Những dịch bệnh chết người bắt nguồn từ động vật

Trong nửa thế kỷ qua, loài người đã phải trải qua rất nhiều dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật và những đại dịch này có sức lây lan nhanh chóng, khó kiểm soát dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Vậy nguyên nhân nào khiến các đại dịch thường bắt nguồn từ động vật?

Dịch COVID-19

Mới đây, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm kỹ thuật và nông nghiệp hiện đại Lĩnh Nam, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho rằng tê tê là vật chủ trung gian lây truyền các chủng virus Corona mới (COVID-19) vì thịt của chúng được coi là món ngon ở châu Á. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng hệ số dương tính với Betacoronavirus của tê tê là 70%. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa khẳng định liệu Coronavirus có thể truyền sang người từ tê tê hay không.

Tạp chí Journal of Medical Virology viết rằng nguồn lây nhiễm của dịch bệnh này rất có thể từ thịt rắn được bán ở một khu chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán, Trung Quốc. Vật chủ mang virus là loài rắn cạp nong và rắn hổ mang vốn là những loài thường săn bắt dơi. Và COVID-19 là sự kết hợp của loại virus Corona được tìm thấy trong dơi với một loại virus khác chưa biết đến. Giả thuyết được đặt ra là COVID-19 có thể lây truyền từ vật chủ ban đầu - dơi sang rắn và sau đó sang người. Đến nay, các nhà khoa học vẫn đang tiến hành nghiên cứu sâu hơn nhằm xác định liệu virus có thích nghi để sống sót trong vật chủ máu nóng - người sau khi ở trong vật chủ máu lạnh - rắn không.

Hầu hết các vụ dịch Ebola xảy ra ở châu Phi và được cho là có nguồn gốc từ dơi

Hầu hết các vụ dịch Ebola xảy ra ở châu Phi và được cho là có nguồn gốc từ dơi

Ebola

Đợt bùng phát dịch Ebola khủng khiếp nhất mà thế giới từng ghi nhận khi đại dịch này nhanh chóng lây lan ra Siearra Leona, Liberia, Nigeria sau đó vượt biên giới châu Phi tới Tây Ban Nha, Mỹ và Anh khiến hơn 11.000 người trên toàn cầu tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ebola được cho là có nguồn gốc từ dơi ăn quả. Các vật chủ có thể lây nhiễm cho người bao gồm tinh tinh, khỉ đột, linh dương và nhím. Việc truyền virus Ebola xảy ra khi tiếp xúc gần máu, dịch tiết, nội tạng hoặc dịch cơ thể động vật bị nhiễm bệnh được phát hiện hoặc chết.

HIV/AIDS

HIV lây nhiễm vào các tế bào của hệ thống miễn dịch của cơ thể khiến hệ thống miễn dịch bị suy yếu dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng cao và nhiều biến chứng khác. Theo WHO, thuật ngữ AIDS hay hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải được áp dụng cho giai đoạn cuối nhiễm HIV, được xác định bằng sự xuất hiện của nhiễm trùng hoặc ung thư liên quan đến HIV hoặc suy giảm miễn dịch nặng. HIV/AIDS đã trở thành căn bệnh thế kỷ cướp đi sinh mạng của hơn 32 triệu người tính đến năm 2019 và khoảng 37,9 triệu người đang phải sống chung với HIV tính đến cuối năm 2018 (theo số liệu thống kê của WHO).

Theo nghiên cứu của giới khoa học, HIV có thể bắt nguồn từ virus SIV gây chứng suy giảm miễn dịch trên khỉ và khỉ không đuôi ở miền Tây Trung Phi. Từ các loài linh trưởng này, virus lây sang người qua nhiều hình thức, một trong số này có thể là món thịt thú rừng mà người châu Phi vẫn săn bắn làm thức ăn.

Dịch hạch

Cái chết đen hay bệnh dịch hạch là đại dịch xảy ra ở châu Á, châu Âu trong thế kỷ XIV mà đỉnh điểm ở châu Âu từ năm 1346 - 1351 với số lượng người chết lên đến hơn 25 triệu người. Đây được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, ước tính dịch bệnh này đã giết chết 30-60% dân số châu Âu. Nguyên nhân gây ra đại dịch được cho bắt nguồn bởi vi khuẩn Yerinia pestis, tuy nhiên đến nay, nhiều bằng chứng cho thấy căn bệnh này nhiều khả năng thông qua loài chuột trên các tàu buôn.

SARS

Dịch SARS bùng nổ vào năm 2003. SARS là hội chứng hô hấp cấp tính nặng gây ra bởi một loại virus mang tên SARS-CoV - một chủng của Coronavirus. Giữa tháng 11/2002 - 7/2003, dịch SARS bùng phát ở Hồng Kong và lan tỏa toàn cầu, gần như trở thành đại dịch với 8.422 trường hợp mắc bệnh và 774 trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Nguyên nhân của dịch bệnh này cũng được cho bắt nguồn từ loài dơi sau đó truyền sang các động vật khác như mèo, cầy hương.

Vậy lý do nào khiến các đại dịch thường bắt nguồn từ động vật?

Tất cả những đại dịch kể trên đều có nguồn gốc từ các loại động vật. Theo các nhà nghiên cứu, bởi vì hầu hết các động vật đều mang một loạt mầm bệnh trong cơ thể và sự sống sót tiến hóa của mầm bệnh phụ thuộc vào việc lây nhiễm sang vật chủ mới. Trong khi hệ thống miễn dịch của vật chủ cố gắng tiêu diệt mầm bệnh thì mầm bệnh cũng tìm mọi cách để tiến hóa phá vỡ sự phòng thủ của hệ thống miễn dịch, đồng thời chúng tìm cách tồn tại ở một vật chủ mới. Điều này đồng nghĩa với việc cả mầm bệnh và vật chủ đều tham gia một trò chơi tiến hóa vĩnh cửu là cố gắng tìm ra cách thức tiêu diệt lẫn nhau để tồn tại.

Ngày nay, xã hội loài người càng phát triển, hiện đại, diện tích sinh sống của các loài động vật hoang dã càng bị thu hẹp lại khiến động vật hoang dã phải tìm cách chung sống trong cùng môi trường sống với loài người, do đó, nguy cơ lây lan bệnh càng tăng cao. Đồng thời, thói quen ăn thịt các loài động vật hoang dã như chó, hươu, cá sấu, rắn, dơi, các loài chim... là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến dịch bệnh lây lan.

Thêm vào đó là sự biến đổi khí hậu đang đẩy nhanh tiến trình này và sự dễ dàng thuận tiện trong việc di chuyển đến khắp nơi trên thế giới khiến dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng toàn cầu.

Huệ Minh

((Theo Aljazeera, 2020))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-dich-benh-chet-nguoi-bat-nguon-tu-dong-vat-n170339.html