Những địa điểm bỏ hoang trở thành bối cảnh phim bom tấn

Nhiều tàn tích bỏ hoang được chuyển đổi mục đích sử dụng thành địa điểm tham quan hoặc bối cảnh ghi hình của phim.

 Làng Henry River Mill được xây dựng năm 1905 tại bang North Carolina, Mỹ. Đây là nơi cư ngụ của những người thợ đào vàng và là khu sản xuất sợi len có tiếng. Sau này sự phát triển của công nghiệp khiến hình thái lao động tại ngôi làng không còn là tối ưu. Năm 1987, ngôi làng chính thức bị bỏ hoang sau khi những cư dân cuối cùng rời đi. Năm 2012, Henry River Mill xuất hiện trên màn ảnh rộng trong The Hunger Game (Đấu trường sinh tử). Theo đó, ngôi làng trở thành một trong những địa điểm tham quan thu hút người hâm mộ bộ phim. Ảnh: Romantic Asheville.

Làng Henry River Mill được xây dựng năm 1905 tại bang North Carolina, Mỹ. Đây là nơi cư ngụ của những người thợ đào vàng và là khu sản xuất sợi len có tiếng. Sau này sự phát triển của công nghiệp khiến hình thái lao động tại ngôi làng không còn là tối ưu. Năm 1987, ngôi làng chính thức bị bỏ hoang sau khi những cư dân cuối cùng rời đi. Năm 2012, Henry River Mill xuất hiện trên màn ảnh rộng trong The Hunger Game (Đấu trường sinh tử). Theo đó, ngôi làng trở thành một trong những địa điểm tham quan thu hút người hâm mộ bộ phim. Ảnh: Romantic Asheville.

Khuôn viên Caerleon thuộc Đại học South Wales. Công trình được xây dựng năm 1912 và đi vào hoạt động năm 1914. Năm 2016, trường đại học quyết định đóng cửa khuôn viên do không đáp ứng được chi phí cải tạo để công trình đạt chuẩn giáo dục. Năm 2018, Netflix sử dụng địa điểm để quay series Sex Education, biến nơi đây thành ngôi trường cấp hai Moordale. Ảnh: Insider/Netflix.

Đảo Hashima được xây dựng năm 1881, tập trung các hoạt động khai thác than. Năm 1959, hòn đảo có lượng dân số đạt đỉnh khoảng 5.000 cư dân. Sau này, khi quặng than dần cạn kiệt, người lao động chuyển đi nơi khác. Địa điểm chính thức bị bỏ hoang năm 1974. Đảo Hashima được lựa chọn làm "hang ổ" của nhân vật phản diện trong Skyfall (2012). Nhờ thương hiệu điện ảnh điệp viên 007, hòn đảo không bóng người trở thành địa danh Di sản Thế giới của UNESCO năm 2015. Nhiều đoàn làm phim cũng lựa chọn Hashima làm bối cảnh ghi hình. Ảnh: Tripnstay/Chụp màn hình.

Trại cải tạo bang Ohio, Mỹ được đưa vào sử dụng năm 1896. Năm 1955, nơi đây giam giữ 5.235 tù nhân - số lượng lớn nhất trong cả quá trình hoạt động. Sau 94 năm, địa điểm đóng cửa và được chuyển đổi thành viện bảo tàng, cho phép khách đến tham quan. Trại cải tạo cũng xuất hiện trong nhiều dự án điện ảnh như The Shawshank Redemption (1994), Fallen Angels (1995), Air Force One (1997), The Wind is Watching (2014). Ảnh: Cleveland19/9News.

Rhyolite là một trong những thị trấn bị bỏ hoang lớn nhất nằm ở bang Nevada, Mỹ. Tàn tích được xây dựng năm 1904, trong thời kỳ ngành đào vàng chiếm thế thượng phong. Năm 1916, thị trấn bị bỏ hoang khi không còn cư dân sinh sống. Rhyolite là bối cảnh yêu thích của Paramount Pictures. Hãng phim khôi phục và tận dụng địa điểm để làm bối cảnh cho nhiều dự án như Cherry 2000 (1987), Six String Samurai (1998) và The Island (2005). Ảnh: Dream Works/Jimtake.

Thị trấn Craco, Italy, không còn người sinh sống vào năm 1963, bởi lẽ nơi đây thường xuyên bị đe dọa bởi các trận lở đất và động đất. Craco xuất hiện từ thời trung cổ, được xây dựng bởi những người Hy Lạp di cư vào đất liền vào khoảng năm 540 sau Công nguyên. Hiện nay, thị trấn là điểm du lịch nổi tiếng, được Quỹ Di tích Thế giới bảo tồn từ năm 2010. Craco là bối cảnh trong The Passion of the Christ (2004) và Quantum of Solace (2008). Ảnh: Top Gear/The Active Times.

Sân bay Berlin Tempelhof đóng cửa vào năm 2008. Trước đây, di tích được xây dựng để chế tạo máy bay chiến đấu và vũ khí. Hiện, địa điểm chuyển thành nơi tham quan và làm bối cảnh phim. Một số bộ phim nổi tiếng từng ghi hình tại đây có thể kể tới The Hunger Games: Mockingjay - Part 2 (2014), The Bourne Supremacy (2004) và Bridge of Spies (2015). Thiết kế sản xuất của Bridge of Spies từng chia sẻ: "Biển hiệu phía trước của sân bay mang đến hiệu ứng đèn ấn tượng. Nơi đây cũng đủ rộng để chúng tôi tạo nên những cảnh quay phô trương về máy bay". Ảnh: Architectural Digest/Independent.

Six Flags là công viên bị bỏ hoang ở New Orleans, Mỹ. Địa điểm lần đầu tiên mở cửa vào năm 2000, và bị đóng cửa vĩnh viễn sau khi bị hư hại nghiêm trọng do cơn bão Katrina (năm 2005). Từ đây, công viên trở thành bối cảnh của nhiều phim điện ảnh như Percy Jackson: Sea of Monsters (2013), Dawn of the Planet of the Apes (2014) và Jurassic World (2015). Bãi đỗ xe của Six Flags từng là địa điểm quay hình của phim Deepwater Horizon (2016). Ảnh: Cinemablend/Pinterest.

Nhà thờ City Methodist tọa lạc ở bang Indiana, Mỹ. Cuộc suy thoái kinh tế năm 1970 khiến nơi đây mọc rêu xanh do không có kinh phí để duy trì. Nhà thờ chính thức đóng cửa năm 1975. Từ đây, địa điểm trở thành bối cảnh quay cho nhiều phim điện ảnh như A Nightmare on Elm Street (1984), Transformers: Dark of the Moon (2011) và Pearl Harbor (2001). Ảnh: Freaktography/Chụp màn hình.

Trung tâm thương mại Hawthorne Plaza Mall ở bang California, Mỹ đi vào hoạt động năm 1977 và đóng cửa vào năm 1999. Trung tâm rộng 83.000 m2 bị bỏ hoang và trở thành bối cảnh của nhiều tựa phim nổi tiếng như Gone Girl (2014), Minority Report (2002), The Fast and The Furious: Tokyo Drift (2006) và The Green Hornet (2011). Năm 2017, Taylor Swift cũng chọn Hawthorne Plaza Mall làm bối cảnh cho MV Ready For It?. Ảnh: Chụp màn hình/Reddit.

Hạ An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-dia-diem-bo-hoang-tro-thanh-boi-canh-phim-bom-tan-post1136349.html