Những điểm cần lưu ý khi chuyển nhượng dự án

Chuyển nhượng dự án (DA) là giải pháp tối ưu được đặt ra khi chủ đầu tư không còn khả năng về tài chính và nguồn lực để tiếp tục thực hiện DA. Việc chuyển nhượng DA vừa có thể giúp chủ đầu tư cũ có nguồn tài chính, vừa có thể tập trung nguồn lực vào các DA khác trọng điểm hơn, đồng thời, làm giảm thiểu những tổn thất, tránh lãng phí tài nguyên đất và giúp DA được thực hiện đến cùng.

Chuyển nhượng dự án (DA) là giải pháp tối ưu được đặt ra khi chủ đầu tư không còn khả năng về tài chính và nguồn lực để tiếp tục thực hiện DA. Việc chuyển nhượng DA vừa có thể giúp chủ đầu tư cũ có nguồn tài chính, vừa có thể tập trung nguồn lực vào các DA khác trọng điểm hơn, đồng thời, làm giảm thiểu những tổn thất, tránh lãng phí tài nguyên đất và giúp DA được thực hiện đến cùng.

Hiện nay pháp luật Việt Nam cho phép nhà đầu tư (NĐT) có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ DA do mình thực hiện cho NĐT khác. Việc nhận chuyển nhượng DA có thể đem lại cho NĐT mới các lợi ích, điển hình như: DA đã hoàn thành một hoặc toàn bộ hạng mục; tiết kiệm thời gian và chi phí; hồ sơ pháp lý đã được định hình... Tuy nhiên, muốn tạo tiền đề cho việc đầu tư, phát triển DA đi đúng hướng, đúng mục đích, đạt được thành công cho thương vụ nhận chuyển nhượng thì nhà đầu tư mới mới cần hết sức cẩn trọng và lưu ý khi nhận chuyển nhượng DA. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những vấn đề mà NĐT mới cần lưu ý khi nhận chuyển nhượng DA.

Thứ nhất là kiểm tra về chủ đầu tư: Cần kiểm tra các vấn đề pháp lý của chủ đầu tư trước khi quyết định hợp tác, vì nếu chủ đầu tư đang vướng vào các vụ tranh chấp, kiện tụng, đặc biệt là liên quan đến DA cần chuyển nhượng thì chắc hẳn thương vụ sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí là bị hủy bỏ. Thứ hai là kiểm tra tính pháp lý của DA: Đây là điểm đặc biệt quan trọng mà NĐT cần quan tâm. DA chứa đựng quá nhiều vướng mắc về mặt pháp lý sẽ khiến NĐT mới mất thời gian và chi phí cho việc giải quyết các vấn đề tồn đọng hoặc các thủ tục pháp lý khác. Theo đó, một DA trước khi chuyển nhượng phải đảm bảo đủ các điều kiện sau: không thuộc trường hợp bị chấm dứt hoạt động; đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt; đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật theo lộ trình đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ DA đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không có quyết định thu hồi DA, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp có vi phạm trong quá trình triển khai DA thì NĐT phải chấp hành xong quyết định xử phạt. Thứ ba là đáp ứng quy định pháp luật về đầu tư: đáp ứng điều kiện về ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với NĐT trong nước lẫn nước ngoài; thực hiện điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thứ tư là cam kết về thực hiện DA: NĐT mới phải có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục triển khai DA ngay sau khi nhận bàn giao. Thứ năm là chuyển giao nghĩa vụ với NĐT cũ và thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba liên quan: NĐT cũ và NĐT mới phải ký kết hợp đồng chuyển nhượng DA, trong đó, hợp đồng phải thỏa thuận về việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba.

Luật gia NGUYỄN THỊ NGỌC THY - Trưởng phòng Đầu tư

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_237205_nhung-diem-can-luu-y-khi-chuyen-nhuong-du-an.aspx