Những địa phương tăng trưởng GRDP 2 con số sau sáp nhập

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 của nhiều địa phương sau sáp nhập bứt phá mạnh mẽ, góp phần đưa mức tăng trưởng GDP cả nước tiến sát mốc 8%. Theo đó, có 6 địa phương tăng trưởng 2 con số.

Tam Cốc Bích Động, Ninh Bình. Ảnh: Nguyễn Khắc Hào.

Tam Cốc Bích Động, Ninh Bình. Ảnh: Nguyễn Khắc Hào.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025.

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.

Tính theo 34 tỉnh, thành phố mới, có 6 địa phương tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, Quảng Ngãi tăng 11,51%, Hải Phòng 11,2%, Quảng Ninh 11,03%, Ninh Bình 10,82%, Bắc Ninh 10,47%, Phú Thọ 10,09%.

QUẢNG NGÃI

Chi Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Quảng Ngãi 6 tháng đầu năm 2025 ước tính tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2024, đây là mức tăng cao nhất so với 6 tháng cùng kỳ trong vòng 5 năm qua, cũng là mức tăng trưởng cao nhất cả nước.

Con số càng ấn tượng khi hợp nhất hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, tăng trưởng GRDP của tỉnh Quảng Ngãi (mới) trong 6 tháng đầu năm cũng dẫn đầu cả nước, với mức tăng 11,51%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là trụ cột tăng trưởng khi đạt mức tăng trưởng 21,38%, đóng góp gần 8 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung. Trong đó ngành công nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò là ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh Quảng Ngãi, tăng 22,59% so với cùng kỳ.

Khu vực dịch vụ cũng tăng 8,58%. Các hoạt động du lịch, lưu trú, ăn uống, giáo dục - y tế tư nhân được thúc đẩy nhờ loạt sự kiện lớn như Tuần lễ Du lịch Quảng Ngãi, lễ hội đường phố, lễ kỷ niệm 80 năm Khởi nghĩa Ba Tơ.

Nông, lâm, thủy sản dù chịu ảnh hưởng thời tiết nhưng vẫn tăng trưởng gần 3%, chủ yếu từ nuôi trồng và khai thác thủy sản ổn định.

Tính theo giá hiện hành, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt khoảng 67.382 tỷ đồng. Trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ trọng lớn nhất, tiếp đến là dịch vụ và nông nghiệp. Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, GRDP 6 tháng của tỉnh đạt hơn 32.900 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ - mức cao nhất trong 5 năm qua.

HẢI PHÒNG

6 tháng đầu năm 2025, TP Hải Phòng (mới) tăng trưởng GRDP đạt 11,2%, đứng thứ hai cả nước. Trong đó, TP Hải Phòng (cũ) ghi nhận GRDP tăng 11,04%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,2%, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,6 tỷ USD và lượng khách du lịch đạt hơn 5,2 triệu lượt.

Tỉnh Hải Dương (cũ) ghi nhận GRDP tăng 11,59%, với sự tăng trưởng đồng đều ở các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.

Tốc độ tăng trưởng của cả hai địa phương đều vượt mức trung bình cả nước, tạo nên một bước xuất phát đặc biệt thuận lợi cho TP. Hải Phòng sau hợp nhất. Đây là cơ sở vững chắc để TP. Hải Phòng tiếp tục mục tiêu tăng trưởng hai con số năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng (mới) đạt 96.862 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn thành phố ước đạt 139.836,5 tỷ đồng, tăng 18,91% so với cùng kỳ. Các dự án đầu tư công, khu công nghiệp, đô thị và nhà ở thương mại được triển khai đúng tiến độ, góp phần mở rộng không gian phát triển kinh tế - đô thị và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về quy hoạch.

QUẢNG NINH

Số liệu của Chi Cục Thống kê cho thấy, GRDP của tỉnh Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt mức tăng trưởng 11,03% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,61%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,48%; khu vực dịch vụ tăng 13,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,19% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo tăng 29,87% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành sản xuất xe có động cơ tăng 262,04%, là một trong những sản phẩm mới, trụ cột thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực công nghiệp và đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo.

Tổng thu ngân sách Nhà nước của Quảng Ninh 6 tháng ước đạt hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 21.000 tỷ đồng, bằng 56% dự toán. Thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách gấp 13,1 lần so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đảm bảo các nhiệm vụ an sinh xã hội với tổng kinh phí thực hiện ước đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh tạo việc làm cho trên 17.000 lượt lao động, đạt hơn 58% kế hoạch cả năm.

NINH BÌNH

6 tháng đầu năm, vị trí thứ tư thuộc về Ninh Bình (mới) với mức tăng trưởng GRDP 10,82%. Ninh Bình mới là sự hợp nhất của 3 địa phương gồm Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định.

Trong đó, riêng Nam Định (cũ) đã đạt mức tăng GRDP tới 11,84%, cao thứ ba cả nước nếu tính theo đơn vị hành chính cũ. Đóng góp lớn do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 31,3% trong GRDP của tỉnh có mức tăng trưởng 22,12%.

BẮC NINH

Cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trong 6 tháng đầu năm là Bắc Ninh. Sau khi hợp nhất giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, GRDP địa phương tăng 10,47% so với cùng kỳ. Trong đó, với động lực chủ yếu đến từ Bắc Giang, tỉnh dẫn đầu cả nước nếu xét theo đơn vị hành chính cũ, với mức tăng trưởng 14,01%.

Bắc Ninh (mới) tiếp tục giữ vai trò là "thủ phủ" công nghiệp công nghệ cao và FDI phía Bắc, là nơi tập trung của hàng loạt nhà máy sản xuất lớn như Samsung, Foxconn... Ngoài ra, việc mở rộng các khu công nghiệp mới và đầu tư hạ tầng giao thông liên vùng đang tạo ra không gian tăng trưởng dài hạn cho toàn khu vực.

PHÚ THỌ

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Phú Thọ (mới) đạt 10,09% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 34,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 18,1 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ; giá trị nhập khẩu đạt 16,3 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Phú Thọ (mới) đã thu hút đầu tư hơn 469 triệu USD vốn FDI; nhiều dự án lớn về nhà ở xã hội, dự án đô thị, du lịch được khởi công. Đồng thời, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.878 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 32% so với cùng kỳ, với số vốn đăng ký hơn 17,4 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong 2 quý đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Phú Thọ (mới) đã đạt gần 31,7 nghìn tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 78% dự toán, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2024 và đạt 63,4% kịch bản phần đầu cả năm 2025.

Về giải ngân vốn đầu tư công, đạt tỷ lệ 44,2% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều dự án lớn đã được đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thi công như dự án đường dây 500 KV Lào Cai - Vĩnh Yên, dự án tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ...

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhung-dia-phuong-tang-truong-grdp-2-con-so-sau-sap-nhap-43456.html