Những điểm 'chốt' đảm bảo quyền tự chủ cho trường ĐH

Đóng góp ý kiến tại diễn đàn về tự chủ đại học do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức, GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT cho rằng: Trong các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ cho các trường ĐH, có lẽ 2 vấn đề quan trọng nhất cần thảo luận là việc xây dựng và đảm bảo hoạt động tốt các hội đồng trường (HĐT) ở cấp độ cơ sở và thay đổi thể chế bộ chủ quản ở cấp độ hệ thống.

Hai cơ chế trong một tổ chức

Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của một tổ chức dân chủ, việc quản trị và quản lý đòi hỏi đồng thời hai loại cơ chế. Một cơ chế kiểu hội đồng để chỉ đạo hướng phát triển, tức quản trị. Một cơ chế để điều hành việc thực hiện, tức quản lý. Trong trường ĐH cơ chế thứ nhất chính là HĐT, cơ chế thứ hai là bộ máy lãnh đạo và quản lý của hiệu trưởng.

Đưa thông tin trên GS Lâm Quang Thiệp đồng thời cho biết, HĐT có chức năng, nhiệm vụ làm cầu nối giữa chủ sở hữu cộng đồng (các nhóm người có lợi ích liên quan) và nhà trường; xây dựng chính sách, kế hoạch tổng thể, sử dụng chính sách làm công cụ để quản trị nhà trường; lựa chọn hiệu trưởng có năng lực đứng đầu bộ máy điều hành; giám sát và đánh giá việc triển khai thực thi của hiệu trưởng đối với các chính sách, kế hoạch tổng thể đã được HĐT đề ra.

Trong khi đó, hiệu trưởng là người đứng đầu bộ máy điều hành, có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng mọi chính sách và kế hoạch tổng thể mà HĐT đề ra; làm cầu nối giữa HĐT và mọi thành viên trong trường; chịu trách nhiệm giải trình (đại diện cho bộ máy) trước tập thể HĐT về các hoạt động của nhà trường, đảm bảo thành tựu của các chính sách được đề ra và không vi phạm những giới hạn điều hành đã được quy định.

HĐT lãnh đạo và quản trị trường ĐH qua hiệu trưởng chứ không trực tiếp tác động đến bộ máy của hiệu trưởng, được thực hiện bằng nghị quyết của toàn thể HĐT chứ không phải từ các thành viên trong hội đồng. Hiệu trưởng có trách nhiệm giải trình với tổng thể HĐT chứ không phải với từng thành viên của hội đồng. Quan hệ giữa hiệu trưởng và các thành viên HĐT là quan hệ cộng sự, ngang hàng chứ không phải trên dưới. Quan hệ giữa chủ tịch HĐT và hiệu trưởng cũng là quan hệ ngang hàng, hỗ trợ nhau, chứ không phải trên dưới.

Theo quan điểm của GS Lâm Quang Thiệp, HĐT phải lãnh đạo chiến lược chứ không sa vào các quyết định chiến thuật. Do đó khi đã có chính sách và kế hoạch tổng thể, HĐT phải trao quyền đầy đủ cho hiệu trưởng, không nên can thiệp vào việc điều hành cụ thể của hiệu trưởng. Để đảm bảo cho nhà trường được vận hành như là một thực thể tự chủ và dân chủ, không nên để hai chức vụ này cho một người kiêm nhiệm.

Giải quyết quan hệ Đảng ủy và Hội đồng trường

Một vấn đề cũng được nhiều người đặt ra khi bàn về chủ đề HĐT ở trường ĐH, đó là vấn đề liên quan đến tổ chức Đảng trong nhà trường. Một lập luận phổ biến là, khi đã nói Đảng lãnh đạo toàn diện thì không cần thiết HĐT, vì sự lãnh đạo của HĐT sẽ chồng chéo với sự lãnh đạo của Đảng ủy trường ĐH.

Tuy nhiên, GS Lâm Quang Thiệp cho biết: Có hai ý kiến phản bác lại lập luận này. Một là, HĐT là đại diện của sở hữu cộng đồng, bao gồm cả các phía có lợi ích liên quan cả ở bên trong và bên ngoài trường ĐH, còn Đảng ủy chỉ đại diện cho tổ chức Đảng bên trong nhà trường. Hai là, HĐT là cơ quan quyền lực, lãnh đạo cụ thể, còn Đảng ủy là cơ quan lãnh đạo về chính trị tư tưởng.

Theo quy định hiện hành, trong HĐT có bí thư Đảng ủy. Bí thư là người sẽ đại diện của tổ chức Đảng thông báo các chủ trương, nghị quyết của Đảng cho HĐT và thuyết phục để HĐT thực hiện các chủ trương, nghị quyết đó. Một giải pháp khác có thể thực hiện là cử bí thư Đảng ủy làm chủ tịch HĐT. Ở nước ta đã có nơi áp dụng giải pháp này, như ĐH Mở Hà Nội. Đây cũng là giải pháp của nhiều trường ĐH Trung Quốc.

Thể chế “bộ chủ quản” và “trường trực thuộc”

Bộ chủ quản của các trường ĐH công lập dưới thời kế hoạch hóa tập trung có quyền quyết định mọi vấn đề của trường ĐH, còn cơ quan điều hành trường ĐH phải thực hiện mọi việc theo quyết định “từ trên”. Trong quá trình đổi mới GDĐH, cơ chế quản lý đó cũng được cải tiến dần, trường ĐH được dần dần giao quyền tự chủ về nhiều mặt. Nhắc đến điều này, theo GS Lâm Quang Thiệp, đến nay, hai lĩnh vực quyết định quan trọng nhất trong hoạt động của trường ĐH trực thuộc phần lớn vẫn nằm trong tay bộ chủ quản, đó là tài chính và nhân sự.

Cụ thể là, kinh phí hàng năm cho các trường ĐH do bộ chủ quản phân phối sau khi Bộ nhận từ ngân sách Nhà nước, các nhân sự quan trọng nhất của trường ĐH, trong đó có hiệu trưởng, hiệu phó, do Bộ chủ quản bổ nhiệm và miễn niệm. Bộ chủ quản có cơ chế kiểm soát trường trực thuộc về nhiều mặt, và trường trực thuộc có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện công việc với bộ chủ quản. Trường ĐH không có quyền tự quyết định đối với nhiều vấn đề, điều đó làm cho sự đáp ứng đối với các biến động của thị trường thường không được nhanh nhạy, các trường khó thích nghi với thị trường.

Nhận thấy sự cản trở đó của cơ chế bộ chủ quản, trong Nghị quyết 14/2005/NQ-CP năm 2005 của Chính phủ về đổi mới GDĐH đã đưa ra chủ trương “xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu Nhà nước đối với các trường ĐH công lập”. Gần đây, Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ lại nói rõ là cần phải “giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường ĐH, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị ĐH theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (HĐT)”.

"Các ý tưởng rất rõ này cần được thể chế hóa và đưa vào Luật GDĐH sửa đổi. Ngoài ra, cần rà soát hệ thống các văn bản luật và dưới luật có liên quan tới bộ chủ quản và có phương án chỉnh sửa những quy định không tương thích" - GS Lâm Quang Thiệp đề xuất.

Nguyễn Nhung

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-diem-chot-dam-bao-quyen-tu-chu-cho-truong-dh-3956070-b.html