễn, các chùa chiền lớn..., thì vẫn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn mà nhiều du khách hay bỏ sót.

Cầu ngói Thanh Toàn

Thanh Toàn là cây cầu làm bằng gỗ bắc qua một con mương, thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế, cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía đông nam.

Cầu ngói Thanh Toàn là một di tích kiến trúc cổ, có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa và là một thắng cảnh. Năm 1990, cầu ngói Thanh Toàn đã được Bộ VH-TT&DL cấp bằng công nhận Di tích quốc gia.

Cầu ngói Thanh Toàn được xây vào năm 1776, và đã qua nhiều lần trùng tu.

Hiện cây cầu đang có dấu hiệu xuống cấp và UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn, với tổng mức đầu tư dự kiến là 13 tỷ 190 triệu đồng.

Nhà vườn Huế

Nhà vườn Huế là một loại hình di sản kiến trúc đặc biệt ở đất cố đô. Nhà vườn Huế không chỉ tạo nên sự gần gũi với thiên nhiên cây cỏ mà còn thể hiện nét văn hóa đặc sắc trong phong cách sống của người dân Huế.

Nhà vườn An Hiên, một ngôi nhà vườn rất nổi tiếng ở Huế

Ở Huế có đến hàng nghìn khu vườn lớn nhỏ được hình thành và lưu giữ qua hàng trăm năm nay. Mỗi khu vườn gắn với một công trình kiến trúc riêng biệt, tạo nên hệ thống nhà vườn đặc sắc ở Huế như vườn cung, vườn lăng, vườn nhà, vườn chùa.

Nhiều ngôi nhà vườn đã trở thành những địa chỉ du lịch đặc sắc như vườn An Hiên, Tịch Lạc Viên, hệ thống nhà vườn ở Phú Mộng - Kim Long, phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, Xuân Viên Tiểu Cung...

Nhà lưu niệm Bác Hồ

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nổ (xã Phú Dương, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) . Đây là ngôi nhà Bác Hồ đã sống từ năm 1898 đến 1900, khi Người cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha Nguyễn Sinh Sắc về đây dạy học. Tại lớp học của cha trong ngôi nhà này, Bác Hồ đã được học những chữ Hán đầu tiên.

Ngôi nhà đơn sơ của Bác lúc xưa

Lối vào nhà là hai hàng dừa tàu xanh mướt. Xung quanh nhà rợp bóng hàng cau, xen kẽ những cây hoa sứ duyên dáng. Khung cảnh mang nét đẹp thanh bình của làng quê Việt Nam.

Rú Chá

Rú Chá cách thành phố Huế chừng 12km. Đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh thuộc địa bàn thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế, có diện tích khoảng 4ha, tồn tại cách đây hơn 100 năm.

Rú Chá bạt ngàn màu xanh của những vòm cây

Ở Rú Chá là khung cảnh yên bình, huyền ảo, lênh đênh sông nước, dưới những vòm cây chá cổ xanh um, những bộ rễ có hình thù khá đẹp, bám chặt dưới lòng đất.

Tại đây, một hệ thống sinh vật khá phong phú, với nhiều đầm phá, là nơi tập trung nhiều cá, tôm, cua. Đặc biệt, trên mặt đất xuất hiện nhiều hang còng, với những hình thù kì lạ, gợi lên sự tò mò đối với du khách mỗi lần đặt chân đến đây.

Hồ Thủy Tiên

Trung tâm vui chơi - giải trí hồ Thủy Tiên tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, cách thành phố Huế khoảng 10km theo hướng Tây Nam. Hiện nay, hồ đang bị bỏ hoang.

Hồ Thủy Tiên

Sự rêu phong và hoang phế khiến khung cảnh nơi đây trở nên giống trong những bộ phim kinh dị. Vì thế, nơi đây đã từng được lên báo Mỹ vì khung cảnh rùng rợn.

Chính những điều đó càng thôi thúc nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ưa khám phá tìm đến. Ngoài ra đây cũng là điểm đến kích thích trí tò mò của nhiều khách du lịch nước ngoài.

Phá Tam Giang

Phá Tam Giang là một phá lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 11%, diện tích đầm phá ven bờ của cả nước, thuộc địa phận của bốn huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) và cách thành phố Huế khoảng 12 km.

Vẻ đẹp thanh bình của phá Tam Giang

Nổi tiếng là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, phá Tam Giang mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, vắng lặng khiến bất kỳ ai đến đây cũng đều thán phục, trầm trồ.

Đây là một vùng đầm phá có tính đa dạng sinh học cao với thành phần nguồn gen phong phú cả động thực vật trên cạn và dưới nước. Bên cạnh những hoạt động sinh sống thường nhật khá lý thú của người dân khu đầm phá, bạn cũng có thể ghé thăm một số di tích danh thắng nằm dọc theo đường đi.

Suối Pâr Le

Suối Pâr Le nằm tại xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, cách TP Huế 50km. Nơi đây có 2 bãi tắm với sức chứa lớn, du khách sẽ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng là làn suối trong lành. Ở đây còn có 1 bãi đá cao hơn 5m giành cho du khách muốn thử cảm giác mạnh khi thử sức nhảy từ trên cao xuống nước.

Suối Pâr Le

Ngoài ra ở thượng nguồn con suối có hệ thống hang động rất đẹp, những mạch nước ngầm trong lành chảy từ trong núi. Vào mùa hè, ở đây còn có rất nhiều trái cây rừng thơm ngon mang vị ngọt của thiên nhiên.

Chợ Đông Ba

Chợ Đông Ba nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía bắc. Đây là một trung tâm thương mại lớn của tỉnh Thừa Thiên- Huế, với lịch sử hơn 100 năm.

Chợ Đông Ba có ba lầu, trong đó là hàng ngàn gian hàng phục vụ nhu cầu buôn bán. Những tinh túy văn hóa vật chất của Thừa Thiên - Huế còn giữ được cho đến nay đều có thể tìm thấy ở chợ Ðông Ba như: nón lá Phú Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, mè xửng Song Hỷ, dâu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, hàng mã hoa giấy làng Sình… và cả những món ăn Huế truyền thống, bình dân như: cơm hến, bún bò, bánh lá, chả tôm, bánh khoái, chè đậu ván...

Chợ Đông Ba, ngôi chợ nổi tiếng nhất xứ Huế

Trước khi rời khỏi Huế, du khách đừng quên ghé qua chợ Đông Ba để mua cho mình những món đồ lưu niệm làm quà cho gia đình và người thân.

Bài, ảnh: Gia Huy

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/nhung-diem-du-lich-hay-bo-sot-khi-den-hue-506354.htm